Đường dẫn truy cập

Nam Phi muốn LHQ giảm nhẹ các biện pháp chế tài Iran


Nam Phi yêu cầu Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc mở lại các cuộc thương thuyết về bản dự thảo nghị quyết gia tăng các biện pháp chế tài đối với Iran vì chương trình hạt nhân của họ. Bản dự thảo nghị quyết này đã được các cường quốc thoả thuận. Lời yêu cầu của Nam Phi có thể sẽ trì hoãn việc chấp nhận nghị quyết này.

Hôm qua, Đại sứ Nam Phi tại Liên Hiệp Quốc, ông Dumisani Kumalo, đã đệ trình một loạt các đề nghị nhằm giảm nhẹ bớt các biện pháp chế tài đối với Iran do các cường quốc thế giới đề nghị sau nhiều tuần lễ thương thuyết căng thẳng.

Bản dự thảo nghị quyết do năm nước hội viên thường trực trong Hội Đồng Bảo An cùng với Đức đệ trình hồi tuần trước sẽ gia tăng các biện pháp trừng phạt trước đây được chấp thuận hồi tháng 12 năm ngoái, sau khi Iran không đếm xỉa tới yêu cầu của Hội Đồng Bảo An là phải đình chỉ mọi hoạt động tinh luyện uranium.

Những biện pháp trừng phạt mới do các đại cường đề nghị gồm một lệnh cấm xuất khẩu võ khí của Iran, cùng lệnh phong tỏa tài sản và hạn chế du hành đối với một danh sách dài các cá nhân và pháp nhân.

Một bản sao các đề nghị của Nam Phi mà đài VOA có được cho thấy rằng Nam Phi đã đề nghị loại bỏ tên các công ty và cá nhân quan trọng ra khỏi danh sách chế tài. Trong số những công ty và cá nhân được đề nghị loại ra khỏi danh sách trừng phạt có tên của Ngân Hàng Sepah nhiều thế lực của Iran cũng như là nhiều xí nghiệp thuộc ngành công nghiệp quốc phòng do Vệ Binh Cách Mạng Iran điều hành.

Bản đề nghị này cũng yêu cầu quy định một kỳ hạn 90 ngày “tạm ngưng áp dụng” trong đó các biện pháp trừng phạt sẽ được dẹp bỏ nếu Iran đình chỉ các hoạt động tinh luyện uranium.

Đại sứ Nam Phi tại Liên Hiệp Quốc, ông Kumalo, đã bênh vực cho đề nghị 90 ngày “tạm ngưng” này ngày hôm qua khi nói rằng biện pháp này là một đề nghị lúc ban đầu của ông Mohamed ElBaradei, Giám Đốc Cơ Quan Nguyên Tử Năng Quốc Tế.

Khi đọc bản dự thảo nghị quyết này chúng tôi muốn biết chắc rằng Cơ Quan Nguyên Tử Năng Quốc Tế có một vai trò trong đó.Đề nghị 90 ngày “tạm ngưng áp dụng”không phải là sáng kiến của Nam Phi mà thật ra là đề nghị của chính ông ElBaradei.

Đại diện của các nước hội viên thường trực trong Hội Đồng Bảo An đã phản ứng lạnh nhạt trước những đề nghị của Nam Phi. Đại sứ Anh tại Liên Hiệp Quốc, ông Emyr Jones-Parry gọi những đề nghị đó là “vô bổ,” và Đại sứ Pháp tại Liên Hiệp Quốc, ông Jean-Marc de La Sabliere thì nói rằng đề nghị đó đi ngược lại mục đích gia tăng áp lực từng bước đối với Iran.

Tôi đã xem những đề nghị sửa đổi của Nam Phi. Tôi nghĩ rằng những đề nghị đó không phù hợp với đường lối mà Hội Đồng Bảo An đang theo đuổi.

Phe chống đối trong các nước hội viên thường trực của Hội Đồng Bảo An có quyền phủ quyết đã tỏ dấu hiệu hầu như chắc chắn là sẽ bác bỏ đề nghị của Nam Phi. Nhưng việc này có thể làm trì hoãn việc thông qua nghị quyết trừng phạt này, đặc biệt làvì Nam Phi đang giữ chức Chủ tịch Hội Đồng Bảo An trong tháng Ba.

Hôm qua, Đại sứ Kumalo của Nam Phi đã nói rằng, những đề nghị sửa đổi này được đưa ra với mục đích chủ yếu là thay mặt 10 nước thành viên được bầu vào Hội Đồng Bảo An bày tỏ sự phản đối, vì các nước này đã không được hài lòng khi thấy bị gạt ra khỏi những cuộc thương thảo của các đại cường. Ông Kumalo nói tiếp:

Nếu chúng ta hỏi về những gì cần được loại bỏ thì đó chính là những điều mà chúng tôi đã làm đối với bất cứ nghị quyết nào được đưa ra trước hội đồng. Chúng tôi luôn luôn có quyền gợi ý, “Quý vị có thể thay đổi từ ngữ này hay không? Quý vị có thể làm điều đó hay không?” Tại sao quý vị có thể coi nghị quyết này như là do thượng đế viết ra hay có sự khôn ngoan của thượng đế trong đó.” Đây là một nghị quyết bình thường. Chúng tôi làm điều gì mà các nước thành viên được bầu vào Hội Đồng Bảo An phải có nhiệm vụ làm.

Hiện chưa định ngày đưa ra biểu quyết về bản dự thảo nghị quyết này, nhưng Hội Đồng Bảo An sẽ mở các cuộc thảo luận về văn kiện này ngày hôm nay và ngày mai. Tổng Thống Iran, ông Mahmoud Ahmadinejad đã thông báo cho Hội Đồng Bảo An rằng ông dự trù có mặt tại phiên họp của Hội Đồng Bảo An vào ngày biểu quyết và sẽ hành xử quyền phát biểu của ông trước hội đồng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG