Đường dẫn truy cập

Miến Điện là ưu tiên trong nghị trình thảo luận tại hội nghị ASEAN


Các giới chức của những nước thành viên ASEAN sẽ tụ tập ở Singapore vào thứ bảy tới đây để dự hội nghị thượng đỉnh hàng năm. Các nhà quan sát cho rằng mối đe dọa của Miến Điện đối với an ninh vùng Đông Nam Á có phần chắc là ưu tiên cao trong nghị trình thảo luận tại hội nghị này. Mời quí vị theo dõi thêm chi tiết dựa theo tường thuật do thông tín viên Luis Ramirez gởi về từ trung tâm tin tức Đông Nam Á của đài VOA ở Bangkok.

Thứ ba tới đây, ASEAN sẽ đánh dấu kỷ niệm 40 năm thành lập với việc ký kết một hiến chương mới. Văn kiện này sẽ giúp ASEAN giữ đúng kế hoạch là thiết lập một khu vực mậu dịch tự do ở Đông Nam Á vào năm 2015.

Các cuộc thảo luận tại hội nghị kéo dài 5 ngày này sẽ tập trung vào việc tháo dỡ rào cản thương mại và tăng cường các mối liên hệ kinh tế giữa các nước trong khối và với những khối khác như Liên hiệp Âu châu.

Các nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận về vấn đề môi trường, bao gồm những nỗ lực chung để giảm thiểu ô nhiễm và gia tăng các nỗ lực để cung cấp nước sạch cho dân chúng trong khu vực.

Trọng tâm chính của các cuộc thảo luận về chính trị là vấn đề Miến Điện và phương cách mà ASEAN nên áp dụng để ứng phó với điều mà nhiều người cho là một mối đe dọa ngày càng tăng cho an ninh khu vực.

Các nước thành viên ASEAN không có lập trường đồng nhất về vấn đề Miến Điện. Một số nước - như Thái Lan, Lào, Việt Nam, và Kampuchia, muốn duy trì phương cách truyền thống của ASEAN là tích cực giao tiếp. Nhưng các nước khác - như Singapore, Indonesia và Philipin, lại có xu hướng muốn áp dụng các biện pháp quyết liệt hơn. Các biện pháp đó có thể bao gồm việc đe dọa trục xuất Miến Điện nếu chính quyền quân nhân ở đó không có những hành động cụ thể để tiến tới dân chủ và bảo vệ nhân quyền.

ASEAN đã bày tỏ thái độ 'kinh tởm' đối với vụ đàn áp dã man của chính quyền quân nhân Miến Điện nhắm vào những người biểu tình đòi dân chủ hồi tháng 9 vừa qua. Tuy nhiên, theo ông Roshan Jason của Khối Liên Quốc hội ASEAN về Miến Điện, một số các nước ASEAN vẫn tiếp tục tăng cường những mối liên hệ về kinh tế với tập đoàn quân nhân cầm quyền Miến Điện.

Ông Jason nói: "Một mặt họ bày tỏ sự kinh tởm, nhưng mặt khác, họ lại giúp cho tập đoàn quân nhân trở nên giàu có hơn - và điều đó chỉ khuyến khích các tướng lãnh mua thêm vũ khí để đàn áp dân chúng."

Những người chỉ trích nói rằng tố cáo rằng Thái Lan - đối tác thương mại lớn nhất của Miến Điện, chính là nước do dự nhất trong việc áp dụng các hành động mạnh mẽ. Lý do là vì Thái Lan đầu tư nhiều tỉ đô la ở Miến Điện. Trong các dự án đầu tư đó, có những dự án dầu khí mang lại cho các tướng lãnh Miến Điện hàng chục triệu đô la mỗi tháng. Ngay trong tuần này, truyền thông Thái Lan trích lời các giới chức ở Bangkok nói rằng Thái Lan đang định hợp tác với Trung quốc để thực hiện một dự án khai thác dầu khí ở Miến Điện.

Ông Zinn Linn là thành viên của một tổ chức đặt trụ sở ở Thái Lan, có tên là Chính phủ Liên minh Quốc gia của Liên hiệp Miến Điện. Ông nói rằng hoàn toàn không có hy vọng gì về việc Thái Lan sẽ tham gia những nỗ lực nhằm gây áp lực đối với chính quyền Miến Điện.

Ông Linn nói: "Thái Lan không hề quan tâm tới vấn đề của Miến Điện. Họ chỉ quan tâm tới những lợi ích của họ trong khu vực biên giới. Họ cảm thấy lo ngại. Nếu chính quyền Miến Điện đóng cửa biên giới thì điều đó sẽ phương hại tới kinh tế Thái Lan. Chính quyền quân nhân biết rõ nhược điểm đó. Vì vậy chúng tôi không trông mong gì ở Thái Lan cả."

Bản dự thảo của Hiến chương mà ASEAN sẽ ký kết vào thứ ba tới đây cho thấy hiệp hội này sẽ tiếp tục tuân thủ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước hội viên. Các nhà hoạt động cho dân chủ và nhân quyền nói rằng đây chính là dấu hiệu cho thấy ASEAN vẫn ngần ngại, không muốn áp đặt lên giới lãnh đạo Miến Điện những áp lực có ý nghĩa.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG