Đường dẫn truy cập

Di sản của cuộc chiến tranh Việt Nam


Lâu nay hóa chất màu da cam vẫn là 1 đề tài nhạy cảm về mặt ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Trong khi Việt Nam nói rằng thuốc khai quang do Hoa Kỳ sử dụng tại Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tật cho hàng triệu người thì các giới chức Hoa Kỳ vẫn tiếp tục đặt nghi vấn về sự liên hệ giữa hóa chất màu da cam với các bệnh tật của những người tiếp cận với hóa chất này trong thời kỳ chiến tranh và cả những người ra đời sau khi chiến tranh kết thúc. Tuy nhiên trong những tháng gần đây vấn đề này đã bắt đầu bước sang 1 giai đoạn mới khi các giới chức Hoa Kỳ và Việt Nam nói rằng có thể trong những tháng tới 2 nước sẽ bắt đầu thảo luận về việc làm sạch những khu vực có chất độc Dioxin trong thuốc khai quang. Mời quí vị theo dõi một số chi tiết về sự kiện này do Trần Nam lược thuật theo các tin tức vừa được báo chí Hoa Kỳ loan tải trong tuần này:

Mặc dù chiến tranh Việt Nam đã kết thúc cách đây hơn 30 năm và 2 nước đã có những mối quan hệ tốt đẹp về mặt ngoại giao và kinh tế nhưng hóa chất màu da cam trong thuốc khai quang do Hoa Kỳ sử dụng trong thời kỳ chiến tranh tại Việt Nam vẫn là 1 vấn đề rất phức tạp, và đôi bên vẫn chưa tìm được 1 phương cách nào để giải quyết 1 cách thỏa đáng những hậu quả của loại hóa chất này đối với môi trường và sức khỏe của con người.

Theo ước tính thì từ năm 1962 đến năm 1971, các phi cơ của quân đội Hoa Kỳ đã rải khoảng 70 triệu lít thuốc khai quang trong khuôn khổ của 1 chiến dịch nhằm làm trụi lá những khu rừng rậm rạp tại miền Nam để cho du kích quân Cộng Sản không thể dùng những khu vực này làm nơi ẩn náu để tấn công vào các lực lượng Hoa Kỳ và quân đội miền Nam. Tuy nhiên vào năm 1971 thì quân đội Mỹ đã được lệnh ngưng sử dụng loại thuốc khai quang này sau khi các nhà khoa học Mỹ nhận thấy rằng trong thuốc khai quang có một dạng hóa chất Dioxin nguy hiểm có thể gây dị tật bẩm sinh, và sau khi các nhà khoa học Việt Nam và Hoa Kỳ báo cáo về sự gia tăng những chứng bệnh không thể giải thích được trong số các binh sĩ và thường dân từng hiện diện trong những vùng bị rải thuốc khai quang.

Về phía Việt Nam, người ta tin rằng có cả triệu người đã bị ảnh hưởng của hóa chất màu da cam. Còn theo ước tính của Viện Nghiên Cứu Quốc Gia Khoa Học tại Hoa Kỳ thì có đến 4 triệu 500 ngàn người có thể đã có mặt tại một số địa phương bị rải thuốc khai quang trong thời kỳ chiến tranh.

Trong 1 hội nghị 4 ngày tại Hà Nội vào tháng 3 năm 2002, 1 nhóm các công ty tư vấn của Việt Nam và Canada đã tiết lộ các dữ kiện nghiên cứu cho thấy rằng chất độc Dioxin trong thuốc khai quang vẫn tiếp tục làm ô nhiễm đất đai, thực phẩm và các nguồn nước tại một số địa điểm trước đây được dùng để tồn trữ loại hóa chất này trong thời kỳ chiến tranh.

Một số chuyên gia cho rằng chẳng những binh sĩ và thường dân tiếp cận với hóa chất này trong thời kỳ chiến tranh bị ảnh hưởng của thuốc khai quang mà những trẻ em ra đời sau khi chiến tranh kết thúc cũng đã bị bệnh tật hoặc dị tật bẩm sinh. Dù vậy theo các nhà nghiên cứu thì cho đến nay vẫn chưa có ai biết một cách chính xác là trong số này có bao nhiêu người là nạn nhân của hóa chất Dioxin. Do đó hậu quả của thuốc khai quang vẫn còn là 1 vấn đề rất phức tạp và đòi hỏi những cuộc nghiên cứu lâu dài để đi đến 1 kết luận chính xác. Cho đến nay Washington vẫn không chấp nhận bất cứ trách nhiệm nào về di sản độc hại này tại Việt Nam.

Cũng trong hội nghị năm 2002 tại Hà Nội, các giới chức Hoa Kỳ và Việt Nam đã ký 1 thỏa thuận hợp tác trong những cuộc nghiên cứu sau này về hóa chất màu da cam, theo đó Washington hứa sẽ cung cấp cho các nhà khoa học Việt Nam 1 số phương tiện để nghiên cứu cũng như những khuyến nghị về kỹ thuật trong cuộc nghiên cứu này, nhưng Hoa Kỳ đã không có những cam kết nào trong việc giúp đỡ trực tiếp để dọn sạch những nơi bị ô nhiễm vì hóa chất Dioxin.

Tuy nhiên trong những tháng gần đây các giới chức Việt Nam và Hoa Kỳ nói rằng có lẻ trong những tháng tới đôi bên sẽ bắt đầu thảo luận về việc dọn sạch một số địa điểm bị nhiễm Dioxin nhiều nhất mà trước tiên là căn cứ không quân củ của Hoa Kỳ tại Đà Nẵng, thành phố lớn vào hàng thứ tư của Việt Nam với dân số hơn 1 triệu người.

Theo các nhà khoa học thì ngoài Đà Nẵng còn có những thành phố khác cũng được xem là điểm nóng là Phù Cát trong tỉnh Bình Định và Biên Hòa thuộc tỉnh Đồng Nai. Đây là những địa phương mà trong thời kỳ chiến tranh đã được dùng làm căn cứ quân sự và là nơi tồn trữ hóa chất màu da cam.

Hiện nay Biên Hòa, cách Saigon khoảng 40 kilomet về phía Bắc với dân số khoảng 500 ngàn người, là 1 thành phố phát triển rất mạnh về mặt công nghiệp. Tuy nhiên phi trường quân sự Biên Hòa cũng như những ao hồ và đất đai chung quanh đó đều là những nơi có nhiễm chất độc Dioxin.

Các giới chức hữu trách tại Việt Nam đã khuyến cáo người dân sống gần căn cứ quân sự này không nên dùng nước trong các ao hồ gần phi trường, và không nên ăn cá hay trồng các loài rau quả trên những khu vực được xem là còn có nhiều hóa chất Dioxin.

Theo 1 cuộc nghiên cứu của Việt Nam và của các nhà khoa học Canada thuộc cơ quan tham vấn môi trường Hatfield ở West Vancouver, thì mức độ Dioxin trong đất ở Biên Hòa là cao gấp trăm lần so với mức độ có thể chấp nhận được tại các nước khác. Ông Lê Kế Sơn, 1 khoa học gia của Bộ Tài Nguyên và Môi Trường Việt Nam và cũng là giám đốc Ủy Ban 33, 1 cơ quan qui tụ các chuyên gia Việt Mỹ đặc trách công tác nghiên cứu về hậu quả của chất độc Dioxin, nói rằng ông muốn công việc dọn sạch tại những nơi được gọi là điểm nóng này sẽ hoàn tất trong vòng 5 năm tới đây. Ủy Ban này đã họp lần đầu tiên trong tháng 6.

Một số nhà quan sát tin rằng vấn đề hóa chất màu da cam có thể sẽ được nêu lên khi Tổng Thống Bush đến Việt Nam vào tháng 11 tới đây để dự hội nghị thượng đỉnh của Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Á Châu Thái Bình Dương gọi tắc là APEC tại Hà Nội.

Tuy nhiên đây cũng là 1 vấn đề nhạy cảm về mặt pháp lý vì một nhóm các nạn nhân của hóa chất này đã đệ đơn kiện 37 công ty hóa chất của Mỹ tại 1 tòa án Liên Bang Hoa Kỳ. Đơn kiện này đã bị bác trong tháng 3 năm 2005, và nhóm này đã đệ đơn kháng án.

Trong quá khứ, các nhóm cựu chiến binh của Mỹ, Australia, New Zealand và Nam Triều Tiên từng phục vụ trong chiến tranh Việt Nam và tiếp cận với hóa chất này, đã kiện chính phủ của họ và đã thành công phần nào trong việc được hưởng một số dịch vụ y tế. Riêng tại Hoa Kỳ khoảng 6 ngàn cựu quân nhân Mỹ trong chiến tranh Việt Nam đã được chính phủ trả tiền chi phí thuốc men để chữa trị những chứng bệnh được xem là có liên quan đến hóa chất màu da cam.

Mặc dù chính phủ Hoa Kỳ không trực tiếp tài trợ cho một chương trình nào có tính cách bồi thường nhưng trong những năm qua, một số tổ chức tư nhân của Mỹ đã tiếp tay vào việc xoa dịu những vết thương của chiến tranh.

Ngoài những cơ quan từ thiện, Quỹ Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ, một tổ chức phi chính phủ, đã cung cấp những kiến thức chuyên môn liên quan đến Dioxin, và Quỹ Ford, gồm các nhà hảo tâm của Mỹ đã tài trợ cho những cuộc nghiên cứu về việc cải thiện môi trường và sức khỏe tại Việt Nam.

Và mới đây nhất, lần đầu tiên, Chương trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc tại Hà Nội đã đề nghị thành lập 1 quỹ tín thác để các nhà hảo tâm quốc tế, các công ty và các chính phủ có thể đóng góp tiền bạc cho các công tác cải thiện tình trạng môi trường và y tế liên quan đến chất độc Dioxin.

Các giới chức hữu trách tại những nơi chăm sóc hoặc nuôi dưỡng các nạn nhân của hóa chất Dioxin đã hoan nghênh mọi nỗ lực nhằm hàn gắn những vết thương chiến tranh, chẳng những cho những người từng có mặt trong cuộc chiến đó mà cho cả những người ra đời sau khi chiến tranh kết thúc.

Di sản đau buồn của chiến tranh Việt Nam đang được Hoa Kỳ và Việt Nam, hai nước cựu thù trong một cuộc chiến gây thiệt mạng cho hàng triệu người của cả đôi bên, tìm cách đẩy lùi vào quá khứ để tiến đến một tương lai của hợp tác và phát triển. Và đây là phương cách mà người ta cho rằng tốt nhất để giúp cho một nước nghèo như Việt Nam có thể cải thiện đời sống của người dân, trong đó có các nạn nhân của những hóa chất độc hại và bom đạn còn sót lại từ thời kỳ chiến tranh.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG