Đường dẫn truy cập

Mỹ: Chế tài sẽ được hủy bỏ khi Bình Nhưỡng từ bỏ hạt nhân


Đặc sứ Hoa Kỳ phụ trách việc tìm kiếm một giải pháp ngoại giao nhằm chấm dứt các chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên nói rằng Bình Nhưỡng còn phải làm nhiều hơn nữa trước khi những biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc được hủy bỏ. Trong lúc một toán chuyên gia Mỹ bắt đầu quá trình vô hiệu hóa cơ sở hạt nhân chính của Bắc Triều Tiên, chính phủ các nước tham gia vào các cuộc thương thuyết về hạt nhân đang chuẩn bị nhận một danh sách các chương trình và các cơ sở hạt nhân mà Bình Nhưỡng hứa sẽ cung cấp.

Hôm nay Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông Christopher Hill phát biểu với các ký giả tại thủ đô Hán Thành rằng vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi Liên Hiệp Quốc hủy bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên:

Ông Hill nói: “Những biện pháp chế tài vẫn còn được áp dụng cho đến khi nào Cộng Hòa Dân chủ Nhân Dân Triều Tiên từ bỏ các hoạt động hạt nhân. Tới lúc đó thì vấn đề này mới được mang ra xem xét lại.”

Liên Hiệp Quốc đã áp đặt những biện pháp trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng thực hiện cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân hồi tháng 10 năm ngoái. Tuy nhiên, kể từ lúc đó các cuộc hội đàm đa phương nhằm chấm dứt khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên đã đạt được những tiến bộ đáng kể.

Bắc Triều Tiên đã ngưng các hoạt động tại nhà máy sản xuất hạt nhân chính ở Yongbyon để đổi lấy viện trợ về năng lượng, dựa theo giai đoạn đầu của thỏa thuận mà Bắc Triều Tiên đạt được với Hoa Kỳ, Nam Triều Tiên, Trung Quốc, Nga và Nhật bản.

Dựa theo giai đoạn hai của thỏa thuận này, một toán chuyên gia của Mỹ đang có mặt tại Bắc Triều Tiên để giám sát việc tháo dỡ cơ sở hạt nhân ở Yongbyon. Ông Hill nói rằng mục đích cuối cùng là vô hiệu hoá vĩnh viễn cơ sở này và tất cả những cơ sở hạt nhân khác của Bắc Triều Tiên.

Các nhà ngoại giao nói rằng tiến trình đàm phán 6 bên là nhằm biến đổi cơ cấu an ninh của khu vực Đông Bắc Á, trong đó có cả việc thực hiện một nền hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên. Về mặt lý thuyết thì hai miền Bắc và Nam Triều Tiên vẫn còn ở trong tình trạng chiến tranh: cuộc chiến tranh Triều Tiên từ năm 1950 đến năm 1953 chỉ chấm dứt bằng một lệnh ngưng bắn, mà không phải là một hòa ước vĩnh viễn.

Ông Hill nói rằng nếu giai đoạn hủy bỏ hạt nhân của Bình Nhưỡng được tiến hành một cách suông sẻ, thì Washington sẵn sàng bắt đầu những cuộc hội đàm riêng rẽ khác nhằm mục đích đạt được một hiệp định hòa bình chính thức.

Tuy nhiên, Đặc sứ Hill cũng nói thêm rằng cần phải hoàn tất quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên trước khi thực hiện những bước kế tiếp. Ông giải thích như sau:

“Khái niệm này có nghĩa là chúng tôi sẽ tiến hành các cuộc thảo luận sau khi vô hiệu hóa tất cả các cơ sở hạt nhân, với nhận thức là chúng tôi sẽ không ký kết bất kỳ hiệp định hòa bình nào cho đến khi việc phi hạt nhân hóa được thực hiện.”

Ông Hill đã đáp máy bay đến Tokyo ngày hôm nay. Ông nói rằng các vị đặc sứ trong các cuộc hội đàm 6 bên có vẻ như muốn họp trở lại tại Bắc kinh trong thời gian sớm nhất để nghe Bắc Triều Tiên khai báo tất cả các chương trình hạt nhân như họ đã hứa. Việc kiểm kê và hủy bỏ tất cả các nguyên liệu và vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng dự kiến sẽ hoàn tất vào đầu năm tới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG