Đường dẫn truy cập

Trung Quốc gia tăng nỗ lực chống tham nhũng trước đại hội Ðảng


Chính phủ Trung Quốc vừa thành lập một cơ quan mới để ứng phó với tệ nạn tham ô đang xói mòn lòng tin của người dân đối với chính quyền. Một số các nhà quan sát cho rằng việc thành lập Cục Dự Phòng Hủ Bại Quốc Gia trước khi diễn ra Đại hội lần thứ 17 của Đảng Cộng Sản Trung Quốc là một nỗ lực nhằm giảm thiểu chướng ngại cho công cuộc xây dựng một xã hội hài hòa mà Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đề xướng trong vài năm qua. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích đã tỏ ý hoài nghi đối với hiệu quả của nỗ lực này. Mời quí thính giả theo dõi một số chi tiết về vấn đề này trong tiết mục Nhìn Về Á Châu do Duy Ái phụ trách sau đây:

Hồi đầu tháng này, chính phủ Trung Quốc đã thành lập một cơ quan mới, với tên gọi là "Cục Dự Phòng Hủ Bại Quốc Gia". Bộ trưởng Bộ Giám sát kiêm Phó Thư ký Ủy ban Kỷ luật-Kiểm tra Trung ương của đảng Cộng Sản Trung Quốc -- bà Mã Văn, đã được bổ nhiệm làm nhà lãnh đạo đầu tiên của cơ quan trựïc thuộc Quốc Vụ Viện này. Bà Mã Văn cho biết: cơ quan bà sẽ ra sức giải quyết nạn tham nhũng "từ gốc rễ" và chú trọng tới công tác phòng ngừa thay vì trừng trị. Bà cũng cho biết các đối tượng của chiến dịch phòng chống tham nhũng sẽ được nới rộng tới các doanh nghiệp tư chứ không còn hạn chế trong giới cán bộ và viên chức chính phủ như trước nữa.

Một số các nhà quan sát cho rằng: việc thành lập Cục Dự Phòng Hủ Bại Quốc Gia trước khi diễn ra Đại hội lần thứ 17 của Đảng Cộng Sản Trung Quốc vào trung tuần tháng 10 là một nỗ lực nhằm giảm thiểu chướng ngại cho công cuộc xây dựng một xã hội hài hòa mà Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đề xướng trong vài năm qua. Theo ông Trình Lập, giáo sư chính trị học của Đại học Thành phố Hồng Kông, giới lãnh đạo Trung Quốc đang muốn chứng tỏ cho mọi người thấy rằng họ có quyết tâm giải quyết tệ nạn này.

Ông Trình nói: "Tham nhũng được xem là một khía cạnh nghiêm trọng nhất của tình trạng bất công ở Trung Quốc. Hầu hết dân chúng ở đây đều nghĩ rằng đa số những người giàu đã có được của cải nhờ những hành vi tham nhũng hối lộ chứ không phải nhờ tài kinh doanh. Vì vậy, tham nhũng được xem là một mối đe dọa rất nghiêm trọng cho tính chất hợp pháp của Đảng và của giới lãnh đạo -- vì tệ nạn này được xem là một dấu hiệu rất quan trọng cho mọi người thấy rõ những sự không thỏa đáng của hệ thống chính trị hiện nay."

Tin tức báo chí nhà nước Trung Quốc cho biết chỉ riêng trong năm vừa qua đã có gần 100 ngàn cán bộ viên chức bị kỷ luật, trong đó có việc truy tố ông Trần Lương Vũ - nguyên Bí thư Thành ủy Thượng hải, và xử tử ông Trịnh Tiêu Du - nguyên Cục Trưởng Cục Quản lý Thực phẩm và Dược Phẩm Quốc gia. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích nước ngoài thì con số vừa kể chỉ là một phần rất nhỏ của số cán bộ tham ô trong đảng Cộng Sản Trung Quốc -- hiện có khoảng 73 triệu đảng viên.

Các nhà quan sát cho rằng nạn tham nhũng, đặc biệt là những hành vi tham ô và lạm quyền của các viên chức chính quyền địa phương, là một trong những nguyên do chính làm phát sinh gần một trăm ngàn vụ rối loạn xã hội mỗi năm ở Trung Quốc. Về việc này, chủ biên Tạp chí Khai Phóng ở Hồng Kông, ông Kim Chung, giải thích như sau.

Ông Chung nói: "Những cán bộ ở xã thôn là những người rất bá đạo. Quyền hành của họ rất lớn. Nông dân uất ức mà không kiện cáo vào đâu được. Cho nên người dân chỉ còn cách tụ họp với nhau để gây rối, để nổi dậy. Tôi nghĩ rằng điều này có liên hệ tới các chính sách của chính quyền trung ương. Thứ nhất là sự phát triển quá nhanh chóng của các hoạt động công nghiệp và thương nghiệp đã khiến cho rất nhiều đất đai của nông dân bị chiếm dụng. Kế đến là những chính sách không hợp lý của chính phủ -- chẳng hạn như chính sách mỗi gia đình chỉ có một đứa con. Những điều này khiến cho nỗi bất mãn của nông dân càng ngày càng gia tăng."

Ông Jean-Pierre Cabestan là giáo sư chính trị học của Đại học Báp tít Hồng Kông. Ông cho rằng nỗ lực chống tham nhũng của Trung Quốc khó đạt được kết quả vì thiếu sự hỗ trợ của hai yếu tố chính trong các xã hội dân chủ:

"Nếu không có một nền báo chí tự do, nếu không có một hệ thống tư pháp độc lập thì rất khó mà diệt trừ nạn lạm quyền ở cấp địa phương."

Tuy cảm thấy hả dạ đôi chút mỗi khi thấy các viên chức tham nhũng ở cấp cao bị pháp luật trừng trị, người dân ở Trung Quốc vẫn không mấy ai tin rằng giới lãnh đạo ở Trung Nam Hải thật tâm chống tham nhũng. Về việc này, giáo sư Trình Lập của Đại học Thành phố Hồng Kông cho biết như sau.

Ông Trình nói: "Điều không may là nạn tham nhũng đã trở thành một phần của cuộc sống ở Trung Quốc. Dân chúng ở đây tin rằng hầu như tất cả mọi cán bộ viên chức đều là những người tham ô. Khi có những cán bộ tham ô bị truy tố thì dân chúng lại nghĩ rằng những người đó bị truy tố chỉ vì lý do chính trị, vì không nghe lời nghe lời cấp trên, chứ không phải vì họ có hành vi tham ô."

Vụ án Trần Lương Vũ, bí thư thành ủy Thượng hải, là một ví dụ điển hình về cách nhìn của dân chúng Trung Quốc đối với những vụ án tham nhũng. Ông Hồ Cẩm Đào đang tìm cách củng cố quyền hành qua việc đưa những người cùng phe vào Bộ Chính trị trong kỳ Đại hội Đảng sắp tới và nhiều người tin rằng ông Trần Lương Vũ bị hạ bệ chỉ vì là người thân tín của cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân.

Theo ông Kim Chung, chủ biên Tạp chí Khai Phóng, để có thể bài trừ tham nhũng có hiệu quả, Trung Quốc cần phải tiến hành những biện pháp cải cách chính trị. Ông nói tiếp:

"Muốn giải quyết vấn đề này thì quyền lực của cán bộ cơ sở cần phải được hạn chế. Nếu độc quyền cai trị của Đảng Cộng Sản vẫn tiếp tục là một quyền bất khả xâm phạm, không ai thách đố được, thì vấn đề này không thể nào giải quyết được. Hiện nay có một số nơi thực hiện bầu cử tự do ở cấp xã thôn, nhưng phần lớn hoạt động bầu cử bị khống chế bởi các thế lực giòng họ, thậm chí bởi các thế lực của xã hội đen. Vì vậy, còn có rất nhiều vấn đề không thể giải quyết được."

Giáo sư Cabestan của Đại học Báp tít Hồng Kông tán đồng quan điểm của ông Kim Chung. Ông nói thêm như sau:

"Họ không muốn gây nguy hại cho hệ thống chính trị này, vì họ nghĩ rằng mối rủi ro của việc mở rộng hệ thống, dân chủ hóa hệ thống còn lớn hơn mối rủi ro mà họ phải đối phó hiện nay qua việc dung dưỡng tham nhũng ở một mức độ nào đó và chỉ công khai những vụ án quá rõ ràng. Họ nghĩ rằng rốt cuộc thì việc tiếp tục cách thức hiện nay là ít nguy hiểm hơn."

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG