Đường dẫn truy cập

Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Hạ viện bàn về Dự Luật Nhân Quyền 2007 cho Việt Nam


Hôm thứ Ba, Ủy ban Quan hệ Đối ngoại của Hạ Viện Hoa Kỳ đã mang ra bàn dự luật phát huy tự do và dân chủ tại Việt Nam. Huy Phương của ban Việt Ngữ đến nghe và ghi lại như sau:

Người chủ trì buổi họp là Dân Biểu Tom Lantos của đảng Dân Chủ, ông là Chủ Tịch Ủy ban Quan hệ Đối ngoại, và dự luật này có mã số HR 3096 và có tựa là “Dự Luật Nhân Quyền năm 2007 cho Việt Nam”.

Đây là lần thứ 3, một dự luật giúp thúc đẩy tự do và dân chủ tại Việt Nam được mang ra bàn trước Quốc Hội Hoa Kỳ. Hai lần trước, dự luật đã được thông qua tại Hạ Viện nhưng khi lên đến Thượng Viện thì bị giữ lại, vì lý do này hay lý do khác.

Dân Biểu Cộng Hòa Chris Smith của tiểu bang New Jersey, tác giả của dự luật này cho biết mục tiêu chính của dự luật:

"Dự luật này là một cố gắng để thuyết phục những người bạn của Hoa Kỳ tại Hà Nội hiểu rằng con đường tiếp tục vi phạm nhân quyền sẽ gặp ít nhất một vài biện pháp chế tài nào đó."

Có nhiều biện pháp chế tài mà Dân Biểu Smith đề xuất, ví dụ như ngưng viện trợ cho Việt Nam các món không có tính cách nhân đạo, tài trợ cho những cá nhân hoặc tổ chức phát huy dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam, cung cấp ngân khoản để chống lại việc phá sóng của đài Á Châu tự do, tiếp tục chấp nhận chuyện định cư tại Hoa Kỳ cho những người Việt Nam hội đủ điều kiện.

Ông cho biết sau khi Việt Nam gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, nhiều người sáng giá nhất và dũng cảm nhất của Việt Nam đã bị giam cầm qua những phiên xử giả tạo.

Dân biểu Smith nói: "Điển hình là cha Lý đã bị phạt tù 8 năm. Tôi đã gặp ông ở Huế khi ông còn bị quản chế. Cha Lý chỉ muốn Việt Nam có dân chủ. Ngoài ra, năm ngoái còn có nhóm 8406, một nhóm trí thức đã công bố tuyên ngôn nói lên những khát vọng của họ là muốn Việt Nam có thay đổi về dân chủ và nhân quyền bằng những phương tiện bất bạo động. Chính quyền Việt Nam sau đó đã sử dụng danh sách những người đã ký tên trong tuyên ngôn này để trù dập, đàn áp họ, và giam cầm hết người này đến người khác."

Dân Biểu Cộng Hòa Ileana Ros-Lehtinen của tiểu bang Florida nói rằng bà rất hân hạnh đứng ra đồng bảo trợ dự luật này cùng với Dân Biểu Smith.

Dân Biểu Ros-Lehtinen nói: "Như chúng ta đều biết, thương mại tự do chưa chắc đã bảo đảm mang lại một xã hội tự do. Kể từ khi Hoa Kỳ cấp quy chế Quan hệ Thương mại Bình thường Vĩnh viễn, rút tên Việt Nam ra khỏi các quốc gia đáng quan tâm đặc biệt về vi phạm quyền tự do tôn giáo, tình hình nhân quyền tại đó ngày càng tệ đi. Trong 6 tháng đầu năm nay, chúng ta đã chứng kiến cuộc đàn áp mới của Hà Nội, hậu quả là có nhiều vụ giam cầm, bắt bớ, kết tội những nhà hoạt động tôn giáo, chính trị độc lập ôn hòa. Tình hình của những người sắc tộc thiểu số trên vùng Tây nguyên cũng rất đáng quan tâm. Dự luật mà chúng tôi bảo trợ hôm nay nhằm giải quyết các sự kiện này bằng cách ràng buộc những món viện trợ không có tính cách nhân đạo vào sự tiến bộ đáng kể trong việc bảo vệ nhân quyền; cho phép dành ra ngân khoản 2 triệu đôla mỗi năm để phát huy nhân quyền tại Việt Nam; dành ra 10 triệu đôla trong vòng 2 năm để khắc phục chuyện Nhà chức trách Việt Nam phá sóng đài Á châu Tự do; tiếp tục cho định cư sang Hoa Kỳ những người đủ điều kiện; và cuối cùng là buộc chính phủ Hoa Kỳ phải báo cáo trước Quốc Hội các tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được trong những mặt mà dự luật này đã đề ra."

Dân Biểu Cộng Hòa Edward Royce của tiểu bang California mở đầu phần phát biểu bằng cách dẫn chứng tài liệu của một tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế:

"Tổ chức Human Rights Watch gọi tình hình đang diễn tiến tại Việt Nam là một trong những chiến dịch đàn áp chính trị tệ hại nhất trong vòng 20 năm qua, nhắm vào những người biểu lộ chính kiến khác với đảng cộng sản một cách ôn hòa. Tôi và một số các bạn đồng viện đã có dịp gặp những nhà hoạt động trẻ tuổi đến Hoa Kỳ học hỏi và các nhà lãnh đạo tôn giáo mà bây giờ đang bị cầm tù, các bản án nặng nề mà họ đang gánh chịu quả thật là khủng khiếp."

"Sự kiện chính phủ tại Hà Nội đang ra sức phá sóng đài Á châu Tự do chứng tỏ các buổi phát thanh của đài này có kết quả tích cực trong việc chống lại sự tuyên truyền của nhà nước, và càng tăng thêm sức ép lên chính quyền cộng sản. Tôi tin dự luật này sẽ tăng thêm phương tiện để khắc phục chuyện phá sóng, tăng thêm ngân khoản để tiếp tục phát thanh. Tôi kêu gọi các bạn đồng viện ủng hộ dự luật này," dân biểu Royce nói.

Dân Biểu Cộng Hòa Dana Rohrabacher, cũng thuộc tiểu bang California thì có những lời lẽ bộc trực hơn:

"Đơn giản là chúng ta đang giao tiếp với một chính quyền xấu xa. Chúng ta đang giao tiếp với một chế độ ăn cướp. Có người bảo rằng cứ giao tiếp kinh tế với họ thì rồi đây ta có thể thuần hóa được con thú hoang dại, nhưng theo tôi điều đó đã chẳng xảy ra tại Việt Nam. Cũng giống như tại Trung Quốc, chúng ta đã giúp xây dựng kinh tế cho Trung Quốc, vậy mà đàn áp chính trị ở Trung Quốc vẫn xảy ra. Tại Việt Nam cũng không khác. Chúng ta đã từng giao tiếp với Việt Nam và bây giờ ra đường chúng ta thấy có bày bán đầy quần áo may tại Việt Nam. Chúng ta đã làm đủ mọi cách để giao tiếp về kinh tế, nhưng đã không thành công. Muốn cho những bạo chúa khắp thế giới biết tôn trọng nhân quyền hơn, chúng ta không phải chỉ có đưa tiền cho họ để họ có dịp thủ lợi. Muốn cho các bạo chúa này biết tôn trọng nhân quyền hơn, thì cách duy nhất là phải biểu lộ sự phẫn nộ của người Mỹ và của mọi người yêu chuộng tự do khắp thế giới. Dự luật này là một trong những cách biểu lộ đó."

Sau phần phát biểu của 4 Dân Biểu Cộng Hòa, Dân Biểu Dân Chủ Tom Lantos, Chủ Tịch Ủy ban Quan hệ Đối ngoại, đã mời các thành viên khác trong ủy ban đóng góp ý kiến để xem có muốn sửa đổi dự luật này hay không. Vì không có ý kiến nào khác, Dân Biểu Lantos tuyên bố sẽ xem dự luật như văn bản nền tảng để đưa ra trước khoáng đại Hạ Viện biểu quyết.

Bước kế tiếp là tùy quyết định của Hạ Viện, rồi đến Thượng Viện và có lẽ cũng còn tùy sự vận động của những người ủng hộ dự luật, trong đó có cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG