Đường dẫn truy cập

Những thành quả đáng chú ý của hội nghị thượng đỉnh ASEAN


Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 12 và hội nghị thượng đỉnh Đông Á lần thứ nhì đã chính thức bế mạc chiều ngày thứ hai, sau bảy ngày hội họp ở Philippin.

Phát biểu hôm thứ hai tại lễ khai mạc hội nghị thượng đỉnh Đông Á, tổng thống Gloria Arroyo nói rằng tổ chức ASEAN đã qui tụ tại hội nghị này các nhà lãnh đạo của nhiều nước trên thế giới để thảo luận về hòa bình, an ninh, công bằng xã hội, và tăng trưởng kinh tế; và điều này chứng tỏ ước nguyện tăng cường hợp tác của người dân các nước.

Nhà lãnh đạo Philipin bày tỏ hy vọng rằng các nước Đông Á sẽ đạt được tiến bộ trong các vấn đề độc lập năng lượng, nhân quyền, hội nhập kinh tế và công bằng xã hội.

Nhà lãnh đạo Philipin tuyên bố như thế sau khi hàng loạt những cuộc họp thượng đỉnh, được thực hiện trong gần một tuần lễ, giữa 10 nhà lãnh đạo của khối ASEAN và các nước đối tác đối thoại đã đạt được một số thành quả đáng khích lệ. Điều này làm giảm bớt phần nào sự gay gắt của những lời chỉ trích nói rằng hội nghị ASEAN chỉ là nơi đưa ra những tuyên ngôn, tuyên bố suông mà không có giá trị thực tế nào.

Một số người lâu nay vẫn cho rằng ASEAN “sắp vào viện bảo tàng” bây giờ đã cảm thấy lạc quan đôi chút sau khi Tuyên bố Cebu về lam đồ hiến chương ASEAN được các nhà lãnh đạo ký kết hôm thứ bảy. Một trong những điểm nổi bật nhất của văn kiện này là các nước hội viên có thể bị trừng phạt, như bị tạm thu hồi tư cách hội viên hoặc bị trục xuất, nếu không tuân thủ những qui định của ASEAN hoặc không thực thi những chính sách do hiệp hội này đề ra. Nếu được ký kết vào tháng 11 năm nay tại Singapore như dự kiến, hiến chương này cũng giúp cho việc làm ra quyết định được dễ dàng hơn nhờ vào một hệ thống bỏ phiếu chứ không còn cần có sự đồng thuận của các nước hội viên như trong gần 40 năm qua.

Về mặt công bằng xã hội, Tuyên bố Cebu về bảo vệ và thăng tiến quyền lợi người lao động nhập cư cũng nhận được sự tán thưởng của nhiều người. Giờ đây, các nước xuất khẩu lao động như Philipin, Indonesia, Việt Nam có thể dựa vào những nguyên tắc đề ra trong tuyên bố này để đòi hỏi các nước tiếp nhận lao động như Singapore và Malaysia bảo vệ những quyền lợi của hàng triệu người phải rời khỏi quê hương để mưu sinh ở nước ngoài.

Công cuộc hợp nhất kinh tế cũng đạt được tiến bộ khả quan qua thỏa thuận đạt được với Trung Quốc hôm chủ nhật. Các nước ASEAN và Trung Quốc đồng ý hình thành khu mậu dịch tự do lớn nhất thế giới vào năm 2010. Bốn nước kém phát triển hơn trong khối ASEAN, Việt nam, Lào, Kampuchia và Miến Điện, được dành thêm thời hạn chuyển tiếp để hoàn tất việc xây dựng khu mậu dịch tự do này vào năm 2015.

Hội nghị thượng đỉnh Đông Á đã bế mạc vào trưa thứ hai với việc ký kết Tuyên bố Cebu về an toàn năng lượng. Qua văn kiện này, 16 nhà lãnh đạo đồng ý xem xét về khả năng xây dựng kho dự trữ năng lượng khu vực, xây dựng một tiêu chuẩn chung cho nhiên liệu sinh học, và tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc mua bán loại năng lượng mới này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG