Đảng, quân đội và công an sẽ phải rũ bỏ các quyền lợi kinh doanh theo như các cải cách đang được cứu xét, theo các nguồn tin và các giới chức chính phủ.
Hội nghị toàn quốc của ngành tổ chức nhà nước đã cứu xét việc cải cách thể chế đảng và nhà nước bằng cách sát nhập nhiều bộ và đảng ủy.
Các đề nghị cải cách được đưa ra vào một thời điểm đang có những chuyển biến nhanh tại Việt Nam, với nền kinh tế tăng trưởng hàng thứ nhì tại Đông Á và vừa gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.
Ban chấp hành trung ương Đảng với 160 thành viên đã đồng ý về một chính sách chuyển các danh nghiệp làm kinh tế của các cơ quan đảng, quân đội, công an sang cơ quan nhà nước quản lý kể từ năm 2007.
Các đề nghị cải cách sẽ được cứu xét tại hội nghị trung ương 5 dự trù được triệu tập trước cuộc bầu cử Quốc hội ngày 20 tháng 5.
Bản tin của AFP ghi nhận lời ông Lê Đăng Doanh, một nhà kinh tế học kỳ cựu của Bộ Kế Hoạch và Đầu tư hôm thứ ba nói rằng đây là một dấu hiệu tiến bộ. Nhưng ông nói thêm rằng cho đến giờ vẫn chưa có chi tiết về những thay đổi được đề xuất.
Quân đội Việt Nam hiện đang làm chủ nhiều công ty hàng đầu, trong đó có công ty viễn thông Viettel, ngân hàng thương mại cổ phần quân đội, các tổng công ty xây dựng Thăng Long và Trường Sơn, và công ty đóng tầu Ba Son.
Đảng cộng sản, Mặt trận Tổ quốc và các lực lượng công an cấp tỉnh và huyện cũng tham gia các hoạt động kinh doanh như khách sạn và các công ty sản xuất hay xuất nhập khẩu.
Một nhà ngoại giao tây phương cho rằng quyết định buộc các cơ chế này rũ bỏ các quyền lợi kinh doanh sẽ là một bước đáng hoan nghênh hướng tới trong con đường đưa Việt Nam tiến tới một nền kinh tế hòa nhập bình thường với một nền kinh tế thị trường lành mạnh.
Nhà ngoại giao không muốn tiết lộ danh tính này nói rằng đây không phải là một bất ngờ. Những bước tương tự cũng đã được thực hiện nhiều năm trước đây tại đại lân bang phía bắc là Trung quốc.
Tuy nhiên, nhà ngoại giao này cảnh báo rằng cho dù nhà nước xúc tiến kế hoạch thì vẫn còn phải chờ xem tiến trình này được thực hiện ra sao trên thực tế, và chung cuộc ai sẽ là người kiểm soát các quyền lợi kinh doanh.