Hoa Kỳ là nước gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới. Lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Hoa Kỳ chiếm 1/4 lượng khí thải trên toàn thế giới. Tuy nhiên, người ta tin rằng Trung Quốc sẽ vượt qua tổng số đó vào khoảng năm 2009, tức là một thập kỷ sớm hơn dự đoán. Theo tường trình của TTV đài VOA Rosanne Skirble thì trong thời gian gần đây các vấn đề môi trường của Trung Quốc đang thu hút sự chú ý ngày càng nhiều hơn của cộng đồng quốc tế, nhất là khi Thế Vận Hội Olympic đang tiến đến gần.
Nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng ở mức trên 10 % một năm. Tuy nhiên sự thành công trong lãnh vực phát triển công nghiệp có cái giá phải trả của nó. Hiện nay, các thành phố Trung Quốc nằm trong số những thành phố bị ô nhiễm nhất thế giới. Một phần ba lãnh thổ của nước này đang phải chịu những trận mưa acid. Và mặc dù là quốc gia có nguồn dự trữ nước lớn nhất thế giới, hiện nay 2/3 trong tổng số các thành phố của Trung Quốc đang bị thiếu nước sạch vì tình trạng sử dụng quá mức, vì nước bị ô nhiễm và vì quản lý kém.
Theo bà Elizabeth Economy thì sở dĩ xảy ra tình trạng khủng hoảng này một phần là từ cơ chế chính phủ tản quyền đã đặt vấn đề tăng trưởng kinh tế lên trên việc bảo vệ môi sinh. Bà Economy là Giám Đốc bộ phận Nghiên Cứu Châu Á thuộc Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại, một tổ chức chuyên gia có trụ sở ở thủ đô Washington.
Trong một bài viết đăng trong tạp chí Foreign Affairs của tổ chức này, bà Economy viết rằng các viên chức địa phương thuộc qui chế tự quản và họ không được hưởng một tưởng thưởng kinh tế hoặc chính trị nào để hành động cho đúng.
Bà Elizabeth Economy nói: "Các khoảng phạt vạ được qui định quá thấp. Và vì vậy các xí nghiệp thà gây ô nhiễm rồi đóng tiền phạt còn hơn là thiết đặt các công nghệ chống ô nhiễm đắt tiền hơn."
Bà Economy nói rằng các nhà lãnh đạo tại địa phương có thể sẽ thiết đặt các công nghệ bảo vệ môi trường khi nào các tình trạng ô nhiễm bắt đầu gây thiệt hại cho tăng trưởng kinh tế. Bà giải thích:
"Chẳng hạn như họ không còn đủ nước cho nhà máy hoạt động. Hiện nay điều này đã là một vấn đề. Nó như một lời cảnh báo đối với một viên chức địa phương. Phải có sự sửa đổi ở thời điểm này. Nếu họ chứng kiến hoa màu bị ô nhiễm và hư hại họ sẽ cần phải làm một điều gì đó để tránh làm ô nhiễm nước."
Than là nhiên liệu được dùng nhiều nhất trong nền kinh tế của Trung Quốc. Loại nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhất này cung cấp đến 2/3 nhu cầu năng lượng của Trung Quốc. Mặc dù Bắc Kinh đã đề ra các mục tiêu giảm khí thải, nhưng phần lớn đều không được đáp ứng. Và vì được xem như một nước đang phát triển, Trung Quốc không có nghĩa vụ phải tuân thủ các hạn chế về khí thải được qui định trong Nghị Định Thư Kyoto, một hiệp định toàn cầu của Liên Hiệp Quốc nhằm ngăn chận tình trạng khí hậu thay đổi.
Trung Quốc đã trở thành một đại biểu miễn cưỡng trong các cuộc tranh luận về tình trạng thay đổi khí hậu trên thế giới. Bà Elizabeth Economy nói rằng trừ phi Washington thay đổi các chính sách liên quan đến vấn đề khí thải làm tăng nhiệt địa cầu, nếu không họ sẽ không có mấy tín nhiệm hay ảnh hưởng để thúc đẩy Bắc Kinh trong vấn đề này.
Bà Economy nói: "Nếu chúng ta nhìn lại quá khứ để xem điều gì đã đưa Trung Quốc đến bàn thảo luận, về những sói mòn của tầng ozone chẳng hạn, chúng ta đã phải có sự đồng thuận mạnh mẽ trong cộng đồng quốc tế và đó là điều mà chúng ta không có hiện nay. Vì vậy vấn đề không phải là Trung Quốc chưa bao giờ ký tên vào các hiệp định bảo vệ môi sinh quốc tế, hoặc đặt ra mục tiêu hay chế tài trong vấn đề này. Họ sẽ làm như vậy. Tuy nhiên điều đó phải diễn ra trong những tình huống thích hợp. Và tôi nghĩ từ giờ cho đến khi nào có những tình huống thích hợp, Trung Quốc sẽ hành động càng ít càng tốt."
Bà Economy nhận thấy có rất ít tiến bộ trong việc Trung Quốc thực hiện được lời hứa mang lại không khí trong lành cho Thế Vận Hội Olympic 2008.
Bà Economy nói: "Rõ ràng là điều này chưa diễn ra và thực sự mà nói chỉ ở Bắc Kinh thôi cũng chưa có được. Vì vậy các bác sĩ khuyên rằng nếu quí vị thấy khó thở thì hãy ở trong nhà. Trung Quốc đã cho biết là họ sẽ không thể cung cấp đủ nước sạch cho tất cả mọi người ở Bắc Kinh, mà chỉ có đủ cho làng Thế Vận mà thôi."
Bà Elizabeth Economy nói rằng Trung Quốc không thể nào cải thiện môi trường nếu không có cải cách chính trị. Những người lên tiếng lớn nhất kêu gọi cải thiện môi trường là các tổ chức phi chính phủ, mà cách đây 10 năm chỉ có một nhóm nhỏ nhưng hiện nay đã lên đến mấy ngàn. Các nhóm này được Bắc Kinh cho phép hoạt động, nhưng Bắc Kinh cũng sợ rằng đây sẽ là một nguồn phát sinh tình trạng bất ổn dân sự.
Bà Economy nói: "Tuy nhiên tôi nghĩ rằng giữa sự phát triển của những hoạt động tích cực từ cấp cỡ sở, không chỉ về môi trường mà còn nhiều vấn đề khác nữa, cùng với việc khởi sự có một số các cuộc bầu cử cấp địa phương, và những người thúc giục cải cách bầu cử, theo tôi thì rồi đây sẽ có thay đổi."
Bà Economy ghi nhận rằng đã có một số thỏa thuận trong nội bộ các cơ quan của chính phủ và đảng Cộng Sản Trung Quốc, và rằng phải có cải cách. Bà nói, điều mà Trung Quốc đang thiếu, là các nhà lãnh đạo có viễn kiến để đưa ra những thay đổi như thế thế nào. Bà nói khi Trung Quốc đạt được điều này, thì quốc gia này và phần còn lại của thế giới sẽ dễ thở hơn một chút.