Hoa Kỳ hoan nghênh tin tức đáng khích lệ về việc học giả Haleh Esfandiari, một người Mỹ gốc Iran, vừa được chính quyền Tehran phóng thích để tại ngoại hầu tra. Hoa Kỳ đề nghị Iran trả tự do không điều kiện và ngay lập tức cho học giả Esfandiari và ba công dân Mỹ khác đang bị Tehran giam cầm.
Hoa Kỳ và Iran đã cắt đứt quan hệ ngoại giao từ năm 1979. Các quan chức Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho biết họ vẫn đang chờ xác nhận về tin nói rằng học giả Esfandiari đã được chính quyền Tehran phóng thích.
Tuy nhiên cả Tòa Bạch Ốc lẫn Bộ Ngoại Giao đều hoan nghênh tin tức đáng khích lệ về việc phóng thích này. Trong cuộc nói chuyện với các phóng viên báo chí, quyền phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao, ông Gonzalo Gallegos, bày tỏ hy vọng rằng tin này có nghĩa là Iran sẽ trả tự do cho cả ba người Mỹ gốc Iran khác vẫn bị Tehran giam giữ trong mấy tháng qua.
Ông Gallegos nói: "Quan điểm của chúng tôi từ trước đến nay luôn là học giả Esfandiari cùng như ba người Mỹ gốc Iran kia đã không làm gì sai trái, và do đó họ không thể bị đẩy vào tình trạng như vậy và họ phải được trả tự do ngay tức khắc. Chúng tôi phấn khởi trước tin tức này. Chúng tôi sẽ xác nhận là tin này có chính xác hay không. Vác chúng tôi sẽ bày tỏ mong muốn và sự tin tưởng của chúng tôi rằng những người Mỹ gốc Iran kia cũng phải được trả tự do càng sớm càng tốt và phải để cho họ sớm sum họp với gia đình."
Bà Esfandiari là chủ nhiệm một chương trình nghiên cứu về Trung Đông của Trung Tâm Woodrow Wilson dành cho các học giả có trụ sở tại thủ đô Washington. Bà đã trở về Iran hồi năm ngoái để thăm mẹ già.
Bà Esfandiari đã không được phép rời khỏi Iran sau sự việc hộ chiếu của bà bị mất cắp. Bà bị bắt và bị đưa vào giam tại nhà tù Evin khét tiếng vào tháng năm vừa qua.
Các công tố viên đã truy tố học giả Esfandiari tội gây phương hại đến nền an ninh quốc gia của Iran và có những liên hệ vào điều bị cáo buộc là các âm mưu của Mỹ nhằm lật đổ giới giáo sĩ cầm quyền tại Iran.
Chính quyền của Tổng Thống Bush nói rằng học giả Esfandiari không dính líu gì đến bất cứ hoạt động nào của chính phủ Hoa Kỳ. Người phát ngôn Gallegos nói rằng bà Esfandiari và ba công dân Mỹ gốc Iran khác tự ý về thăm Iran vời những mục đích cá nhân và không gây ra một mối đe dọa nào đối với chính phủ Iran.
Trong một cuộc điện đàm với các phóng viên báo chí, ông Lee Hamilton, một cựu dân biểu Hoa Kỳ, người đứng đầu Trung Tâm Wilson, nói rằng ông rất phấn khởi khi nghe tin bà Esfandiari được phóng thích mặc dầu chưa rõ liệu bà vẫn có thể bị truy tố và có phải bị đưa ra tòa hay không.
Ông Hamilton cho biết ông trước đó ông đã gởi thư kêu gọi nhà lãnh đạo tôn giáo tối cao của Iran, Ayatollah Ali Khamenei, trả tự do cho học giả Esfandiari, người mà theo lời ông, trong tư cách của một nhà nghiên cứu tại Trung Tâm Wilson, đã nỗ lực không mệt mỏi cho mục đích thăng tiến sự hiểu biết giữa nhân dân của hai nước, Iran và Hoa Kỳ.
Ông Hamilton nói rằng ông đã nhận được phúc đáp qua ngoại giao đoàn của Iran tại Liên Hiệp Quốc. Trong phúc đáp đó, nhà lãnh đạo Iran hàm ý rằng ông hứa sẽ xem xét vụ việc này.
Ông Hamilton nói: "Nhà lãnh đạo Iran nói rằng ông hài lòng với bức thư của tôi và những nỗ lực hướng đến hòa bình và công lý như tôi trình bày trong thư. Phúc đáp của nhà lãnh đạo Iran tỏ dấu hiệu cho thấy ông đã ra chỉ thị phải xem xét trường hợp của bà Haleh -- tên của bà Haleh không được nêu cụ thể trong thư -- và các biện pháp cần thiết sẽ sớm được thực hiện."
Theo lời ông Hamilton thì Trung Tâm Wilson cũng đã kêu gọi nhiều chính phủ nước ngoài can thiệp với Tehran về trường hợp của bà Esfandiari.
Ông nói chính quyền của Tổng Thống Bush đã hỗ trợ và giúp ích rất nhiều trong vụ này mặc dù ông không biết rõ là liệu có một tiếp xúc gián tiếp nào giữa Tehran và Washington về chuyện này hay không.
Nhà chưcù trách Iran hồi đầu tháng cho hay họ đã điều tra xong về bà Esfandiari và một học giả khác ở New York là ông Kian Tajbakhsk, người cũng bị giam vì bị truy tố tội gây phương hại cho nền an ninh quốc gia Iran.
Người thứ ba, ông Ali Shakeri, thuộc một nhóm của trường đại học ở bang California chuyên nghiên cứu tìm giải pháp cho các cuộc xung đột, hiện cũng đang bị giam cầm mặc dù chính quyền Iran chưa cho biết là ông Shakeri bị truy tố về tội gì.
Công dân Mỹ thứ tư, ký giả Parnaz Azima làm việc cho đài phát thanh Farda nói tiếng Ba Tư do chính phủ Mỹ tài trợ, không bị giam, nhưng không được phép rời khỏi Iran sau khi về thăm gia đình tại nước này.