Người ta có thể biến niềm đam mê trở thành những hành động hữu ích giúp cho hàng ngàn người lâm cảnh thiếu thốn, tuyệt vọng Lá thư Mỹ quốc hôm nay sẽ thuật lại câu chuyện của ông Marc Gold với niềm đam mê về nước Ấn Độ và Dự Án có tên là 100 Người Bạn của ông. Mời quí vị theo dõi Lan Phương trong bài viết của Jan Sluizer sau đây:
20 năm trước đây một cơ hội gặp gỡ đã làm thay đổi hẳn cuộc đời của ông Marc Gold. Vào năm 1989, giảng viên đại học về ngành tâm lý này dến thăm Ấn Độ, một nơi mà ngay từ thời còn bé ông hằng ao ước được thăm. Trong lúc ông háo hức đi ngoạn cảnh, tìm hiểu phong tục tập quán và kết bạn với người dân địa phương thì ông cũng kinh ngạc và buồn rầu vì những tình cảnh bần hàn và khốn khổ mà ông chứng kiến. Sự buồn rầu đó đã trở thành riêng tư, cụ thể khi 1 trong những người bạn mới của ông dẫn ông về nhà tại Darjeering để gặp người vợ. Gia đình này quá nghèo, bà vợ thì đang bị nhiễm trùng tai rất nặng, không chữa trị thì có thể nguy đến tính mạng. Nhưng gia đình này làm gì có tiền để đưa bà đi bác sỹ khám bệnh. Sau đó thì đích thân ông Gold đã tìm ra một bác sỹ chuyên khoa khám cho bà rồi kê đơn cho thuốc trụ sinh, và ông Marc chỉ tốn có 1 đô la Mỹ để mua thuốc.
Đây là lần đầu tiên tôi mới thấy được rõ rằng 1 khoản đô la nhỏ bé có thể có được ảnh hưởng lớn lao đến như thế nào. Giờ đây không phải là lúc nào 1 đô la cũng cứu được một mạng sống, nhưng thường là như vậy.
Đến khi trở về Mỹ, ông quyết tâm làm một điều gì đó để sử dụng mãnh lực của đồng đô la hầu giúp cho những người nghèo trên thế giới, và đó là lúc ông khởi sự Dự Án 100 Người Bạn. Ông lục sổ địa chỉ tìm tòi được 100 tên tuổi trong số này có thân nhân, bạn bè, và cả những địa chỉ liên quan đến những tiếp xúc trong công việc. Sau đó ông gửi đi những lá thư yêu cầu họ đóng góp tùy tâm để giúp cho những người nghèo.
Tôi trông đợi là mà mọi người sẽ đóng góp chừng 3 hay 4 trăm đô la , nhưng tôi lại nhận được đến 2200 đô la. Giờ đây 18 năm đã trôi qua, và nội trong năm nay tôi đã xin được 80 ngàn đô la. Vì vậy theo một cách nào đó, tôi có khả năng làm khá hơn .
Ông Gold gọi chuyện mà ông làm là: du hành để làm việc thiện.
Vì cá nhân tôi vừa muốn đi du lịch, cùng 1 lúc vừa muốn làm việc nghĩa , nên tôi đã tìm ra một phương cách thực sự có hiệu quả, mà lại thực tế nữa. Đó là cung cấp chăn mền, giúp phương tiện để theo đuổi học vấn, giúp vốn để buôn bán nhỏ, cho vay những khoản tiền nhỏ, giúp cho người tàn tật có được chiếc xe lăn, và chuyện thực tế hiển nhiên là giúp cho người thiếu thốn có cơm ăn, áo mặc. Và tôi đã khám phá ra rằng chỉ với 1 món tiền nhỏ nhoi thôi, tôi đã có đủ thế lực để làm được những việc tốt, tạo ảnh hưởng tốt đến cho thật nhiều người. Giờ đây thì con số này lên đến cả ngàn người. Thay vì chỉ là một khách du lịch đến tiêu tiền giúp cho nền kinh tế địa phương, dĩ nhiên là làm như vậy cũng không có gì sai trái cả, tôi lại còn đi tìm xem những người nghèo sống ở đâu, và nói chung thì tìm ra cũng là chuyện khá dễ, mặc dù là nếu làm cho đúng cách thì phải mất công sức rất nhiều. Vì vậy mà tôi vào tận những khu nhà ổ chuột, vào nhà tù, bệnh viện, các làng mạc, những khu vực bị thiên tai như sóng thần, động đất, những nơi nhiều người bị bệnh AIDS. Tôi cũng đọc rất nhiều sách và gặp gỡ rất nhiều người nữa để khi giúp đỡ phải cố gắng làm sao trợ giúp thật đúng nơi, đúng người. Sau đó thì tôi gửi giấy tờ, số liệu, ảnh chụp về để chứng minh cho công việc mình làm .
Trong 18 năm qua, ông Marc Gold đã đi đến hơn 40 quốc gia, để trải rộng thiện chí của ông cũng như mang tiền bạc trợ giúp đến những nơi ấy. Lấy ví dụ như ở Campuchia, ông đã cộng tác chặt chẽ với một trung tâm nhận nuôi dưỡng những trẻ thơ nhặt từ bãi rác ở ngoại ô thủ đô Phnom Penh. Trung tâm này có tên là Center for Children's Happiness. Trung tâm này nhận nuôi 130 trẻ như vậy với giá 600 đô la một năm cho mỗi em. Dự Án 100 Người Bạn bảo trợ cho 11 em tại Trung Tâm này.
Tại Afghanistan, Dự Án này giúp duy trì một viện mồ côi, xây 1 trường học, và tài trợ cho những dự án tận trong làng xóm tại các địa phương xa xôi, giúp cho những trẻ mồ côi, các quả phụ có chồng chết trong chiến tranh, và những phụ nữ bị giam cầm trong những nhà tù.
Nhưng ông Marc Gold không cho không tiền bạc. Ông đưa ra những khoản tiền để cho vay hầu giúp người nghèo buôn bán tạo dựng kế sinh nhai, và khi khoản tiền được hoàn trả thì ông lại đem cho người khác vay. Ông thuật lại một câu chuyện xảy ra tại Ấn độ:
Có lần tôi gặp ,một phu xe đạp tại Calcutta . Khi tôi ngồi lên xe thì chiếc xe sụp xuống vì trục bánh xe bị gãy. Người phu xe già bắt đầu khóc.Tôi nhờ một người qua đường thông dịch và hiểu ra rằng chiếc xe là kế sinh nhai duy nhất của ông, dồng thời cũng là cái nhà để ông trú mưa trú nắng và ngủ nghỉ nữa. Sửa cái trục bánh xe phải mất 40 đô la mà ông thì không có nổi số tiền đó. Thế là tôi bàn với ông, là tôi sẽ trả tiền cho ông sửa xe, nhưng phải hứa mỗi tháng 1 lần ông dành ra nửa ngày, đến dòng tu của nữ tu Theresa, chở các dì phước đến những chỗ mà họ phải đến làm việc với dân nghèo trong các khu xóm. Ông rất hăng hái nhận điều kiện mà tôi đưa ra.
Khi ông Marc Gold hồi cố lại tuổi thơ của ông thì có 2 chuyện làm ông nhớ đến nhất. Thân phụ ông, nhiếp ảnh gia Albert Gold, đã tạo nguồn hứng khởi để ông theo đuổi con đường hiện nay. Lần thứ nhất là khi cha ông cho ông một số báo National Geographic trình bày những hình ảnh và bài viết về nước Ấn Độ. Lần thứ hai là có một ngày cha ông bảo ông đi vào phòng tắm để ông giải thích cho cậu bé về “ ý nghĩa cuộc đời “.
Tôi hỏi: Bố bảo con vào phòng tắm để tìm ý nghĩa cuộc đời sao ? Ông cụ nói rằng “thì cứ vào rồi sẽ biết”. Sau đó ông cụ bảo tôi leo lên đứng trên bồn cầu, và xoay người lại, quay mặt vào trong. Xong ông hỏi “Con thấy cái gì ?” Trên vách tường là 1 kính soi mặt hình bầu dục, nên tôi trả lời “ con nhìn thấy con. ”Cha tôi nói “ Rồi, thế 70 năm nữa thì con bao nhiêu tuổi?” Tôi trả lời “78 tuổi" . Cha tôi nói tiếp “Khi con 78 tuổi, con hãy nhìn vào gương lần nữa, lúc đó thì cuộc đời con đã gần hết rồi và tự hỏi mình rằng “Ta có sống một cuộc đời hữu ích, giúp được cho thế giới này trở thành một nơi chốn tốt đẹp hơn hay không?” Chuyện thật giản dị. Nếu câu trả lời là ”có “, thì cha rất tự hào về con. Nếu câu trả lời là ”không“, thì cha thất vọng lắm. Tôi hỏi tiếp : “Nhưng con có thể làm gì để giúp cho thế giới này trở thành một nơi tốt đẹp hơn?“ Cha tôi trả lời: “Đó là việc của con, con phải tự tìm lấy“.
Một trong những phương cách mà ông Marc Gold gây quĩ là qua những buổi dạ tiệc do bạn bè và người quen biết tổ chức. Bác sỹ Peter Joseph và vợ ông, bà Marcy Levin, đã từng thực hiện chuyến du lịch làm việc nghĩa tại Lào mấy năm trước. Khi họ nghe thấy công việc mà ông Marc Gold làm thì họ quyết định giúp một tay bằng cách tổ chức những buổi tiệc cho dự Án 100 Người Bạn.
Tôi cho rằng ông bạn Marc đây là một đại sứ vĩ đại cho nước Mỹ của chúng ta. Hiện nay hình ảnh nước Mỹ trước con mắt thế giới đang cần được làm đẹp lại. Và chúng tôi rất cảm kích trước lối làm việc hữu hiệu của ông. Không qua trung gian. Không thành lập những tổ chức lớn để phải chịu chi phí nhiều cho văn phòng và thuê mướn nhân viên. Ông đã tự một mình làm mọi việc. Và chúng tôi còn nghĩ trong ông có đôi chút hình ảnh của một vị thánh.
Ông Marc Gold cho hay chặng đường kế tiếp của ông sẽ là châu Phi, nhưng cho đến khi ông lên đường lần nữa, ông sẽ đưa ra lời khuyên cho những du khách giàu lòng vị tha về cách thức là sao bắt đầu dự án riêng của họ.
Muốn biết thêm chi tiết, quí vị có thể truy cập Website sau đây :
WWW.100FriendsProject.org.