Đường dẫn truy cập

Hành lang kinh tế Ðông Tây


Ngày nay hầu như các nước trên thế giới đều nhận thấy rằng các lợi ích về kinh tế và xã hội chỉ có thể đạt được khi mà những giao tiếp và hợp tác được cải thiện. Một trong những phương cách để đạt được sự cải thiện đó là thiết lập những con đường giao thông nối liền giữa các nước đang có cùng một mục tiêu phát triển kinh tế. Trong nhiều năm qua, các nước tại Đông Nam Á đã xây dựng Xa Lộ Á Châu và mới đây là một xa lộ chạy dài từ Miến Điện đến Việt Nam xuyên qua hai nước Thái Lan và Lào được gọi là Hành Lang Kinh Tế Đông Tây. Sau đây là một số chi tiết về con đường hành lang này và triển vọng về những lợi ích mà các nước liên hệ hy vọng sẽ đạt được trong tương lai:

Sau khi trở thành hội viên của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, Việt Nam đang tìm cách mở rộng các hoạt động thương mại với Miến Điện qua xa lộ có tên là Hành Lang Kinh Tế Đông Tây, một con đường được thực hiện theo Chương Trình Hợp Tác Kinh Tế Của Tiểu Vùng Mekong Mở Rộng. Mới đây một phái đoàn Việt Nam đã đến thăm thành phố Myawady trong khu vực biên giới Miến Điện tiếp giáp với Thái Lan để nghiên cứu các cơ hội đầu tư tại đây trong khuôn khổ của một chuyến viếng thăm các quốc gia nằm dọc theo xa lộ hành lang kinh tế Đông Tây. Bốn nước nằm dọc theo hành lang kinh tế này là Việt Nam, Lào, Thái Lan và Miến Điện.

Hành Lang Kinh Tế Đông Tây, được thiết lập theo Chương Trình Tiễu Vùng Mekong Mở Rộng, là một xa lộ dài khoảng 1600 kilomet nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương. Hành lang này khởi sự từ Mawlamyine của Miến Điện ở phía Tây, xuyên qua các nước Thái Lan và Lào, rồi chạy ngang qua cố đô Huế và đến thành phố hải cảng Đà Nẵng của Việt Nam ở phía Đông.

Theo các chuyên gia thì con đường này chẳng những khuyến khích việc gia tăng hợp tác giữa những người dân tại 4 quốc gia nằm dọc theo con sông Mekong trong lãnh vực kinh tế mà còn giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thông liên lạc bằng đường bộ giữa các nước trong khu vực vì lộ trình nối liền 2 khu vực đông tây đã được rút ngắn. Nếu dùng đường bộ thì xa lộ nối liền thành phố Mawlamyine của Miến Điện và Đà Nẵng của Việt Nam chỉ dài khoảng một ngàn kilomet trong khi nếu dùng đường biển đi qua eo biển Malacca thì lộ trình này dài đến 4000 kilomet, nghĩa là gấp 4 lần đường bộ.

Một dự án hải cảng nước sâu cũng đang được thực hiện tại Mawlamyine ở Miến Điện, và một khi dự án này hoàn tất Miến Điện sẽ trở thành một hải cảng quan trọng trong khu vực Tiễu Vùng Mekong Mở Rộng và sẽ góp phần vào việc phát triển của Hành Lang Đông Tây trong các lãnh vực vận chuyển và mậu dịch xuyên qua biên giới.

Còn tại thành phố Đà Nẵng nơi dừng chân cuối cùng của Xa Lộ Hành Lang Kinh Tế Đông Tây, các giới chức tại thành phố biển này nói rằng với vị trí có tính cách chiến lược nằm tại miền Trung Việt Nam và có nhiều tài nguyên, họ tin rằng Đà Nẵng sẽ trở thành một trung tâm kinh tế quan trọng tại Trung Phần Việt Nam.

Trong năm 2006 Đà Nẵng đã là nơi được chọn để tổ chức cuộc họp cấp Bộ Trưởng của các nước trong Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á gọi tắc là ASEAN để tìm phương cách đối phó với dịch cúm gia cầm trong khu vực.

Các giới chức Việt Nam cũng hy vọng rằng một khi con đường hành lang này hoàn tất, Đà Nẵng sẽ là cửa ngỏ để du khách từ các nước Miến Điện, Thái Lan và Lào có thể đến viếng thăm một số thắng cảnh ở miền Trung như Hội An, một thành phố cổ nổi tiếng, chỉ cách Đà Nẵng có 30 kilomet về phía Đông Nam, Mỹ Sơn, thánh địa của thời kỳ Vương Quốc Chàm, khoảng 67 kilomet về phía Tây Nam, và cố đô Huế 107 kilomet về phía Bắc với các thắng cảnh và di sản về văn hóa, lịch sử, cũng như những di tích chiến tranh.

Kế hoạch phát triển xa lộ hành lang kinh tế đông tây là một phần của chương trình có tính cách chiến lược cho thập niên này, vốn đã được Ngân Hàng Phát Triển Á Châu khởi xướng từ năm 1992, nhưng mải cho đến năm 2002 thì dự án này mới được khởi sự bởi 6 nước trong Tiểu Vùng Mekong Mở Rộng, gồm có Trung Quốc, Kampuchea, Lào, Miến Điện, Thái Lan và Việt Nam.

Kể từ khi khởi sự vào năm 1992, dự án này đã trở thành chất xúc tác khuyến khích 4 quốc gia trong khu vực Tiểu Mekong phối hợp các nỗ lực phát triển kinh tế và các nguồn tài nguyên của họ. Việc hoàn tất chiếc cầu thứ hai giữa Thái Lan và Lào đã nối liền tất cả các hệ thống chuyển vận hiện nay trên con đường này từ Thái Lan đến Việt Nam, tuy nhiên đoạn đường dài khoảng 100 kilomet nối liền từ Miến Điện đến Thái Lan đã bị chậm trễ vì tình trạng bất ổn chính trị trước đây tại Miến Điện cho nên việc nối liền 4 nước bằng xa lộ này vẫn chưa hoàn tất như dự tính.

Theo các du khách có dịp di chuyển trên xa lộ hành lang kinh tế Đông Tây, trên đoạn đường từ Thái Lan đến Đà Nẵng, thì xa lộ này đã gây cho họ những ấn tượng sâu đậm về địa lý tự nhiên trong một khu vực có nhiều điều mới lạ chưa được khám phá.

Trong khi đó, các giới chức Hải Quan và Di Trú tại Thái Lan, Lào và Việt Nam đều tỏ ra lạc quan và tin rằng con đường này sẽ thu hút thêm đầu tư và du khách, và sẽ giúp cho người dân trong khu vực có được một đời sống khả quan hơn. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích thì trước hết các giới chức của những nước liên hệ cần phải hợp tác chặt chẽ với nhau để tạo điều kiện dễ dàng trong cho các thủ tục kiểm soát vận chuyển hàng hóa và sự đi lại của dân chúng tại các khu vực biên giới.

Điều quan trọng nhất là phải có sự phối hợp nhịp nhàng trong các thủ tục xuất nhập cảnh. Tại trạm kiểm soát ở biên giới Lào Việt tại Dansavanh và Lao Bảo, người ta nhận thấy rằng việc kiểm soát hải quan đã nhanh chóng hơn với thời gian tiến hành các thủ tục giảm đến phân nửa, chỉ còn không đầy một tiếng đồng hồ.

Theo nhà báo Kavi Chongkttavorn của tờ the Nation Opinion tại Bangkok thì con đường chiến lược số 9 nối liền Savanakhet của Lào và Quảng Trị của Việt Nam đã trở thành là con đường không thể thiếu được cho toàn khu vực Mekong. Nó đã biến Lào, một nước nằm sâu trong đất liền trở thành một nước đóng vai trò nối liền các tuyến đường bộ.

Tuy nhiên, mục tiêu của Lào là sẽ còn đi xa hơn nữa chứ không chỉ trong vai trò của một nước quá cảnh. Lào hy vọng rằng, qua xa lộ này họ có thể phát triển kinh tế và làm giảm bớt nạn nghèo khó ở trong nước để Lào không còn là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới.

Một số chuyên gia cho rằng ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc phát triển kinh tế, con đường hành lang này còn giúp người dân trong khu vực có nhiều cơ hội để hiểu biết lẫn nhau.

Ngoài các nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, và nhiều di sản về văn hóa và lịch sử, hứa hẹn những tiềm năng to lớn cho việc phát triển ngành du lịch, hành lang kinh tế này còn là nơi có sự hiện diện của hai địa điểm được Tổ Chức Giáo Dục, Khoa Học và Văn Hóa Liên Hiệp Quốc, tức UNESCO, chỉ định là Di Sản Thế Giới. Đó là Huế ở miền Trung của Việt Nam, và Sukhothai ở miền Bắc Thái Lan.

Trong khi đó, những đoạn của xa lộ Á Châu cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc nối liền với Hành Lang Kinh Tế Đông Tây này.

Xa lộ Á Châu, đã được hoạch định theo một thỏa thuận được ký kết tại Thượng Hải hồi tháng Tư năm 2004 giữa 26 nước trong số 32 nước thành viên của Ủy Ban Kinh Tế và Xã Hội của Liên Hiệp Quốc đặc trách Châu Á Thái Bình Dương. Xa lộ Á Châu là một hệ thống đường sá chằng chịt, dài 140 ngàn kilomet trải dài từ châu Á đến châu Âu và được dự trù sẽ hoàn tất vào năm 2010.

Và người ta tin rằng các xa lộ này sẽ giúp chẳng những thu ngắn các lộ trình và thời gian di chuyển giữa các nước trong vùng Đông Nam Á mà còn là biến khu vực này trở thành một nơi thu hút rất nhiều du khách từ nhiều nơi trên thế giới.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG