Đường dẫn truy cập

Tổng thống Mỹ và Afghanistan bàn về cuộc chiến chống khủng bố


Tổng Thống George W. Bush, bày tỏ tin tưởng rằng các thủ lãnh al-Qaida sẽ bị đưa ra xét xử trước công lý, và nhà lãnh đạo Hoa Kỳ hứa sẽ tiếp tục cuộc chiến chống các phần tử khủng bố và các tàn dư của chế độ Taleban đã bị lật đổ tại Afghanistan. Tổng Thống Bush đã phát biểu như thế sau một cuộc họp với Tổng Thống Afghanistan, ông Hamid Karzai, tại trại nghỉ mát David.

Cuộc chiến chống các phần tử khủng bố và quá khích rõ ràng là đề tài chính chiếm hầu hết thời gian của hai ngày thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo tại khu nghỉ mát trên núi của Tổng Thống Bush.

Tổng Thống Karzai nói với các phóng viên rằng đã có nhiều tiến bộ đạt được tại Afghanistan kể từ khi lực lượng quân sự do Hoa Kỳ lãnh đạo lật đổ chế độ Taleban vào năm 2001, Nhưng ông nói thêm rằng song nhân dân Afghanistan vẫn còn phải chịu nhiều đau khổ vì tàn dư Taleban vẫn tiếp tục nỗ lực một cách vô vọng nhằm chiếm lại quyền lực.

Tổng thống Karzai nói: "Các phần tử Taleban thực sự tạo ra những đe dọa nguy hiểm đối với những người vô tội, từ thường dân, đến các em học sinh đang cắp sách đến trường, các giáo sĩ, các thầy cô giáo, các kỹ sư, và các chuyên viên người nước ngoài. Chúng không gây ra được một mối đe dọa nào cho chính phủ Afghanistan. Chúng cũng không gây ra được một mối đe dọa nào cho các định chế của Afghanistan."

Hoa Kỳ đã tiến quân vào Afghanistan sau biến cố 11 tháng 9 năm 2001. Mục tiêu của cuộc hành quân này là nhằm tiêu diệt tận gốc mạng lưới khủng bố al-Qaida và chế độ Taleban ủng hộ tổ chức khủng bố này. Tuy nhiên nhiều năm sau đó, thủ lãnh Osama bin Laden của al-Qaida vẫn còn tại đào và dường như đang ẩn náu tại khu vực bộ tộc hẻo lánh, hiểm trở dọc theo biên giới giữa Afghanistan và Pakistan.

Trả lời cho câu hỏi liệu Hoa Kỳ có tiến quân vào Pakistan để truy bắt Bin Laden hay không nếu có những tin tức tình báo đáng tin cậy về nơi trú ẩn của tên trùm khủng bố này, Tổng Thống Bush nói rằng ông tin tưởng rằng các thủ lãnh khủng bố sẽ bị mang ra xét xử trước công lý. Tuy nhiên nhà lãnh đạo Mỹ không cho biết liệu ông có sẵn lòng đơn phương hành động mà không cần thông báo trước cho Tổng Thống Pervez Musharraf của Pakistan hay không.

Tổng thống Bush nói: "Chúng tôi đang giữ liên lạc thường xuyên với chính phủ Pakistan. Việc đưa các chiến binh người nước ngoài ra xét xử trước công lý phục vụ lợi ích của Pakistan, vì nói cho cùng đó cũng chính là những kẻ đang âm mưu sát hại Tổng Thống Musharraf. Chúng ta cùng chia sẽ mối quan tâm này."

Tình hình dọc theo biên giới Pakistan và Afghanistan đã khiến cho quan hệ giữa tổng thổng Karzai và Tổng Thống Musharraf trở nên căng thẳng. Lãnh đạo của hai nước láng giềng này sẽ đi tìm một tiếng nói chung trong lần gặp gỡ vào tuần này tại thủ đô Kabul.

Tổng Thống Bush đã lên tiếng ủng hộ hai nhà lãnh đạo trong nỗ lực mưu tìm sự hòa giải và hình thành một mối quan hệ hợp tác chống chủ nghĩa cực đoan.

Ông Bush nói: "Lịch sử đã kêu gọi chúng ta phải hành động. Và bằng cách chiến đấu chống những phần tử quá khích và cực đoan, chúng ta đang giúp đỡ người dân biến ước mơ của họ thành hiện thực."

Những vấn đề khác được nêu lên trong cuộc nói chuyện tại trại David bao gồm những biện pháp chống nạn buôn bán ma túy và nạn tham nhũng tại Afghanistan. Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về những lo ngại của Afghanistan liên quan đến việc có nhiều thường dân bị tử thương khi các lực lượng liên quân tấn công các phần tử Taleban và khủng bố.

Tổng Thống Bush nói rằng ông hiểu rất rõ nỗi đau buồn của người dân Afghanistan mỗi khi có người vô tội bị thiệt mạng.

Ông Bush nói: "Tôi có thể bảo đảm với nhân dân Afghanistan, cũng như tôi đã bảo đảm với Tổng Thống Karzai, rằng chúng tôi sẽ làm tất cả mọi điều có thể làm được trong để bảo vệ thường dân. Và trong các cuộc hành quân, chúng tôi luôn lưu ý rằng thường dân vô tội có thể gặp phải hiểm nguy, và chúng tôi sẽ điều chỉnh để thích ứng với tình hình."

Các phóng viên đã không đặt câu hỏi với hai nhà lãnh đạo về số phận của 21 con tin người Nam Triều Tiên đang bị các phần tử Taleban cầm giữ tại một nơi nào đó ở Afghanistan. Tuy nhiên một người phát ngôn của Tòa Bạch Ốc cho biết rằng vấn đề đó cũng được mang ra thảo luận và hai nhà lãnh đạo đồng ý với nhau rằng sẽ không có sự nhân nhượng đối với những kẻ bắt người làm con tin.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG