Đường dẫn truy cập

Việt Nam sẽ thực hiện thêm nhiều cải cách


Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng nói rằng nền kinh tế Việt Nam mạnh mẽ vươn lên trong mấy năm qua là kết quả của một sự thay đổi sâu xa trong nếp suy nghĩ của giới lãnh đạo Cộng Sản trong nước và theo ông thì sẽ còn có nhiều cải cách nữa được thực hiện.

Trong bản văn trả lời những câu hỏi được nhật báo “The Wall Street Journal” đặt ra, ông Dũng cho biết là chính phủ đang cố giảm bớt vai trò của mình trong việc điều hành nền kinh tế. Thay vào đó sẽ củng cố vai trò của lãnh vực tư để đẩy mạnh bước tiến của đất nước.

Trong vai trò nhà hoạch định chính sách kinh tế của Việt Nam, ông Dũng cả quyết rằng Việt Nam đã tiến bộ trên con đường tiến tới mục tiêu nầy và đã thông qua một số luật lệ - trong đó gồm những luật lệ qui định việc mở doanh nghiệp mới, luật lao động, một bộ luật hộ mới và những luật lệ bảo vệ tài sản trí thức. Ông cho biết là từ năm 2000, đã có khoảng 240 ngàn công ty tư được thành lập.

Người lãnh đạo chính phủ Việt Nam còn thêm là sau khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới, Việt Nam đã bắt đầu cải tiến hệ thống pháp lý để đưa hệ thống nầy tới gần hơn với các tiêu chuẩn quốc tế.

Các nhà đầu tư nước ngoài lâu nay vẫn tỏ ra quan ngại đối với hệ thống pháp lý của Việt Nam. Những nỗi lo đó càng gia tăng hồi năm ngoái khi 4 nhà buôn tiền thuộc công ty ABN-Amro bị câu lưu sau khi thực hiện một vụ buôn bán tiền với một nhà buôn tiền của Ngân Hàng Nhà Nước mà trong đó ngân hàng nầy đã bị lỗ mất gần 5 triệu dollars. Ngân Hàng của Hà Lan sau đó đã phải trả cho chính phủ Việt Nam hơn 4 triệu dollars trước khi 4 nhà buôn tiền của họ được trả tự do.

Tác giả bài báo trên tờ Wall Street Journal nhắc lại là sau mấy chục năm chiến tranh và một hệ thống trung ương tập quyền thiếu hiệu năng, Việt Nam nay đã trở thành một trong những nước có một nền kinh tế mới, hết sức sinh động.

Hai đợt cải cách kinh tế đã thay đổi bộ mặt của Việt Nam. Thay vì cứ phải cày cục dưới chế độ khẩu phần và một tình trạng nghèo khổ trên khắp nước; Việt Nam nay đã là một trong những nước phát triển kinh tế nhanh nhất Châu Á. Tổng sản lượng nội địa tăng 8,2% năm ngoái và sẽ tăng tới 8% rưỡi trong năm nay.

Bài báo cũng nhắc tới những bước tiến chính trị của Việt Nam, trong đó có việc Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng sắp qua New York dự đại hội đồng Liên Hiệp Quốc trong lúc Việt Nam đang vận động giành chiếc ghế hội viên không thường trực trong Hội Đồng Bảo An.

Ngoài ra, năm ngoái Việt Nam cũng đã đứng ra tổ chức Hội nghị thượng đỉnh của APEC có sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo thế giới trong đó có Tổng Thống George Bush.

Ông Dũng nhấn mạnh trong những câu trả lời cuộc phỏng vấn rằng Việt Nam đang thực hiện một nền kinh tế thị trường trên thực tế, chớ không phải chỉ trên lý thuyết. Tuy vậy, bài báo cũng đã ghi nhận sự kiện Việt Nam thỉnh thoảng vẫn còn bị chỉ trích vì đã không tôn trọng nhân quyền và cũng vì cấp lãnh đạo ở Hà Nội không hề cho thấy là họ muốn giảm bớt độc quyền chính trị của mình.

Một số nhân vật bất đồng chính kiến đã bị bắt giam trước đây trong năm nay, trong đó có một tu sĩ Công Giáo, Linh Mục Thadeus Nguyễn Văn Lý.

Ngoài ra, theo các nhà ngoại giao, Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục có những tranh chấp về thương mại với các nước bạn hàng lớn, như Mỹ và khối Liên Hiệp Âu Châu, vì việc cứ bán đổ bán tháo các sản phẩm của mình – như giày dép và hải sản – vào các nước đó dưới giá thị trường. Tuy nhiên, các viên chức Việt Nam bác bỏ những tố giác ấy.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG