Quyết định tấn công vào một đền thờ của các phần tử ủng hộ Taleban tại Islamabad đã đặt tổng thống Paksitan Pervez Musharraf của Pakistan trước những rủi ro cho ông về mặt nhân đạo, chính trị và quân sự. Ông vốn đã bị chỉ trích nặng nề về việc ngưng chức của chánh thẩm tòa án tối cao. Các nhà phân tích thời cuộc nói rằng lãnh tụ Pakistan giờ đây lại rơi vào một cơn lốc chính trị rối ren hơn nữa.
Vụ bao vây ngôi đền thờ Đỏ không những chỉ thu hút sự chú ý công chúng tại Paksitan mà ít ra còn tạm thời giúp giảm bớt những áp lực chính trị mà tổng thống Musharraf phải đương đầu. Nhưng cũng theo các nhà phân tích thời cuộc này thì tình hình giờ đây có thể còn dầu sôi lửa bỏng hơn đối với tổng thống Musharraf.
Theo bà Farzana Shaikh, giám đốc chương trình Pakistan tại viện nghiên cứu Chatham House của Anh quốc, thì qua hành động cho tấn công ngôi đền thờ, tướng Musharraf có lẽ đã hy vọng đánh bóng được hình ảnh chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan của ông, nhất là đối với thế giới tây phương.
Bà Shaikh nói: "Ông đã chơi một canh bạc lớn, nhưng theo tôi thì ông Musharraf tin rằng nó cũng bõ công cho ông. Điều này có đúng hay không thì chúng ta còn phải chờ xem. Điều mà ông đang trông chờ là qua vụ này, cái tiếng tăm đã bị sa sút mạnh của ông trong tư cách một thành trì chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan sẽ được cứu vãn."
Nhưng ngay cả chuyện tấn công ngôi đền là một canh bạc đầy rủi ro, giới phân tích thời cuộc nói rằng tướng Musharraf không có một chọn lựa nào khác nên đành phải hành động.
Những khó khăn
Kể từ tháng giêng, các giáo sinh trong ngôi đền đã mở chiến dịch tự áp đặt quyền cai trị dựa vào Hồi giáo cực đoan tại thủ đô của Paksitan. Họ đe dọa những chủ nhân các cửa hàng bán phim ảnh Tây phương và bắt cóc các phụ nữ bị họ gán cho là gái mại dâm. Vụ đối đầu với quân đội bắt đầu một tuần lễ trước khi các giáo sinh tại trường giáo lý Hồi giáo trong khu đền này đụng độ với các lực lượng an ninh địa phương.
Theo ông Bob Grenier, trưởng nhiệm sở chống khủng bố của CIA tại Islamabad lúc tướng Musharraf lên cầm quyền sau vụ đảo chính năm 1999, nói rằng lãnh tụ Paksitan không thể nào chịu đựng được một sư thách thức quyền cai trị của ông ở ngay giữa lòng thủ đô.
Ông Grenier nói: "Chủ yếu, ông ở trong tư thế tiến thoái lưỡng nan. Xét đến lập trường mà chính phủ ông vẫn tự nhận là chống chủ nghĩa cực đoan mà lại có những phần tử tranh đấu vũ trang tìm cách hùng cứ ở một khu vực riêng bắt chước theo kiểu Taleban ngay giữa lòng thủ đô thì rõ ràng là điều không thể dung túng. Mặt kahc, bất cứ hành động nào sử dụng vũ lực để dẹp nhóm đó đều không thể không bị mang tiếng là quá nặng tay."
Nhân vật trước đây từng là một nhà ngoại giao của Paksitan, ông Husain Haqqani, hiện là giám đốc của Trung Tâm Quan Hệ Quốc Tế tại đại học Boston. Là một trong số nhiều nhà phân tích và bình luận của tây phương lẫn Pakistan, ông cho rằng đáng lẽ ra tướng Musharraf phải hạ lệnh tấn công vào ngôi đền này và trường giáo lý Hồi giáo tại đó sớm hơn nhiều mới đúng, vì từ lâu người ta vẫn biết khu vực ngôi đền này vẫn chứa chấp các phần tử cực đoan.
Ông Haqqani nói: "Nhất định là ông phải hành động. Và nếu như ông hành động sớm hơn và không dung túng những người này thì lẽ ra chuyện đã dễ dàng hơn. Nếu hành động sớm hơn vài tháng thì số thương vong cũng ít hơn. Đó là lúc để trắc nghiệm mức độ cảnh giác của họ. Cứ thử bắt một số, và có lẽ ngay cả thủ lãnh của họ vào những lần họ mon men ra ngoài, và có lẽ làm như vậy lại hay hơn chưa biết chừng."
Lúc đó thì tướng Musharraf đã bị chống đối dữ dội vì đã bãi chức chánh thẩm tòa án tối cao.
Tương lai sẽ ra sao?
Bà Farzana Shaikh nói rằng sau vụ tấn công ngôi đền, giờ đây thì tướng Musharraf thấy rằng chính phủ của ông có thể sẽ phải đối đầu với những tay đánh bom tự sát của Hồi giáo cực đoan cũng như những đám biểu tình ngoài đường phố. Nếu chuyện này xảy ra, theo bà, thì ông Musharraf sẽ rất dễ ngả theo phương thức áp đặt những hạn chế khắt khe hơn để chống lại tình trạng vô luật pháp.
Bà Shaikh nói: "Nếu chuyện đó xảy ra, và tôi cho rằng có phần chắc sẽ xảy ra một đợt trả đũa bằng những vụ đặt bom, và rõ ràng là Islamabad trong tư thế rất dễ bị trả đũa như vậy, và rồi tôi hình dung ra được là tổng thống Musharraf sẽ phải suy tính thật kỹ về việc áp đặt luật lệ khẩn cấp nào đó, để bằng mọi giá lấy lại tiếng tăm cho ông và để bảo đảm là ông sẽ tái đắc cử tổng thống."
Ông Bob Grenier, từng là trưởng trung tâm chống khủng bố của CIA tại Islamabad, tin rằng một khi cát bụi của vụ tấn công ngôi đền lắng xuống thì áp lực đối với tổng thống Musharraf sẽ tăng lên cùng với đòi hỏi phải quay trở lại với quyền cai trị dân sự tại Pakistan.
Ông Grenier nói: "Tôi chắc chắn rằng ông Musharraf chẳng được gì sau vụ này. Rốt cuộc thì vụ đối đầu này, xảy ra ngay tại Islamabad, đối với tôi, dường như nó mang cái dấu chứng của một sự thất bại chung của toàn bộ chương trình của chính phủ muốn tìm cách loại bỏ chủ nghĩa cực đoan ra khỏi xã hội. Và vì thế theo tôi, có vẻ như là áp lực sẽ gia tăng, sẽ có thêm áp lực đòi ông Musharraf phải mở đường cho phe dân sự chống đối ông trở về nước."
Theo ông Husain Haqqani thì trong lúc phe đối lập dân sự với những thủ lãnh vẫn bị cấm không được hồi hương có thể hoan nghênh tướng Musharraf về lập trường cứng rắn của ông đối với một phe thuộc Hồi giáo cực đoan thì điều này không có nghĩa là họ sẽ giảm bớt áp lực nhắm vào ông.
Ông Haqqani nói: "Vào lúc này, người ta chưa rõ là ông Musharraf có thu phục được sự ủng hộ của một thành phần không theo Hồi giáo và không cực đoan trong xã hội Pakistan hay không, chỉ vì cuối cùng ông chứng tỏ cho thấy là ông có đủ can đảm đứng dậy đối đầu với phe Taleban ở ngay nội địa Pakistan. Và xin nhớ rằng đây chỉ là một thành phần trong dân chúng Pakistan mà thôi, chứ nó không phải là một chiến dịch qui tụ dân chúng toàn quốc chống chủ nghĩa cực đoan."
Theo thời biểu, cả cuộc bầu cử quốc hội lẫn tổng thống đều sẽ được tổ chức vào cuối năm nay. Nhưng theo giới phân tích thời cuộc thì bất cứ sự gia tăng bạo dộng nào do phe Hồi giáo cực đoan gây nên cũng có thể khiến cho tướng Musharraf hoãn lại các cuộc bầu cử.