Đường dẫn truy cập

Doanh nghiệp Mỹ nóng lòng đầu tư vào Việt Nam


Bộ Trưởng Thương Mại Hoa Kỳ Carlos Gutierrez đang hướng dẫn một phái đoàn thương mại gồm 22 công ty Hoa Kỳ tới Việt Nam. Đây là phái đoàn thương mại đầu tiên tới Việt Nam kể từ khi nước này gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang nóng lòng thực hiện các cuộc đầu tư tại Việt Nam.

Thương mại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã gia tăng từ 1 tỷ 5 trăm triệu đô la năm 2001 lên tới 5 tỷ 7 trăm triệu đô la hồi năm ngoái. Đây là một chiều hướng mà cả hai phía đều muốn thấy sẽ tiếp tục.

Bộ Trưởng Thương Mại Hoa Kỳ, ông Carlos Gutierrez, nói rằng, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tham gia chuyến du hành của ông muốn đầu tư thêm vào Việt Nam, và nhanh chóng tháo gỡ những trở ngại cho việc đầu tư vào nền kinh tế đang phát triển ở Việt Nam.

Ông Gutierrez nói: "Vấn đề lớn nhất mà các công ty đã nêu lên là họ muốn mọi việc tiến triển nhanh hơn. Khía cạnh lạc quan là tất cả các công ty đều muốn đầu tư."

Những công ty tham gia phái đoàn thương mại này bao gồm các đại công ty như ALCOA, Ford, và Dow Chemical, trong các lãnh vực từ điện tử tới năng lượng và du lịch.

Ông Adam Sitkoff, chủ tịch Phòng Thương Mại Mỹ tại Hà Nội, nói rằng, mặc dầu các doanh nhân Hoa Kỳ muốn đầu tư vào Việt Nam, nhưng những quyết định cần thiết để giúp mọi việc tiến hành trôi chảy hơn đôi khi đã được đưa ra rất chậm chạp, đặc biệt là trong lãnh vực cải thiện cơ sở hạ tầng của Việt Nam.

Ông Sitkoff nói: "Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ coi Việt Nam như một thị trường hấp dẫn mới xuất hiện trên thế giới. Không phải chỉ có các công ty Hoa Kỳ mới nghĩ rằng Việt Nam cần xúc tiến mau chóng hơn trong các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng."

Các công ty sản xuất lo ngại rằng, những cảng còn thô sơ của Việt Nam cũng như đường lộ, và đường sắt có thể bị tắc nghẽn trước tình trạng phát triển vượt bực khối lượng hàng xuất khẩu của nước này.

Tình trạng thâm thủng mậu dịch của Hoa Kỳ đối với Việt Nam hiện khá lớn và ngày càng gia tăng. Oâng Gutierrez nói rằng, phương sách giúp giảm bớt tình trạng này là gia tăng khối lượng xuất khẩu của Hoa Kỳ bằng cách yêu cầu Việt Nam mở cửa thị trường của họ cho hàng hóa của Hoa Kỳ.

Bộ trưởng Gutierrez nói: "Chúng tôi không muốn giảm bớt tình trạng thâm thủng mậu dịch bằng cách hạn chế khối lượng hàng nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Chúng tôi nghĩ rằng điều đó có hậu quả tai hại, và không tốt cho nền kinh tế."

Những mối lo ngại cho rằng việc gia tăng xuất khẩu mặt hàng dệt may của Việt Nam sẽ gây phương hại cho ngành công nghiệp đã đưa tới việc Hoa Kỳ hồi năm ngoái áp dụng một chương trình để theo dõi việc nhập khẩu mặt hàng dệt may của Việt Nam về hiện tượng bán phá giá. Ông Gutierrez nói rằng, chương trình đó sẽ được kéo dài cho tới cuối nhiệm kỳ của chính phủ Bush.

Phái đoàn thương mại gồm 22 công ty này là phái đoàn đầu tiên của Hoa Kỳ tới Hà Nội kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới hồi tháng Giêng năm nay.Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới sau Trung Quốc, với mức tăng trưởng hơn 8% mỗi năm.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG