Đường dẫn truy cập

Các nhà lập pháp EU kêu gọi xét lại chính sách hợp tác với Việt Nam


Một quyết nghị đã được toàn thể Nghị Viện Âu Châu thông qua sau khi nghe một số Dân biểu Tây và Đông Âu đại diện các chính đảng trình bày về tình trạng đàn áp nhân quyền và tôn giáo tại Việt Nam.

Nổi cộm trong các cuộc trình bày là những vụ xử án bất công cuối tháng 3 sang tháng 5 năm 2007, cuộc đàn áp 20 Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, điều luật "an ninh quốc gia" trong Bộ luật Hình sự Việt Nam trái với các Công ước quốc tế, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính mang số 44 ban hành năm 2002 cho phép đưa các nhà bất đồng chính kiến vào bệnh viện tâm thần như kiểu Xô viết ngày xưa...

Tin về vụ nghị quyết được thông qua ở trụ sở nghị viện Âu Châu tại Strassbourg bên Pháp đã được loan báo rộng rãi. Riêng bản tin từ Thụy Điển đưa đi trong ngày thứ sáu thì còn cho hay là trong 3 nghị quyết chấm dứt phiên họp toàn thể trong tuần nầy, các dân biểu tại nghị viện đó đã hô hào giúp đỡ cho làn sóng người tị nạn Iraq lẫn phê phán tình trạng vi phạm nhân quyền tại Transnistria, Moldova bên cạnh việc đã tỏ ra quan ngại đối với loạt những vụ đàn áp mới nhắm vào các thành phần bất đồng chính kiến tại Việt Nam.

Bản nghị quyết về Việt Nam được thông qua với 68 phiếu thuận, 2 phiếu chống; trong đó nghị viện Âu Châu tỏ ra thất vọng trước sự kiện là chính phủ Việt Nam rõ ràng đã không còn thi hành đường lối dung chấp và rộng mở mà dường như đã thành hình hồi năm ngoái. Nghị quyết thúc giục chính phủ Việt Nam thay đổi và tin rằng các cơ chế tại Âu Châu cũng cần phải tạo áp lực đối với Việt Nam.

Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ quyền làm người Việt Nam, cho biết ý kiến như sau về nghị quyết của nghị viện Âu Châu:

"Sự kiện từ tháng 3 năm nay đã có hơn 15 nhân vật bất đồng chính kiến bị tuyên phạt những án tù dài hạn, hoặc bị quản thúc tại gia, đã được nêu lên trong nghị quyết bên cạnh những vi phạm quyền tự do tín ngưỡng lẫn những vụ đàn áp người thuộc các dân tộc thiểu số ở Bắc bộ và trên Tây nguyên."

Từ đó Nghị viện Âu Châu đã kêu gọi chính quyền Việt Nam hãy chấm dứt mọi hình thức đàn áp nhắm vào những người chỉ thực thi các quyền tự do phát biểu, suy tư và hội họp đúng theo những luật lệ quốc tế về nhân quyền.

Ngoài ra các dân biểu tại Nghị Viện Âu Châu cũng thúc giục Việt Nam thi hành các biện pháp cải cách chính trị và cơ chế nhằm kiến tạo một nền dân chủ và pháp trị, bắt đầu bằng việc áp dụng hệ thống đa đảng, cho phép báo chí và công đoàn được tự do hoạt động. Quyền tự do tín ngưỡng đã được chú trọng trong những lời hô hào nầy bên cạnh đòi hỏi chính phủ Việt Nam chấm dứt kì thị đối với cộng đồng người Thượng.

Nghị quyết cho rằng trong những tương quan nhân quyền, khối Liên Hiệp Âu Châu có thể gây ra một số áp lực đối với Việt Nam. Nghị quyết chỉ rõ cho thấy là Việt Nam vẫn nhận được những ngân khoản yểm trợ của khối nầy lẫn của các nước thành viên trong khối; chưa kể đã được ưu đãi vi Liên Hiệp Âu Châu đã là một đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam.

Ngoài ra, cũng theo bản nghị quyết thì từ tháng 3 năm nay, Ủy hội Âu Châu đã chấp thuận tăng 30% khoản tiền trợ giúp cho Việt Nam trong thời gian từ nay tới năm 2013, nâng số tiền trợ giúp đó lên tới 304 triệu Euro.

Nghị viện kết thúc bản nghị quyết bằng đòi hỏi là cuộc đối thoại giữa khối Liên Hiệp Âu Châu với Việt Nam phải dẫn tới những cải tiến cụ thể. Các cơ chế chính của khối Liên Hiệp nầy cũng được yêu cầu thẩm định lại chính sách hợp tác với Việt Nam bởi vì theo nghị quyết thì thoả hiệp hợp tác đưa ra hồi năm 1995 lập căn trên việc tôn trọng các nguyên tắc dân chủ và trên các nhân quyền cơ bản.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG