Lời Dẫn: Hơn 2000 thanh thiếu niên đến từ 31 quốc gia đã được trao bài tập để làm ở nhà: hãy thay đổi thế giới! Đó là bài tập mà 10 khôi nguyên Giải Nobel Hòa Bình đã ra cho giới trẻ tham gia buổi sinh hoạt Peace Jam, có mục đích cổ võ cho những thay đổi xã hội, diễn ra tại thành phố Denver mới đây. Peace Jam là sinh hoạt đã quy tụ được nhiều khôi nguyên Giải Nobel Hòa Bình nhất, so với bất kỳ sinh hoạt nào khác từng diễn ra trên lãnh thổ Hoa Kỳ.
Các vị khôi nguyên Giải Nobel đã nắm lấy cơ hội để chỉ trích nước chủ nhà, Hoa Kỳ, và kêu gọi giới trẻ hằng hâm mộ họ, hãy tạo ra một tương lai tươi sáng hơn qua những dấn thân phục vụ của chính cá nhân mình. Mời quý vị nghe Hoài Hương trình bày bài tường trình về buổi sinh hoạt Peace Jam do Thông tín viên Nancy Greenleese gửi về từ Denver:
Đối với giới học sinh, các bài tham luận phải trình bày trước cả lớp bao giờ cũng khó, nhưng hãy tưởng tượng là hiện diện ngay trong lớp học, có một vị giám mục đã từng tiếp tay chấm dứt chế độ kỳ thị chủng tộc tại Nam Phi.
Nhưng bất chấp những khó khăn, từng toán học sinh đã bình tĩnh nối tiếp nhau xuất hiện trước Đức Tổng Giám Mục Desmond Tutu taị Đại Học Denver, để trình bày chi tiết các kế hoạch nhằm cung cấp nước sạch cho các ngôi làng ở Trung Mỹ, hay kế hoạch giữ trẻ hộ các công nhân di dân, hoặc nữa, làm thế nào giảm thiểu lòng tham trong giới thanh thiếu niên cùng thế hệ.
Học sinh ANDERSON: Chúng tôi là học sinh Trường Trung Học Carver tai thành phố Memphis, bang Tennessee, và chúng tôi đã quyết định chọn đề tài bàn về Chủ Nghĩa Vật Chất bởi vì đây là một vấn đề lớn, và là nguyên nhân đã khiến một số thanh thiếu niên đi vào con đường ma túy, rồi bỏ học.
Devon Anderson, một nam sinh 17 tuổi, và các bạn cùng toán đã dựng lên một tấm bảng có nhiều mầu sắc để dùng trong phần trình bày. Bảng này phác họa ra kế hoạch nhằm giáo dục và thuyết phục các thanh niên cùng thế hệ qua trung gian những tấm poster và các buổi trình diễn kịch nghệ. Tấm bảng còn trưng ra một số hình ảnh thể hiện rõ tính chất thương mại lộ liễu nhan nhản trong xã hội. Anderson chỉ vào một tấm ảnh trong một tạp chí chụp cảnh một ngôi sao trong làng bóng rổ được vây quanh bởi hàng trăm đôi giầy thể thao.
ANDERSON: Và đây là tấm ảnh của cầu thủ mà tôi ái mộ nhất, - Dwayne Wade! Anh làm gì với tất cả 500 đôi giầy cơ chứ? Anh chỉ có một đôi chân mà thôi!
Đức Giám mục Tutu mỉm cười gật gù trong khi các học sinh lần lượt trình bày bài tham luận của họ. Sau đó, vị giám mục đến từ Nam Phi nói ông lấy làm kinh ngạc về những dự án của các em học sinh. Peace Jam, một đoàn thể nhỏ nhưng đầy cao vọng do một cặp vợ chồng ở Denver điều hành, đã thành công trong việc thuyết phục Tổng Giám Mục Desmond Tutu cùng 9 khôi nguyên Giải Nobel Hòa Bình khác đến thành phố Denver để động viên các học sinh từ khắp nước Mỹ đến tham dự buổi sinh hoạt Peace Jam. Các nhà hoạt động tích cực từng đoạt giải Nobel Hòa Bình đã thân mật trao đổi với những người trẻ tuổi, trong khi gieo sâu vào đầu óc các em nhu cầu cần phải chất vấn hiện trạng của tất cả mọi việc.
Bà MAGUIRE: Chúng ta có thể tạo ra một thế giới không bạo động, không có giết chóc hay không?
Vâng, tạo ra một thế giới không bạo động là điều khả thi, nếu những người trẻ tuổi trên khắp thế giới đồng tâm hiệp lực để tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn bây giờ.
Bà Mairead Corrigan Maguire, một phụ nữ nhỏ bé đã có cháu ngoại, được học sinh nồng nhiệt đón tiếp, lối nghênh đón thông thường vẫn dành cho các ngôi sao trong làng nhạc rock đến trình diễn tại hội trường thể thao của viện Đại Học Denver. Bà Maguire, một nhà hoạt động tích cực từ Bắc Aùi Nhĩ Lan, đã mất 3 người thân cho bạo động. Bà kêu gọi đám đông hãy dồn nỗ lực làm việc để tranh đấu cho công bằng xã hội và cho các quyền làm người. Đây là một trong 10 vấn đề toàn cầu cấp bách nhất mà bà Maguire và các khôi nguyên Giải Nobel Hòa Bình khác yêu cầu giới thanh thiếu niên tiếp tay với họ tranh đấu để đi đến thắng lợi. Những vấn đề khác gồm có nạn kỳ thị chủng tộc, nạn nghèo đói, các hoạt động buôn bán vũ khí, một lĩnh vực mà theo lời Đức Tổng Giám Mục Desmond Tutu, sự can thiệp của Hoa Kỳ có thể mang lại kết quả.
Tổng Giám Mục Tutu: Người Mỹ quý vị là một trong những dân tộc có tính hào phóng đáng nể nhất. Thế có thể nào, có cách nào quý vị có thể xuất khẩu tính hào phóng ấy, thay vì xuất khẩu bom đạn hay không?
Các khôi nguyên Giải Nobel Hòa Bình thường xuyên đả kích chính phủ Hoa Kỳ và chính quyền của Tổng Thống Bush về việc can dự vào chiến tranh Iraq, và một số hành động bị tố cáo là vi phạm các quyền của những người tù tại Guantanamo. Một số khôi nguyên Giải Nobel, kể cả Đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ tinh thần của nhân dân Tây Tạng, nói Hoa Kỳ và Israel nên cưú xét đến chuyện đàm phán với các kẻ thù của mình. Cô Jody Williams, một nhà hoạt động tích cực chống mìn bẫy, là khôi nguyên Giải Nobel người Mỹ duy nhất có mặt trong sinh hoạt Peace Jam. Trước cử tọa, cô Williams nói rằng than van hay kêu ca chẳng thay đổi được bất cứ điều gì.
Cô WILLIAMS: Các em đừng đến nói với tôi rằng các em thật sự lo âu về hiện tượng tăng nhiệt toàn cầu, về tình trạng bất bình đẳng giới tính, hay quyền của giới đồng tính luyến ái, bởi vì tôi sẽ hỏi ngược lại: các em đã làm gì về những vấn đề mà các em quan tâm đến dường ấy? Mỗi người bạn của tôi ở đây cũng sẽ đặt cùng câu hỏi ấy với các em.
Cô Wiliams nói thay vào đó, giới trẻ hãy đứng lên và hành động.
Cô WILLIAMS: Hòa bình không phải là một chiếc cầu vòng ở nơi xa xôi kia, hòa bình cũng không phải là những bài ca hòa bình, hay những bài thơ của BAAAD. Đó không phải là hòa bình. Khi nói đến một thế giới khác, một tình trạng an ninh toàn cầu khác, chúng ta nói đến những phấn đấu cam go và tận lực làm việc. Như mỗi người và tất cả các khôi nguyên Giải Nobel đã nói: cốt yếu nhất là phải tận lực làm việc.
Hơn nữa, thực hiện công việc ấy có thể nguy hiểm, như cô Ana Beatriz Soto-Ostos hiểu rất rõ. Cô Ostos, một thiếu nữ 18 tuổi đến từ Las Cruces, bang New Mexico, nói những phần tử xấu trong các băng đảng đã gây nhiều phiền toái cho cô vì cô cổ võ cho hòa bình. Cô Ana Ostos sẽ rời buổi sinh hoạt Peace Jam mang theo một thông điệp của Đức Đạt Lai Lạt Ma, rằng đôi khi bạo động là hành vi thích ứng khi chúng ta bị buộc vào thế phải tự vệ, với điều kiện là sau đó, chúng ta phải tìm cách cảm hóa những kẻ đã tấn công chúng ta.
Cô OSTOS: Hãy tấn công họ bằng lời nói, hãy gây ấn tượng với những gì chúng ta nói với họ, bởi vì lời nói có thể đeo đuổi họ suốt đời, trong khi một vết thương rồi sẽ lành lặn, và họ sẽ quên nó đi.
Các thanh thiếu niên tham dự buổi sinh hoạt Peace Jam khó có thể quên được những câu chuyện và những lời khuyên nhủ của các khôi nguyên Giải Nobel Hòa Bình, là những nhân vật mà họ hằng ái mộ. Có thể, một số các em sẽ dán hình lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma, hay ảnh của nhà hoạt động bênh vực quyền người thổ dân Rogoberta Menchu Tum lên tủ riêng của mình ở trường học. Cô Teri Andony ở Lafayette thuộc bang Colorado, giương lên một tấm bảng tiết lộ thần tượng của cô: Đức Tổng Giám Mục Desmond Tutu của Nam Phi.
Cô ANDONY: Trông họ thần thánh và vĩ đại làm sao, đến khi được gặp họ bằng xương bằng thịt, thì họ là những người bình thường, nhưng cùng lúc họ gợi cho tôi nhiều hứng khởi, bởi vì bây giờ, tôi nhận thức được rằng chính tôi một ngày nào đó, cũng có thể trở nên một nhân vật vĩ đại như vậy, và đó là một giấc mơ không đến nỗi quá xa vời.
Những người trẻ tuổi tham dự buổi sinh hoat Peace Jam đã chập chững bước đầu tiên trên con đường thực hiện được giấc mơ của mình qua cam kết của các em trước các bạn đồng học và một vị khôi nguyên Giải Nobel, rằng các em sẽ hoàn tất dự án vừa trình bày. Kể từ khi tổ chức phi chính phủ Peace Jam được phát động cách đây một thập niên, hầu hết tất cả mọi tham dự viên đều hoàn tất dự án của mình. Những người tổ chức giải thích rằng lý do là vì không ai muốn đối mặt với tình thế phải nói dối với một khôi nguyên Giải Nobel Hòa Bình.