Đường dẫn truy cập

Cúm gia cầm tiếp tục lây lan tại một số nước Châu Á và Châu Phi


Các nước ở Châu Á và Châu Phi đã đạt được nhiều thành quả trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch cúm gia cầm, nhưng các chuyên gia họp tại Bangkok trong tuần này nói rằng virut H5N1 tiếp tục lây truyền tại một số quốc gia. Từ Bangkok, phái viên Luis Ramirez gửi về bài tường thuật sau đây:

Các chuyên gia thuộc Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc nói rằng cúm gia cầm vẫn còn được coi như một dịch bệnh của thú vật, mà tính đến nay, mới chỉ tác động trên một số ít người. Nhưng họ nói rằng mối đe dọa về một đại dịch nơi người, có thể gây thiệt mạng cho hàng triệu người, cũng là điều rất hiện hữu.

Bác sĩ David Nabarro, phối hợp viên cấp cao của Liên Hiệp Quốc về cúm gia cầm và cúm người, nói với các phóng viên tại Bangkok hôm nay rằng trong khi đa số các nước đã đạt được tiến bộ trong việc ngăn chặn sự lây lan của virut, thì vẫn còn một số khu vực có vấn đề.

Bác sĩ Nabarro nói: “Chúng ta thấy trong 3 năm qua, các nước đã đầu tư nhiều tài nguyên vào việc tiêm phòng cho gà vịt, vào việc cải thiện các dịch vụ thú y, và vào điều mà chúng ta gọi là an toàn sinh học, để tìm cách giảm thiểu rủi ro của cúm gia cầm tiếp tục lây truyền trong những đàn gà vịt hay các loài chim hoang. Chúng ta đã thấy ở nhiều nước, thành quả phi thường trong việc kiểm soát vấn đề này. Nhưng không phải mọi nơi đều như thế. Có một số vấn đề trong vùng.”

Bác sĩ Nabarro nói rằng virut tiếp tục lây lan tại Bangladesh, Indonesia và Việt Nam ở Châu Á; Ai Cập và Nigeria ở Châu Phi. Các chuyên gia cho rằng các quốc gia chưa khai triển được một công nghiệp nuôi gia cầm hướng vào xuất khẩu gặp khó khăn nhiều hơn trong việc ngăn chặn dịch bệnh. Họ nêu trường hợp Thái Lan chẳng hạn, đã đạt được thành quả tốt hơn trong việc kiểm soát cúm gia cầm bởi vì Thái Lan đã thiết lập được một hệ thống thú y để hỗ trợ cho số gà vịt xuất khẩu ở mức độ đáng kể.

Một khó khăn nữa có thể gây trở ngại cho các nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virut H5N1 là sự miễn cưỡng của một số nước không muốn giao các mẫu tế bào của các ca cúm gia cầm.

Trung Quốc là một trong những nước này. Bác sĩ Nabarro cho biết các cuộc thương thảo đang tiếp tục trong cố gắng buộc Bắc Kinh khai báo thêm các số liệu và tài liệu có thể giúp các nhà khoa học khai triển một vaccine chủng ngừa.

Bác sĩ Nabarro giải thích: “Có một số trường hợp trong đó các nước đã yêu cầu xác minh về những lợi ích mà họ sẽ được hưởng trong việc chia sẻ các mẫu bệnh, và có một số cuộc thương thảo quốc tế đang được tiến hành vào lúc này để tìm cách thiết lập một căn bản thỏa đáng cho việc chia sẻ mẫu bệnh bằng cách cứu xét xem liêu có thể bảo đảm rằng những nước cung cấp mẫu bệnh có thể được hưởng các lợi ích từ những sản phẩm được sản xuất với sự hỗ trợ của các mẫu bệnh ấy hay không.”

Các chuyên gia nói rằng những quan ngại của Bắc Kinh có liên quan đến tác quyền tài sản trí thức đối với bất kỳ vắc-xin nào được khai triển bằng các dữ liệu hay khảo cứu phát xuất từ Trung Quốc. Indonesia đã do dự không muốn cung cấp các mẫu tế bào cũng vì những lý do tương tự.

Các đại diện của nhiều quốc gia dự trù sẽ họp tại Geneva vào cuối tháng này để giải quyết các mối quan ngại đó và bàn về việc thiết lập một tiêu chuẩn quốc tế về chia sẻ thông tin và mẫu bệnh.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG