Hàng trăm phụ huynh học sinh tại một trường quốc tế ở Hà Nội đang bị vướng mắc vào một liên doanh đang gặp trục trặc giữa bên đối tác Việt Nam và đối tác Việt Kiều.
Hơn một năm nay các cáo buộc về quản lý kém, biển thủ và thiếu minh bạch đã khiến cho Trường Quốc Tế Hà Nội phải đối mặt với một vụ án mà các nhà ngoại giao cho đây là điển hình của những khó khăn mà đôi khi làm tổn hại đến tình hình kinh doanh ở Việt Nam.
Bản tin của Reuters trích thuật lời phụ huynh Annette Bakker người Hà Lan cho biết với việc trường sẽ đóng cửa kỳ hè bắt đầu từ ngày 8 tháng 6, các bậc phụ huynh và nhân viên của trường sẽ phải về nước mà không được biết trường sẽ trở lại hoạt động như thế nào và với ban quản lý ra sao.
Kể từ tháng 4 năm 2006, liên doanh giữa các nhà đầu tư Việt Kiều Mỹ và đối tác quốc doanh của Việt Nam đã hoạt động trong tình trạng không có tương lai chắc chắn sau khi chính phủ bắt hai nhà điều hành và cáo buộc họ biển thủ tiền của trường, hai người này đã bác bỏ những cáo buộc này.
Một số phụ huynh và đối tác phía Mỹ cho biết các giới chức do Bộ giáo dục và Đào tạo chỉ định làm quản lý của trường sau vụ bắt giữ này đã không đảm bảo được tiêu chuẩn quốc tế đối với việc dạy học, thiết bị của trường cũng như các công tác hành chính khác.
Các nhà ngoại giao, phụ huynh và chủ đầu tư, một người Mỹ gốc Việt đã kiến nghị lên tới thủ tướng yêu cầu giải quyết tình trạng hiện tại của trường.
Ông James Châu, tại công ty International School Development Inc. phát biểu qua điện thoại rằng tại sao chính phủ lại để cho tình trạng này xảy ra trong hơn một năm trời. Đây chỉ là một dự án nhỏ so với các dự án lớn khác ở Việt Nam và các dự án sắp được triển khai ở Việt Nam.
253 học sinh của trường là con em của các nhà ngoại giao, các doanh nhân và chuyên gia của các tổ chức phi chính phủ của nhiều nước khác nhau.
Trường được thành lập năm 1996. Ông Châu và các nhà đầu tư Mỹ khác đóng góp khoảng 2,4 triệu đô la trong khi đối tác Việt Nam đóng góp tài sản cố định và một hợp đồng thuê đất trong vòng 20 năm.