Một số hệ quả tai hại do phát triển kinh tế mang lại cho Việt Nam được ghi nhận hôm thứ ba. Những tác hại đó xảy ra cho chính thủ đô của Việt Nam. Tin do AFP đưa đi từ Hà Nội cho biết là trong đà phát triển dồn dập đẩy Việt Nam tiến nhanh vào thế kỷ 21 thì việc đập phá cái cũ để xây các cơ sở mới đã tác hại các di sản văn hoá ở thủ đô, từ lâu đã được coi là thuộc loại di tích kiến trúc tuyệt vời còn lưu giữ được trong khu vực thị thành các nước Châu Á.
Theo bản tin thì dân số tăng quá nhanh càng gây thêm nhiều áp lực lên Hà Nội, là nơi mà những tòa nhà, các quán cà phê và những ngôi chùa cổ nằm bên bờ hồ yên ắng và những vi-la xây từ thời còn là thuộc địa Pháp vẫn còn tồn tại trên những đại lộ đầy cây cao bóng mát.
Cư dân Hà Nội đang lo lắng khi thấy những đường nét duyên dáng của thủ đô mau chóng biến dạng trong lúc ngày càng có thêm nhiều cần cẩu cao nghệu xuất hiện ở Hà Nội, xe ủi đất thi nhau bình địa những toà nhà xưa và tiếng động rầm rỉ của quá nhiều xe máy đã đè bẹp những sắc thái thân quen của các đường phố cũ.
Bản tin được viết như một phóng sự của thông tấn xã AFP ghi là trong khi Hà Nội chuẩn bị mừng sinh nhật thứ 1000 vào năm 2010; các chuyên viên bảo tồn đã lên tiếng cảnh cáo rằng thành phố ven sông Hồng nầy chẳng còn mấy thời giờ nữa nếu muốn tránh rơi vào những bẫy rập đã biến các thành phố Á Châu khác thành những cơn ác mộng vì ước vọng phát triển đô thị.
Trong vài năm tới, dân số Hà Nội sẽ tăng từ 3 triệu lên tới 5 triệu người, thành thử theo những lời cảnh báo của các chuyên viên thì các nhà thiết kế đô thị cần phải hết sức thận trọng để sao cho công tác phát triển đáp ứng những nhu cầu mới mà không hủy hoại những nề nếp cũ.
Người viết ghi lại lời một chuyên gia của Unesco, nói rằng khu phố cổ được gọi là “Hà Nội 36 phố phường” tuy là khu phố mà mọi người đều muốn giữ lại nhưng hiện đã là khu có mật độ dân cư thuộc loại đông nhất thế giới. Khu nầy chỉ rộng chừng 3 kiomet vuông mà lại có tới 15 ngàn hộ dân cư.
Và rồi chẳng bao lâu nữa, những cơ sở vĩ đại tỉ như toà cao ốc vừa dùng làm chỗ ở, vừa làm khu buôn bán, vừa làm văn phòng cao tới 72 tầng do một đại công ty Nam Triều Tiên xây dựng với phí tổn dự trù lên tới 1 tỉ dollars sẽ thay đổi hẳn vùng trời Hà Nội vào năm 2010. Ấy là chưa kể chỉ riêng năm nay, đã có tới 197 dự án xây khách sạn, văn phòng và nhà ở khác đã được phép xây cất.
Tất cả các công trình tân tạo nầy cộng thêm với những tiếng động của quá nhiều xe cộ - nhất là xe máy - đã phá hỏng bầu không khí vẫn được coi là rất đáng trân trọng của Hà Nội cũ. Ấy là chưa kể cũng sẽ đưa tới tình trạng mà trong đó hạ tầng cơ sở - chỉ được dự trù cho 500 ngàn dân - sẽ không còn khả năng đáp ứng nhu cầu cho quá nhiều cơ sở mới và quá đông dân chúng.
Các chuyên viên quốc tế nhìn nhận là tuy chính quyền đã cố gắng rất nhiều, nhưng công tác bảo vệ vẫn rất bừa phứa, thiếu phối hợp và vẫn được xúc tiến bí mật... đưa tới tình trạng thiếu kiến hiệu. Bài viết cho biết dân chúng chẳng mấy khi được tham khảo xem họ muốn thành phố của họ phát triển như thế nào.
Nhưng bây giờ, theo người viết bài, thì nhiều người dân Hà Nội đã nhất định đứng lên phản đối một kế hoạch mới, cho phép các nhà phát triển tư nhân biến khu đất xanh tươi rộng nhất thủ đô, vẫn được gọi là vườn hoa Thống Nhất, thành một khu công viên giải trí giống như Disneyland ở Mỹ.
Theo họ thì làm như thế chẳng những sẽ khiến Hà Nội bị ô nhiễm mà còn xoá hẳn một di sản văn hoá của thủ đô.