Đường dẫn truy cập

Nga dọa rút khỏi Hiệp Ước Lực Lượng Hạt Nhân Tầm Trung


Nga đe dọa rút khỏi Hiệp Ước Lực Lượng Hạt Nhân Tầm Trung. Từ Washington, thông tín viên Andre de Nesnera của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ có bài tường trình sau đây bàn về những lý do dẫn đến quyết định này của Nga.

Hiệp Ước Lực Lượng Hạt Nhân Tầm Trung do Tổng Thống Ronald Reagan của Mỹ và Chủ Tịch Nước Mikhail Gorbachev của Liên Xô cũ ký vào tháng 12 năm 1987, và bắt đầu có hiệu lực vào tháng 6 năm 1988.

Theo ông Steve Andreasen, một cựu chuyên gia về kiểm soát vũ khí làm việc cho Hội Đồng An Ninh Quốc Gia từ năm 1993 đến năm 2001, thì hiệp ước này đã hủy bỏ toàn bộ loạt vũ khí nằm trong quy định của hiệp ước này.

Ông Andreasen nói: "Hiệp Ước Lực Lượng Hạt Nhân Tầm Trung trên cơ bản đã hủy bỏ tất cả các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình tầm trung, tức từ 500 cho đến 5,500 kilômét, loại được phóng đi từ mặt đất có mang theo đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn quy ước của Nga và Mỹ. Và trên thực tế Washington và Mátscơva không còn triển khai các tên lửa loại này nữa."

Đến khoảng năm 1991, toàn bộ số tên lửa tầm trung đã bị hủy bỏ. Cụ thể, phía bên Mỹ là các tên lửa loại Pershing-2, còn phía bên Nga là các tên lửa loại SS-20. Có tất cả 2,692 tên lửa bị hủy bỏ: phía bên Mỹ là 846 chiếc và phía bên Nga là 1,846 chiếc. Ngoài ra hiệp ước này còn cấm sản xuất tên lửa loại này.

Tuy nhiên nay các quan chức chính phủ Nga, kể cả Tổng Thống Vladimir Putin, đã đặt câu hỏi rằng liệu việc tuân thủ Hiệp Ước Lực Lượng Hạt Nhân Tầm Trung hiện nay có còn phục vụ lợi ích an ninh của Mátscơva nữa hay không.

Theo ông Andreasen, thì một nguyên nhân khiến cho Mátscơva phải xét lại cam kết của họ đối với hiệp ước năm 1987 là hiện nay một số nước láng giềng của Nga đã có trong tay các hệ thống tên lửa hạt nhân tầm trung.

Ông Andreasen nói: "Trước hết phải kể đến nước như: Bắc Triều Tiên, Ấn Độ, Iran, Pakistan, và Israel, tức là những nước nằm gần biên giới của Nga theo những mức độ khác nhau. Hiệp Ước Lực Lượng Hạt Nhân Tầm Trung chỉ ràng buộc hai nước Mỹ và Liên Xô cũ là phải hủy bỏ tất cảc các hệ thống tên lửa tầm trung cả loại hạt nhân lẫn quy uớc, nhưng hiệp ước này lại không ràng buộc cả thế giới. Và trong suốt 20 năm qua, kể từ khi hiệp uớc được ký kết và năm 1987 cho đến nay, một số nước khác đã đạt nhiều tiến bộ với các chương trình tên lửa đạn đạo vốn đã vươn đến tầm trung theo như định nghĩa."

Mới đây các giới chức quân đội Nga đã tham gia nhóm những người đe dọa sẽ rút khỏi Hiệp Ước Lực Lượng Hạt Nhân Tầm Trung.

Và theo nhiều chuyên gia, trong đó có ông Daryl Kimball, người đứng đầu Hiệp Hội Kiểm Soát Vũ Khí, một viện nghiên cứu tư nhân, thì có một lý do khác khiến Nga đưa ra đe dọa này.

Ông Kimball nói: "Một trong những diễn biến khiến cho Nga phải lo ngại và đưa ra đe dọa sẽ rút khỏi Hiệp Ước Lực Lượng Hạt Nhân Tầm Trung là do Mỹ đề nghị xây dựng một hệ thống đánh chặn tên lửa, bao gồm các tên lửa chặn được thiết đặt tại Ba Lan và hệ thống rada đánh chận tên lửa tối tân được lặp đặt tại Cộng Hòa Czech. Một lý do nữa khiến Mátscơva đe dọa sẽ rút khỏi hiệp ước là Nga lo ngại Mỹ kết hợp khả năng tấn công với khả năng phòng bị bằng các hệ thống tên lửa phòng thủ chiến lược đang ngày càng được phát triển. Và đó cũng là lý do tại sao Nga trên lý thuyết lại làm như vậy để triển khai các tên lửa tầm trung tại châu Aâu nhằm đối trọng với khả năng phòng thủ tên lửa của Mỹ vốn có thể sẽ được triển khai trong cùng khu vực."

Các quan chức chính phủ Mỹ nói rằng hệ thống tên lửa phòng thủ được đề nghị này là cần thiết để phòng bị trước những đe dọa của những nước như Iran. Các quan chức Mỹ nói rằng hệ thống phòng bị này không nhắm vào nước Nga, tuy nhiên các quan chức tại Mátscơva bác bỏ quan điểm đó.

Các chuyên gia nhận định rằng nết Nga rút khỏi Hiệp Ước Lực Lượng Hạt Nhân Tầm Trung, và quyết định sản xuất trở lại các loại vũ khí tầm trung thì điều này có thể khởi động một cuộc chạy đua vũ trang mới vào thời điểm mà quan hệ giữa Washington và Moscow đang không được tốt đẹp.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG