Đường dẫn truy cập

Doanh nghiệp VN gặp khó khăn trong việc tuyển mộ nhân viên


Trong tình hình kinh tế bộc phát tại Việt Nam, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tuyển mộ nhân viên. Một số nhà máy đang phải hoạt động dưới năng suất vì thiếu nhân công. Tình trạng thiếu hụt lao động đạt cao điểm vào dịp Tết, là lúc người Việt làm việc ở thành thị thường về quê, và giới chủ nhân mong mỏi họ trở lại.

Chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là Tết. Đường phố Hà Nội bắt đầu tràn ngập những cây quất, cây đào. Vé tầu và vé máy bay vào dịp Tết đã bán hết, vào lúc dân thành thị chuẩn bị về quê ăn Tết.

Chính thức thì người Việt chỉ được nghỉ có một tuần để ăn Tết. Nhưng năm nào cũng thế, một số người nấn ná thêm vài ngày. Còn một số thì lại đi tìm việc nơi khác và không trở về chỗ làm cũ.

Đây là một thói quen mà giới chủ nhân không ưa chút nào, theo lời ông Bùi văn Thọ, quản đốc nhân viên tại công ty dệt may Việt Hưng ở Hà Nội.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, người đứng đầu Viện Khoa Học Xã hội và Lao động, nói rằng việc nhân viên không trở lại làm việc sau Tết đã trở nên một vấn đề nghiêm trọng.

Vấn đề này khiến cho tình trạng thiếu hụt lao động trở nên trầm trọng hơn trong nhiều khu vực của nền kinh tế đang bùng phát của Việt Nam. Ông Nguyễn Thanh Tùng, giám đốc dịch vụ tuyển dụng thuộc ban quản trị các khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, cho biết các công ty thiếu cả nhân viên có tay nghề cũng như công nhân làm việc tay chân.

Có điều lạ là tình trạng thiếu hụt lao động lại là một vấn đề chung của các nước đã và đang phát triển tại Đông Á, mặc dù dân số rất lớn. Ngay tại Trung Quốc, với 1 tỷ 300 triệu dân, nhiều chủ nhà máy cũng phải đối phó với tình trạng thiếu nhân công.

Ông Đặng Trung Dũng thuộc công ty sản xuất đồ da Ladoda đã tìm cách tuyển dụng 50 thợ làm đồ da có tay nghề từ 4 tháng nay.

Ngay cả trong lúc các nhà máy thiếu thợ, Việt Nam vẫn có một khối lao động thặng dư ở nông thôn. Gần 60% lực lượng lao động làm việc trong các khu vực nông nghiệp thiếu hiệu năng.

Những người làm ruộng nghèo khó ở nông thôn chắc hẳn phải vui mừng khi tìm được việc làm trong các nhà máy ở thành thị. Nhưng một báo cáo năm 2005 của Ngân hàng Phát triển Á Châu, tức ADB, nói rằng thị trường lao động Việt Nam nằm trong tình trạng “phân đoạn thị trường” - nghĩa là những người làm ruộng ở nông thôn không chịu rời khỏi vùng quê để lấp đầy khoảng trống lao động ở thành thị.

Bản báo cáo của ADB nói rằng chính phủ đã thất bại trong việc thực thi các luật lệ về lương tối thiểu và bảo hiểm xã hội, khiến cho nông dân không muốn làm việc tại các nhà máy.

Một vấn đề nữa là chế độ hộ khẩu của Việt Nam. Nhiều công nhân di trú không xin được hộ khẩu tại các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Không có hộ khẩu thì công nhân di trú gặp khó khăn trong các dịch vụ y tế công cộng, hay xin cho con đi học.

Nhưng ADB nói rằng lý do chính của tình trạng thiếu hụt lao động là thiếu đào tạo. ADB nói rằng các cơ sở giáo dục và đào tạo của nhà nước thiếu khả năng chuẩn bị dân số cho nền kinh tế đang thay đổi.

Ông Nguyễn Hữu Dũng thuộc viện khoa học xã hội và lao động cho biết chính phủ đang tìm cách giải quyết vấn đề.

Nhưng ông Tùng, quản đốc dịch vụ tuyển dụng cho biết về hiện trạng lao động như sau:

Mời quí vị bấm vào đường dẫn ở trên để nghe hoặc tải xuống toàn bộ bài tường trình:

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG