Đường dẫn truy cập

Mỹ-Nhật hợp tác để thực thi các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên


Nhật Bản và Hoa Kỳ cho biết họ sẽ cùng nhau hợp tác để nhanh chóng thực thi các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Condoleezza Rice đã thảo luận về vấn đề này với đối tác của bà tại Tokyo.

Phát biểu trước các phóng viên sau buổi gặp này, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Condoleezza Rice và Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Aso cho biết họ sẽ cùng nhau hợp tác để nhanh chóng thực hiện một cách hiệu quả các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đối với Bắc Triều Tiên. Các biện pháp trừng phạt này cấm các hoạt động thương mại có thể giúp cho chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Những chính trị gia đối lập của Nhật Bản đã phản đối ý tưởng về việc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản hỗ trợ các lực lượng Hoa Kỳ trong việc kiểm tra các tàu thuyền của Bắc Triều Tiên có khả năng chuyên chở hàng hóa bị cấm.

Tuy nhiên Bà Rice cho biết Hoa Kỳ không muốn căng thẳng leo thang bằng việc tiến hành những biện pháp ngăn chặn này, một hành động mà Bắc Triều Tiên chắc chắn sẽ coi như một sự khiêu khích. Hôm thứ Ba, Bình Nhưỡng cho biết họ coi các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc là một lời tuyên chiến, và sẽ “đánh trả không thương tiếc” những ai xâm phạm chủ quyền nước này.

Chúng tôi rất muốn điều này được thực hiện một cách hiệu quả và ngay lập tức và muốn kiểm tra một cách kỹ lưỡng các vụ chuyên chở của Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên biện pháp này không phải là một sự phong tỏa hay cách ly. Và vì thế chúng tôi muốn thảo luận chi tiết về vấn đề này. Chúng tôi sẽ thảo luận tại đây và cũng sẽ thảo luận tại những nơi khác nữa.

Những biện pháp khám xét này nằm trong khuôn khổ Sáng kiến Chống Phổ biến vũ khí được bắt đầu từ năm 2003, nhằm ngăn chặn việc vận chuyển vũ khí hủy diệt hàng loạt, hệ thống phân phối và các nguyên liệu sản xuất các loại vũ khí này trên toàn thế giới. Hơn 75 quốc gia đã tham gia vào sáng kiến với mục tiêu hướng tới Bắc Triều Tiên này, trong đó có cả Nhật Bản.

Ngày thứ Năm, bà Rice và ông Aso sẽ tới Hán Thành để thảo luận ba bên với Ngoại Trưởng Nam Triều Tiên Ban Ki-Moon. Sau đó theo lịch trình bà Rice sẽ tới thăm Bắc Kinh và Moscow.

Đáp ứng của Trung Quốc được coi là vô cùng quan trọng trong việc tăng cường thực thi nghị quyết đã được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua. Tuy nhiên Bắc Kinh đã đưa ra những thông điệp khác nhau về mức độ mạnh mẽ của các biện pháp trừng phạt mà nước này sẽ áp dụng đối với Bình Nhưỡng, một đồng minh lâu đời của họ.

Nền kinh tế yếu kém của Bắc Triều Tiên phụ thuộc vào Trung Quốc như một nước cung cấp lương thực và năng lượng chính.

Sớm hôm nay, Ngoại Trưởng Aso đã trở thành chính trị gia bảo thủ gần đây nhất trong Đảng Dân chủ Tự do gợi ý rằng Nhật Bản nên bắt đầu thảo luận xem liệu có nên phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình hay không. Tuy nhiên khi đứng bên Ngoại trưởng Rice, ông Aso đã phủ nhận những cuộc thảo luận như vậy và nói rằng đó là vấn đề mà đã từ lâu giới truyền thông nước ngoài nhắc đến.

Ông Aso cũng nói rằng chắc chắn là khả năng chính phủ thay đổi chính sách không sở hữu vũ khí hạt nhân lâu đời của Nhật Bản là không thể xảy ra.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG