Đường dẫn truy cập

Đặc sứ cao cấp của LHQ sẽ đi Miến Ðiện


Đặc sứ cao cấp của Liên Hiệp Quốc, ông Ibrahim Gambari, sẽ thực hiện chuyến viếng thăm thứ nhì của ông tới Miến Điện, và các nhà lãnh đạo quân nhân nước này đã hứa cho ông được gặp lãnh tụ phe dân chủ đối lập, bà Aung San Suu Kyi.

Theo tường thuật của thông tín viên Roger Wilkison gởi về từ Văn phòng Đông Nam Á của đài VOA thì chuyến viếng thăm Miến Điện của ông Gambari sẽ diễn ra hai tháng sau khi Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đưa vấn đề thành tích nhân quyền của Miến Điện vào nghị trình của hội đồng.

Hồi đầu tuần này, Liên Hiệp Quốc tuyên bố rằng họ muốn thấy tập đoàn quân nhân cầm quyền tại Miến Điện thực hiện những biện pháp cụ thể về cải thiện nhân quyền, cải tổ dân chủ và hòa giải quốc gia.

Hồi tháng Chín vừa qua, Hoa Kỳ đã thành công trong việc đưa vấn đề thành tích nhân quyền của Miến Điện vào nghị trình của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Nhưng, tập đoàn quân nhân Miến Điện, vốn đã cai trị nước này suốt 44 năm nay, vẫn không đếm xỉa tới những lời chỉ trích và khuyến cáo của Liên Hiệp Quốc.

Chính phủ Miến Điện cho hay là đã mời ông Ibrahim Gambari tới thăm nước họ, nhưng chưa rõ là ông có thể đạt được những gì trong bốn ngày viếng thăm Miến Điện.

Trong chuyến viếng thăm Miến Điện đầu tiên hồi tháng Năm, ông Bambari đã được phép gặp bà Aung San Suu Kyi, và ông đã trở thành người nước ngoài đầu tiên được gặp bà trong vòng hai năm nay. Theo Liên Hiệp Quốc cho biết thì ông Gambari đã được hứa hẹn là sẽ lại được gặp bà Aung San Suu Kyi trong chuyến viếng thăm lần này.

Đảng Liên Minh Toàn Quốc Đấu Tranh cho Dân Chủ của bà Aung San Suu Kyi thắng lớn trong cuộc bầu cử năm 1990 nhưng tập đoàn quân nhân nước này đã từ chối không giao quyền cho bà, và bà Aung San Suu Kyi đã bị giam giữ tại nhà trong hầu hết thời gian từ đó tới nay.

Bà Debbie Stothard, người đại diện cho một tổ chức phi chính phủ được gọi là Mạng lưới ASEAN tại Miến Điện, hy vọng rằng chuyến viếng thăm của ông Gambari có thể đem đến một vài thay đổi. Bà Stothard nói rằng, Miến Điện phải phóng thích tất cả các tù nhân chính trị, chấm dứt việc đàn áp các sắc tộc thiểu số và mở cuộc đối thoại với các tổ chức dân sự.

Chế độ quân nhân mời ông Gambari lần này chủ yếu là vì họ hết sức lo ngại trước sự kiện là giờ đây Miến Điện đã bị chính thức đưa vào nghị trình của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Hội Đồng Bảo An có nhiều sức mạnh để tác động tới chế độ quân nhân Miến Điện và ta có thể tin tưởng rằng Hội Đồng Bảo An sẽ làm tất cả những gì có thể làm được để áp dụng đạo luật về nổi loạn đối với chế độ quân nhân Miến Điện.

Bà Stothard gọi chế độ quân nhân Miến Điện là một mối đe dọa cho nền an ninh trong vùng. Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, ông John Bolton, cũng lý luận rằng các vụ buôn lậu ma túy, làn sóng người tỵ nạn, các vụ vi phạm nhân quyền và đà lây lan của virut HIV khiến Miến Điện trở thành một mối đe dọa cho nền hòa bình thế giới.

Nhưng Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, ông Vương Quang Á gọi những lời cáo buộc như vậy là phi lý. Trung Quốc cùng với Nga và Ấn Độ cung cấp viện trợ và giao dịch thương mại với Miến Điện khiến chế độ quân nhân nước này có thể tránh được ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt của quốc tế.

Một nhà ngoại giao Liên Hiệp Quốc nói rằng, việc đặt Miến Điện vào nghị trình của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc cho Hoa Kỳ và các nước khác một cơ hội đưa ra những chỉ trích chính phủ quân nhân ở mức cao nhất, mặc dầu không chắc rằng Hội Đồng Bảo An, trong đó có Trung Quốc, có thể áp dụng biện pháp cụ thể nào đối với chế độ này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG