Đường dẫn truy cập

Sinh viên Mỹ vận động bảo vệ môi trường


Giới trẻ người Mỹ bây giờ đi bầu nhiều hơn bao giờ hết. Theo các con số thống kê, trong các cuộc bầu cử năm 2004 và 2006, thành phần cử tri từ 18 đến 29 tuổi tăng gấp đôi so với thành phần cử tri nói chung. Vì số lượng tăng và vì có những vấn đề nóng bỏng, giống như vấn đề tăng nhiệt toàn cầu, giới trẻ người Mỹ đang hành động để tạo thay đổi. Một số người trẻ mới đây đã đến Washington để nói lên sức mạnh chính trị của họ.

Các nhà tổ chức gọi đây là ngày vận động lớn nhất về đề tài thay đổi khí hậu. Và một người trẻ tuổi vừa cầm loa đứng trước đám đông nói rằng họ muốn tổ chức những buổi mít-tinh như thế này ở khắp các thành phố, khắp các trường đại học và khắp các tiểu bang; để rồi sẽ trở thành một phong trào tạo thay đổi.

Trong tuần qua 5,000 sinh viên đến từ mọi trường dại học các tiểu bang đã tụ tập tại trước trụ sở quốc hội ở thủ đô, đòi các nhà lập pháp phải có biện pháp nhanh chóng để đối phó với vấn đề tăng nhiệt toàn cầu.

Cô Chelsea Cook, một sinh viên tham gia buổi mít-tinh cho biết:

"Chúng tôi có mặt ở đây hôm nay để tạo sự khác biệt, bởi vì có nhiều người trên thế giới hiện nay đang đau khổ vì hiện tượng tăng nhiệt toàn cầu."

Còn cô sinh viên Stephanie Grube thì nói rằng cô và các bạn có thể tạo thay đổi bằng lá phiếu, bằng cách tham gia các tổ chức.

Và anh sinh viên Nathan Wyeth thì nói: "Sinh viên chúng tôi là những người làm nhiều hơn nói. Chúng tôi cũng muốn Quốc Hội phải làm một cái gì đó. Chúng tôi muốn có một nền kinh tế sử dụng năng lượng sạch, giúp giải quyết vấn đề thay đổi khí hậu. Có được như vậy mới giúp được nước Mỹ thoát khỏi cảnh nghèo và giúp các nước khác phát triển tốt hơn. Đó là con đường rõ rệt trước mắt, và tôi nghĩ sẽ không có ai lại phản đối chuyện đó."

Buổi mít-tinh của các sinh viên được đặt tên là Ngày Vận Động. Đứng ra tổ chức buổi mít-tinh là Liên minh Hành động vì Năng lượng; một nhóm phi lợi nhuận gồm hơn 40 đoàn thể sinh viên muốn bảo vệ môi trường.

Trình bày trước Quốc Hội, anh Billy Parish, một trong những người lập ra nhóm, kêu gọi 2 đảng ủng hộ kế hoạch giảm thật mạnh chuyện thải ra khí carbon, tạo ra hàng triệu việc làm mới và có lợi cho môi trường, và ban hành luật tạm ngưng xây các nhà máy điện chạy bằng than. Phần trình bày của anh Parish có đoạn như sau:

"Tôi khẩn khoản yêu cầu các thành viên của Quốc Hội khóa thứ 110 lắng nghe các đòi hỏi của chúng tôi. Nhưng tôi xin yêu cầu các đại biểu lắng nghe không phải với tư cách là chính trị gia, mà là với tư cách của bậc cha mẹ, anh chị em. Chúng ta có thể tạo thay đổi nếu chúng ta hợp tác với nhau. Nhưng chúng ta phải bắt đầu ngay bây giờ."

Bà Cheryl Lockwood, một thổ dân Eskimo ở tiểu bang Alaska xa xôi, nói với các đại biểu Quốc Hội rằng những người đồng hương của bà không thể chờ đợi lâu hơn nữa. Đất ở miền biển bị xói mòn do những tảng băng đá tan chảy, đã ảnh hường xấu đến cuộc sống hằng ngày của vùng bà đang sinh sống:

"Trong suốt cuộc đời tôi, tôi toàn thấy những thay đổi bất lợi cho cộng đồng chúng tôi. Chúng tôi thực sự lo sợ một ngày nào đó sẽ mất hết những truyền thống, mất cả nền văn hóa. Chúng tôi đã sống ở đấy từ nhiều ngàn năm qua. Chúng tôi không phải chỉ mất miếng ăn. Chúng tôi sẽ mất cả nhà cửa nữa."

Nỗi lo sợ của bà Lockwood đã được các sinh viên nhắc lại khi họ đến gặp riêng các nhà làm luật của tiểu bang họ. Khoảng 50 sinh viên đến từ tiểu bang Iowa đã ghé vào văn phòng của Nghị Sĩ tiểu bang là ông Chuck Grassley, và được ông dành cho 15 phút để trả lời những nguyện vọng của họ. Cô sinh viên nói với vị Nghị Sĩ:

"Chúng tôi mong sẽ giảm 80% khí thải carbon trước năm 2050, và điều đó có thể thực hiện được bằng cách tạo ra những việc làm thân thiện với môi trường, tiết kiệm sử dụng năng lượng."

Và Nghị Sĩ Grassley đã trả lời với họ: "Tôi là người ủng hộ mạnh mẽ loại năng lượng chạy bằng sức gió, ủng hộ tất cả các nguồn năng lượng thay thế, ví dụ như ethanol, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh học, đại loại như thế."

Mặc dù chỉ được tiếp kiến vị Nghị Sĩ của tiểu bang trong vòng 15 phút, nhưng anh Benjamin Katz, 27 tuổi, sinh viên trường quản lý nói rằng buổi tiếp kiến cũng đáng cho anh đã bỏ công đi một chuyến xe đò từ Iowa đến Washington, vừa đi vừa về tốn hết 40 tiếng đồng hộ. Anh Benjamin nói rằng anh đã học được cách biến lòng sôi nổi của anh thành một thông diệp chính trị hữu hiệu qua hành động khôn khéo, mặc dù anh thừa nhận là anh vẫn còn nhiều điều phải học hỏi:

"Lần tới nhất định tôi phải tìm hiểu thêm về thành tích biểu quyết của người đại diện của tôi tại Quốc Hội, để tôi có thể đi thẳng vào vấn đề hơn với ông, để biết thêm lập trường của ông và chuẩn bị sẵn những gì phải nói cụ thể khi gặp mặt ông, để xem lập trường của ông có khác gì lập trường mà chúng tôi đang vận động hay không."

Các sinh viên khác trong nhóm thì nói rằng sự đón tiếp thân mật của vị Nghị Sĩ đã tạo cho họ cái cảm tưởng rằng nỗ lực vận động của ho, dù còn rất non trẻ, cũng có thể mang lại kết quả.

Sinh viên Jai Garg, 18 tuổi, cho biết: "Chúng tôi cảm thấy rất tự tin về những gì mà chúng tôi nói cho vị đại diện biết. Chỉ nội chuyện chúng tôi có mặt ở Washington hôm nay cũng đủ giúp thúc đẩy phong trào vận động bảo vệ môi trường được mạnh hơn.

Và Sinh viên Nathan Pavlovic, 19 tuổi cho biết: "Dĩ nhiên là vị Nghị Sĩ sẽ không đồng ý với tất cả những vấn đề mà chúng tôi đặt ra. Đó là vai trò và lập trường của một vị Nghị Sĩ. Nhưng tôi cho rằng thật là một điều tốt khi chúng tôi cho ông biết ông cần phải suy nghĩ đến vấn đề này, và ông cần phải nghĩ lại những gì ông đang làm. Chúng tôi không đến gặp ông để buộc ông phải làm theo tất cả những gì mà chúng tôi muốn, nhưng ít ra chúng tôi cũng khiến ông pahỉ suy nghĩ và quan tâm đến lập turòng của chúng tôi."

Anh Pavlovic và nhóm sinh viên vận động đến từ tiểu bang Iowa sau khi rời khỏi Washington mang theo hy vọng là sẽ tiếp tục đối thoại với các đại biểu Quốc Hội và sẽ tiếp tục hành động để đi đến thành quả trong các vấn đề môi trường.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG