Đường dẫn truy cập

Anh phá vỡ một đường dây buôn bán phụ nữ


Anh vừa phá vỡ một đường dây buôn bán phụ nữ. Trong một nỗ lực gần đây để chấm dứt loại tội phạm này, cảnh sát cho hay họ đang nhắm vào những tay trùm của các băng đảng và các đường dây buôn người. Các giới chức nói rằng Anh là một điểm đến chính trong đường dây quốc tế của các băng đảng buôn bán phụ nữ, và nhiều nạn nhân đã bị lừa vào bẩy bằng lời hứa là sẽ có được một việc làm tốt. Phái viên Mandy Clark của Đài VOA tại London có bài tường thuật chi tiết sau đây.

Joanne không phải là tên thật của người phụ nữ này. Cô muốn dấu tên thật của mình. Cô Joanne nói: khi rời bỏ đất nước Rwanda đang có chiến tranh, cô nghĩ rằng cô sẽ có một cuốc sống tốt đẹp hơn.

Cô Joanne nói: “Tôi đã có cảm giác như cuộc đời tôi bước sang một trang mới, với một cuộc sống mới, một sự khởi đầu mới, và tôi rất mong muốn có được điều đó.”

Nhưng người đưa cô nhận cảnh lậu vào nước Anh thì có những kế hoạch khác.

Cô Joanne nói: “Hắn đã cưỡng hiếp tôi, và sau đó bắt đầu kêu những tên khác trong băng nhóm của hắn thực hiện hành vi đồi bại ấy với tôi. Hắn sẽ phải trả giá cho hành động tội lỗi đó.”

Cô Joanne nói rằng mọi người trong gia đình cô ở Rwanda đều đã qua đời, và cô không có ai để nơi nương tựa.

Cô Joanne nói: “Ý nghĩ đầu tiên của tôi là phải tìm cách trốn đi, nhưng đi đâu? Tôi muốn chết nhưng cũng không biết làm cách nào. Ước gì tôi được chết cùng với gia đình luôn.”

Helen Bamber Trust, là một tổ chức tranh đấu chống nạn mua bán phụ nữ. Tổ chức này đã giúp Joanne được hồi phục sau cơn chấn thương về tinh thần. Trong một đoạn băng video ghi lại hình ảnh về hoạt động của tổ chức này, một nhân viên cho biết:

“Elena thường hay khóc, còn Maria thì lúc nào cũng cảm thấy chán nản.”

Để công chúng thấy được vấn đề này, tổ chức này đã tiến hành một chiến dịch rầm rộ với sự tham gia của diễn viên điện ảnh Emma Thompson.

Các nghiên cứu của chính phủ Anh cho thấy có khoảng 4,000 phụ nữ bị dính líu đến hoạt động mua bán tình dục bất hợp pháp đã bị đưa đến nước này nhằm mục đích đó, và con số trên thực tế có thể cao gấp hai lần. Các giới chức đặt tên cho chiến dịch mới là Pentameter II và nói rằng chiến dịch này có những kết quả vượt trội chiến dịch lần trước. Chiến dịch tảo thanh hồi năm ngoái đã giải cứu được 84 phụ nữ và các bé gái vị thành niên ra khỏi các nhà thổ và những phòng xoa bóp, và dẫn đến việc bắt giam 232 nghi can.

Cảnh sát trưởng Nick Kinsella là người quản lý một trung tâm chống nạn buôn người của Anh. Ông nói như sau:

“Chúng tôi phải làm sao cho Anh trở thành một môi trường không thuận lợi đối với những kẻ buôn bán phụ nữ. Đây là nơi mà nếu bọn chúng dính líu đến các hoạt động buôn người, thì đó là một hoạt động tội phạm rất nguy hiểm mà lợi nhuận rất thấp.”

Cô Joanne nói rằng cô đã được thả ra sau 11 tháng vì sức khỏe cô bắt đầu sa sút và cô không còn có ích đối với bọn mua cô. Cô nói họ đã để cô đi, nhưng đã cho cô những thông tin khủng khiếp. Cô nói:

Cô Joanne nói: “Hắn bảo với tôi rằng hắn đã bị nhiễm HIV và hắn chắc rằng hắn đã lây sang cho tôi. Tôi đến một cơ sở y tế và phát hiện ra rằng tôi đã bị nhiễm HIV gây bệnh Aids, và lúc ấy thì tôi hoàn toàn mất cả suy nghĩ.”

Nữ tu Patricia Mulhall là một nữ tu thiên chúa giáo làm việc với Liên Hiệp Quốc trong việc soạn thảo các luật lệ để chấm dứt việc buôn bán người. Bà nói như sau:

“Đây là một kiểu mua bán nô lệ ở thế kỷ 21. Ma túy được mang bán, rồi nó cũng hết. Nhưng một phụ nữ hay một bé gái có thể bị bán hết lần này sang lần khác.”

Nữ tu Mulhall nói rằng thông điệp này cần phải đến những người đàn ông mua dâm. Bà nói tiếp:

“Tôi nghĩ rằng chúng ta phải ngăn chận tình trạng này. Chúng ta hảy nhìn thẳng vào những kẻ mua dâm và thách thức hành vi xã hội của họ.”

Bà Mulhall nói rằng nếu không có nhu cầu, thì việc mua bán cũng sẽ ngưng, nhưng Joanne nói rằng cô không hy vọng ở điều đó. Cô nói:

“Điều đó đã xảy ra, nó vẫn còn xảy ra, và nó sẽ không chấm dứt đối với tôi.”


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG