Đường dẫn truy cập

Mỹ, Việt Nam sẽ hợp tác nhằm giải quyết thiệt hại của chất độc da cam


Khi Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết hội kiến Tổng thống George Bush tại Washington vào tuần trước, cả hai đã tuyên bố về những nỗ lực mới nhằm giải quyết những thiệt hại mà chất độc màu Da cam đã gây nên. Mặc dù cả hai bên đồng ý rằng các nạn nhân chất độc màu Da cam cần được giúp đỡ, các nhà khoa học vẫn còn tranh cãi về mức độ độc hại thực sự của loại hóa chất khai quang này.

Việt Nam nói rằng có khoảng 3 triệu người phải gánh chịu những vấn đề về sức khỏe do bị ảnh hưởng bởi Tác nhân Cam mà quân đội Hoa Kỳ đã rải xuống các cánh rừng Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh. Hóa chất khai hoang này có chứa hàm lượng độc tố dioxin cao.

Trong nhiều năm qua, Hoa Kỳ đã bác bỏ những yêu cầu đòi bồi thường cho những nạn nhân này của Việt Nam, Hoa Kỳ nói rằng những loại bệnh do bị ảnh hưởng bởi Tác nhân Cam là không có cơ sở khoa học để chứng minh.

Tuy nhiên, gần đây Hoa Kỳ đã tăng các khoản tài trợ về y tế cho những người khuyết tật ở Việt Nam và Quốc hội Hoa Kỳ đã chuẩn chi 3 triệu đô la để dọn sạch môi trường và điều trị cho những bệnh nhân bị nhiễm dioxin.

Ông Tom Leckinger, Đại diện của Quĩ Cựu chiến Binh Việt Nam tại Hà Nội, tỏ ý hài lòng về điều này.

Ông Leckinger nói: "Tôi đã tham gia vào vấn đề liên quan đến Tác nhân Cam kể từ cuối những năm 70. Tôi thấy trong hai năm qua vấn đề này tiến triển nhanh hơn toàn bộ những thập kỷ trước đó."

Trong một cuộc hội thảo gần đây được tổ chức tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã thuyết trình trước Bộ Quốc phòng Việt Nam một bản nghiên cứu chi tiết, được thực hiện trong 2, năm về khối lượng và địa điểm mà Tác nhân Cam đã đuợc lưu kho và rải xuống Việt Nam.

Ông Nathan Sage, giới chức môi trường tại Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Hà Nội nói rằng sự hợp tác này là một phần trong quan hệ hữu nghị đang ngày càng được tăng cường giữa hai nước.

Ông Sage nói: "Mức độ hơp tác trong vấn đề này chưa bao giờ tốt hơn thế. Và chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ họ bởi họ đã đề nghị được giúp đỡ."

Ông Leckinger nói rằng thái độ về vấn đề này đã bắt đầu thay đổi kể từ cuối năm 2005 khi một nghiên cứu của một công ty phân tích hóa chất có tên Hatfield Consultants cho thấy một mức độ cao chất dioxin đã nhiễm trong đất tại những căn cứ quân sự của Hoa Kỳ nơi Tác nhân Cam được lưu trữ, tuy nhiên ở các vùng nông thôn thì không có dấu hiệu nhiễm độc tố này.

Ông Leckinger nói: "Tôi tin rằng điều này đã khiến chính phủ Việt Nam cuối cùng cũng đã lên tiếng nói rằng 'Nay chúng ta phải giải quyết vấn đề này' mà không còn quan ngại đến vấn đề xuất khẩu, đến hàng nông nghiệp và thủy sản xuất khẩu."

Điều này cũng đảm bảo để Hoa Kỳ tập trung sự hỗ trợ trong việc dọn sạch chất dioxin ở những “điểm nóng” gần các căn cứ quân sự cũ của Hoa Kỳ.

Mặc dù hai chính phủ đang hợp tác cùng nhau để giải quyết vấn đề này, các nhà khoa học vẫn còn bất đồng về khối lượng chất dioxin trong Tác nhân Cam ở Việt Nam và những ảnh hưởng của nó tới sức khỏe con người.

Khoa học gia Mỹ Alvin Young đã nghiên cứu Tác nhân Cam kể từ đầu thập niên 1970. Ông nói số liệu của công ty Hatfield về chất dioxin ở thành phố Đà Nẵng rất dễ gây hiểu lầm.

Ông nói phần lớn chất dioxin, hay "TCDD", mà công ty Hatfield tìm thấy có thể xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau. Ông Young nêu ra việc phát hiện chất dioxin của công ty Hatfield ở thành phố Cần Thơ, theo ông có thể là do việc đốt các đống rác thải ở ngoài trời tại các bãi rác công cộng.

Ông Young nói: "Tôi kết luận rằng có phần rất chắc chắn là công ty Hatfield đã không phát hiện ra độc tố "TCDD” trong Tác nhân Cam."

Tiến sĩ Lê Kế Sơn, chánh văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc màu Da cam không tán thành nhận định này. Ông nói ông đã phát hiện những nhóm người bị dị tật bẩm sinh ở gần những kho chứa chất độc màu Da cam.

Trong ba năm qua, một nhóm các nạn nhân Tác nhân Cam người Việt đã kiện các nhà sản xuất loại hóa chất khai quang này của Hoa Kỳ. Vụ kiện đã bị bác bỏ vào năm 2005, tuy nhiên phía Việt Nam đã kháng án và tranh tụng về vụ kiện này tại New York hồi tuần trước.

Ông Leckinger của Quĩ Cựu chiến binh nói rằng thậm chí khi vụ kiện này được phục hồi thì việc đền bù cũng sẽ mất nhiều thời gian.

Ông Leckinger nói: "Tôi cược một tháng lương để nói rằng phải mất 10 năm trước khi vụ việc này tiến gần tới một phiên tòa xét xử. Vì vậy nếu nói rằng có một mức độ đền bù nào đó trong thời gian gần thì chỉ đơn giản là khiến mọi người hy vọng hão huyền mà thôi."

Cho dù một số nhà khoa học Mỹ vẫn không chấp nhận tác động nghiêm trọng của Tác nhân Cam thì chính phủ Hoa Kỳ và chính phủ Việt Nam cũng đang hợp tác để giúp những người mà Việt Nam cho là nạn nhân của hóa chất này. Một số người từ lâu nay đã tham gia vào vấn đề này coi đây là một tiến bộ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG