Đường dẫn truy cập

HRW lo ngại về tình hình nhân quyền ở vùng Nam Á


Hội Ân Xá Quốc tế cho rằng tình hình nhân quyền ở hai nước Nam Á là Sri Lanka và Bangladesh đã trở nên tệ hại hơn trong những năm vừa qua. Tổ chức theo dõi nhân quyền này nói rằng tại Bangladesh, những người quảng bá cho nhân quyền bị tấn công, trong khi tại Sri Lanka thì một cuộc xung đột sắc tộc đã đưa đến việc nhiều thường dân sát hại và mất tích.

Hội Ân Xá Quốc tế nói rằng tại Bangladesh hàng trăm người hoạt động bảo vệ nhân quyền đã bị dọa giết, bị tấn công, bị truy tố không có lý do, bị bắt hay bị tra tấn.

Tổ chức nhân quyền này nói rằng các nạn nhân là những người chỉ trích nhà cầm quyền hay lên tiếng về những vụ vi phạm nhân quyền. Trong số này, có các ký giả, nhà văn, các học giả và luật sư.

Giám đốc chi nhánh Ân Xá Quốc tế tại Ấn Độ, ông Mukul Sharma, nói rằng các cơ quan nhà nước và các nhóm khác nhắm mục tiêu vào những người này.

Chúng tôi đã thấy rằng chính phủ, quân đội và cảnh sát chủ yếu chịu trách nhiệm về những vụ tấn công và vi phạm nhân quyền, nhưng đồng thời chúng tôi còn thấy các đảng phái chính trị và các tổ chức quần chúng cũng chống phá lẫn nhau và sự kiện này này cũng là nguyên do đưa đến một số vụ sát hại và quấy rầy.

Hội Ân Xá Quốc Tế nói rằng có ít nhất 8 người tranh đấu cho nhân quyền đã bị sát hại kể từ năm 2000 bởi những kẻ tấn công mà người ta cho là có liên hệ với các băng đảng tội phạm hay các phe phái vũ trang của các chính đảng.Bangladesh đang được đặt dưới sự cai trị của một chính phủ lâm thời từ hồi tháng 10 năm ngoái.

Hội Ân xá Quốc tế nói rằng bản phúc trình của họ không đề cập riêng đến chính quyền hiện hữu, mà nói đến cả các chính phủ đã từng cai trị đất nước hồi gần đây.

Tại Sri Lanka, Hội Ân Xá Quốc Tế nói rằng một số lớn các vụ sát hại chính trị đã xảy ra kể từ khi lực lượng an ninh và phiến quân Hổ Tamil tiếp tục chiến đấu hồi đầu năm ngoái sau 4 năm tạm yên. Hội nói rằng nhiều người đã bị giết hay bị tra tấn trong lúc bị công an bắt giữ.

Ông Mukul Sharma của Hội nói rằng cả lực lượng an ninh chính phủ lẫn phiến quân đều phải chịu trách nhiệm về những vụ vi phạm nhân quyền mà thường dân là nạn nhân.

Chúng tôi đã thấy những vụ giết người bất hợp pháp, trẻ em bị tuyển mộ làm lính, những vụ bắt cóc, mất tích, và nhiều vụ vi phạm nhân quyền khác và những tội ác chiến tranh ngày càng gia tăng. Chúng tôi đã thấy thường dân bị cả hai bên tấn công. Nhà cửa, trường học, các nơi thờ phượng bị phá hủy.

Hôm nay, trong một thông cáo tổ chức Human Rights Watch cũng chỉ trích chính phủ Sri Lanka đã không chịu điều tra những vụ bắt cóc trẻ em bởi một phe nhóm phiến quân mà người ta cho là đồng minh của lực lượng an ninh. Các nam nữ thiếu niên bị dùng làm lính.

Hội Ân xá Quốc tế kêu gọi quốc tế tham gia vào việc theo dõi tình hình nhân quyền ở Sri Lanka. Tổ chức cũng muốn cả Sri Lanka lẫn Bangladesh phải lập những ủy ban quốc gia độc lập để điều tra những vụ vi phạm nhân quyền.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG