Giới trung lưu ở Việt Nam bắt đầu ưa chuộng chủ nghĩa tư bản. Đó là nhận định được nêu ra trong bài viết của một ký giả Reuters. Các gia đình đến ăn ở những nhà hàng tráng lệ, các nhà kinh doanh mua xe loại sang, hay mọi người mua sắm các mặt hàng cao cấp, nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô Hà Nội, rõ ràng là biểu hiện cho một xã hội tiêu thụ.
Khó mà đo lường được sự giầu có của giới trung lưu bởi vì Việt Nam chủ yếu là một nền kinh tế tiền mặt và hệ thống thuế thu nhập còn trong giai đoạn ấu trĩ.
Nhưng càng ngày con em của giới trung lưu càng ăn thực phẩm Tây phương nhiều hơn, dùng điện thoại di động và Internet nhiều hơn. Họ cũng đăng ký học tại các trường Quốc tế mà cho đến gần đây chỉ dành cho người nước ngoài.
Nhóm này thường được mệnh danh là “con cán bộ”, là con cái của những cặp vợ chồng có liên hệ với giới cầm quyền hay của các doanh nhân mà kỹ năng kinh doanh trong nền kinh tế mới đã hoàn toàn biến đổi lối sống của bà con họ hàng.
Các nhà nghiên cứu thị trường nhận thấy rằng thu nhập bình quân của mỗi gia đình ở thành phố Hồ chí Minh ở vào khoảng 2400 đôla một năm, cao gấp 3 lần so với số thu nhập bình quân ở cả nước là 720 đôla trong năm nay.
Ngược lại, hơn 70% trong khối dân 84 triệu sống ở vùng nông thôn và làm việc trong ngành nông nghiệp, ở một số nơi vẫn chật vật mới kiếm được 1 đôla mỗi ngày.
Ngay tại Hà Nội, người ta vẫn thấy những phụ nữ lam lũ buôn gánh bán bưng rau quả.
Mặt khác, thì số bán xe hơi vẫn tiếp tục gia tăng, mặc dù Việt Nam là một trong những nơi bán xe hơi với giá cao nhất, vì mức thuế nhập lên tới 90%. Các siêu thị lớn như Metro của Đức và Big-C của Pháp vào cuối tuần tràn ngập người mua bán.
Nhiều nhà quan sát cho rằng với hiệp định thương mại Việt Mỹ vừa được ký kết hồi tháng 5, chẳng bao lâu giới thanh niên trung lưu của Việt Nam sẽ nhâm nhi cà phê Starbucks và ăn tại các cửa hàng McDonald’s giống như đám trẻ tại Bangkok và Hong Kong.