Đường dẫn truy cập

Ảnh hưởng của vụ khủng hoảng chính trị đối với an ninh Pakistan


Vụ khủng hoảng chính trị bùng ra ở Pakistan sau khi Tổng thống Pervez Musharraf ban bố tình trạng khẩn trương đã khiến nhiều người lo ngại là giới hữu trách ở Islamabad không thể tập trung nỗ lực để chống lại các phần tử Hồi giáo hiếu chiến và sự bất ổn ở Pakistan có thể đe dọa tới an ninh cho toàn vùng Nam Á và cho cả thế giới. Một số người nêu lên sự kiện là các chiến binh Taleban giờ đây đã không chỉ ẩn náu trong vùng biên giới hẻo lánh giáp với Afghanistan mà đã bắt đầu hoạt động ở thung lũng Swat, cách thủ đô Islamabad khoảng 150 kilo mét. Một số chi tiết về vấn đề này sẽ được Duy Ái trình bày trong tiết mục Nhìn Về Á Châu sau đây.

Vụ rối loạn chính trị trong hơn một tuần vừa qua ở Pakistan, phát sinh từ diễn tiến mà một số người gọi là 'Tướng Musharraf lật đổ Tổng thống Musharraf', đã khiến cho nhiều người rất lo ngại.

Bà Caroline Wadhams, một nhà phân tích thuộc tổ chức nghiên cứu ở Washington có tên là Trung tâm Tiến bộ Hoa Kỳ, nói rằng tình hình hiện nay chẳng những gây bất ổn cho Pakistan mà còn có những tác động rất tiêu cực đối với nền an ninh của khu vực Nam Á.

Bà Wadhams nói: "Tôi nghĩ rằng điều này bất lợi cho sự ổn định của Pakistan và vì thế cũng bất lợi cho quan hệ của Pakistan với Ấn độ, bất lợi cho khả năng của Pakistan trong việc thực hiện những cuộc hành quân chống lại phe Taleban và quân khủng bố al-Qaida trong vùng biên giới. Tôi cũng nghĩ rằng việc bóp nghẹt tiếng nói của phe đối lập có chủ trương thế tục khiến cho tiếng nói của phe đối lập thuộc các thành phần tôn giáo và những phần tử cực đoan trở thành tiếng nói duy nhất. Theo tôi thì đây là một diễn tiến rất nguy hiểm."

Một nguy cơ khác mà nhiều người cho rằng có thể phát sinh từ vụ khủng hoảng chính trị ở Pakistan là kho vũ khí hạt nhân của nước này có thể lọt vào tay của các phần tử Hồi giáo cực đoan. Theo tường thuật của tờ New York Times, số ra ngày 11 tháng 11, các giới chức Hoa Kỳ, cùng với Pháp và Anh, đã thảo luận với nhau rất nhiều về vấn đề này trong những ngày vừa qua.

Một viên chức cao cấp của chính phủ Mỹ cho tờ New York Times biết rằng nhiều người hy vọng là quân đội Pakistan có thể kiểm soát kho vũ khí hạt nhân của mình, bất kể ai là người đứng đầu chính phủ. Mặc dù vậy, viên chức này cũng nói thêm rằng tuy quân đội Pakistan có tính chuyên nghiệp cao, nhưng không ai biết chắc là có bao nhiêu biện pháp bảo vệ an toàn hạt nhân đã được định chế hóa và bao nhiêu biện pháp là tùy thuộc vào những người thân tín của tướng Musharraf.

Một số người cũng cho rằng ngay cả trong trường hợp vũ khí hạt nhân được bảo đảm thì tình trạng hỗn loạn chính trị có thể làm cho chính phủ Pakistan lơ là việc giám sát các khoa học gia hạt nhân và dẫn tới việc kỹ thuật hạt nhân bị lén lút mang bán - tương tự như những gì mà ông Abdul Qadeer Khan, cha đẻ bom hạt nhân Pakistan, đã làm trước đây.

Nhiều nhà quan sát, trong đó có bà Patricia Taft của Quĩ Hòa bình ở Washington, cũng tỏ ý lo ngại về những tác động tiêu cực của tình hình ở Pakistan đối với cuộc chiến tranh ở Afghanistan.

Bà Taft cho biết như sau trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho đài VOA: "Còn có một mối quan tâm lớn liên quan tới Hoa Kỳ và các đồng minh của Hoa Kỳ trong khối Nato hiện đang thi hành sứ mạng bảo vệ hòa bình ở Afghanistan, bởi vì Pakistan là một trong những tuyến đường bộ chủ yếu để đưa viện trợ quân sự và nhân đạo vào Afghanistan. Vì thế cho nên, sự bất ổn ở Pakistan có những hậu quả rất nguy hiểm."

Bà Teresita Schaffer, một chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề Chiến lược và Quốc tế ở Washington, tán đồng quan điểm của bà Taft. Vị cựu Đại sứ Mỹ này cho biết thêm như sau:

"Mối quan tâm của tôi là việc này sẽ làm giảm bớt sự tập trung chú ý của những công tác vốn dĩ rất khó khăn của Pakistan là kiểm soát khu vực biên giới và đối phó với chủ nghĩa cực đoan ở trong nước."

Khi được hỏi là phải chăng việc ban bố tình trạng khẩn trương sẽ giúp cho quân đội Pakistan được dễ dàng hơn trong công tác chiến đấu chống lại các phần tử hiếu chiến, Đại sứ Schaffer cho biết như sau:

"Nhưng điều đó cũng sẽ mang lại những trách nhiệm mới. Họ sẽ phải bố trí binh sĩ ở đâu? Họ sẽ suy tính những gì? Họ sẽ nghĩ tới việc làm thế nào để kiểm soát giới báo chí hay là làm thế nào để khống chế các phần tử cực đoan?"

Những vụ bạo động ngày càng tăng trong vùng biên giới giáp với Afghanistan là một trong các lý do mà Tổng thống Musharraf đã nêu ra khi ông ban hành lệnh khẩn cấp. Tuy nhiên, theo hầu hết các nhà quan sát, những hành vi trấn áp nhắm vào các vị thẩm phán, các nhà hoạt động nhân quyền, và các chính khách đối lập cho thấy rằng mục tiêu chính của ông Musharraf là ngăn không cho Tối cao Pháp viện đưa ra phán quyết chống lại việc ông nắm giữ cùng một lúc hai chức vụ tổng thống và tư lệnh quân đội. Về việc này, ông Husain Haqqani, Giám đốc Trung tâm Quan hệ Quốc tế của Đại học Boston cho biết như sau:

"Sự thật là sau khi áp đặt lệnh khẩn cấp tướng Musharraf đã có nhiều hành động chống lại Tối cao Pháp viện và những người trong cộng đồng luật pháp hơn là chống lại các phần tử khủng bố. Điều này cho thấy rằng vấn đề thực sự của ông ấy là với ngành tư pháp của Pakistan."

Một số các nhà quan sát cũng cho rằng các phần tử hiếu chiến thuộc phe Taleban và al-Qaida đã lợi dụng tình trạng rối ren hiện nay để gia tăng các hoạt động ở Pakistan. Trong thời gian gần đây, quân đội Pakistan đã gặp nhiều tổn thất ở khu vực bộ tộc Waziristan; và trong cùng ngày lệnh khẩn cấp được ban bố, giới hữu trách ở Islamabad đã phải phóng thích 28 phần tử Taleban để đổi lấy tự do cho hơn 200 binh sĩ chính phủ đã đầu hàng với phe Taleban hồi tháng 8.

Trong vài ngày qua, các phần tử hiếu chiến cũng đã nới rộng quyền kiểm soát ở thung lũng Swat, cách thủ đô Islamabad vài giờ đồng hồ lái xe. Các nguồn tin độc lập ở Pakistan cho biết những tay súng trung thành với giáo sĩ Hồi giáo cực đoan Maulana Fazlullah giờ đây đã nắm quyền kiểm soát hầu hết các làng mạc và thị trấn trong vùng Swat, là khu vực du lịch nổi tiếng và thường được gọi là Thụy Sĩ của Á Châu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG