Đường dẫn truy cập

Nam Triều Tiên muốn ngăn miền Bắc xuất khẩu nguyên liệu hạt nhân


Tuyên bố thử nghiệm hạt nhân tuần này của Bắc Triều Tiên đã làm rung chuyển chính trường Nam Triều Tiên. Chính phủ miền Nam cho biết họ có thể sẽ tham gia vào nỗ lực nhằm ngăn chặn miền Bắc không xuất khẩu nguyên liệu hạt nhân. Tuy nhiên, các nhà chỉ trích cho rằng ý tưởng này quá mạo hiểm.

Sáng kiến An Ninh Cấm Phổ Biến Vũ Khí Hạt Nhân, được biến đến với tên gọi P.S.I, là một liên minh quốc tế do Hoa Kỳ đứng đầu nhằm ngăn chặn việc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Trước đây Nam Triều Tiên đã giữ khoảng cách với sáng kiến này, phần lớn do quan hệ nhạy cảm của nước này với Bắc Triều Tiên, nước bị nghi ngờ tham gia buôn bán phi đạn và các loại vũ khí khác.

Tuy nhiên từ khi Bình Nhưỡng tuyên bố họ đã thử nghiệm vụ nổ hạt nhân, chính phủ Nam Triều Tiên bắt đầu muốn tham gia vào sáng kiến này.

Tuần này, Thứ trưởng Ngoại giao Yu Myoung-Hwan nói với các nhà lập pháp rằng Nam Triều Tiên đang có kế hoạch tham gia vào Sáng kiến An ninh Cấm phổ biến Vũ khí hạt nhân trên cơ sở từng phần và từng trường hợp cụ thể. Sáng kiến này bao gồm việc ngăn chặn và khám xét những tàu thuyền bị tình nghi chuyên chở nguyên liệu sản xuất vũ khí.

Chủ tịch đảng Uri của Tổng thống Nam Triều Tiên Roh Moo-hyun, ông Kim Geun-tae, đã phản đối mạnh mẽ việc tham gia vào những hoạt động như vậy.

Ông Kim cảnh báo rằng việc tăng cường tham gia vào Sáng kiến An ninh Cấm phổ biến Vũ khí hạt nhân có thể sẽ châm ngòi cho một cuộc xung đột vũ trang giữa hai miền Triều Tiên.

Người đứng đầu Cơ quan Quốc phòng Nhật Bản Fumio Kyumio cũng đã bày tỏ mối quan ngại tương tự trong một buổi làm việc với các nhà lập pháp nước ông.

Ông nói khó mà biết được Bắc Triều Tiên sẽ phản ứng ra sao đối với việc các tàu chở hàng của họ bị ngăn chặn. Ông cảnh báo rằng một sự phản ứng thù nghịch có thể đe dọa đến hòa bình và an ninh của Nhật Bản.

Một số nhà lãnh đạo Nam Triều Tiên cho rằng Hán Thành không nên đưa ra quyết định về việc tham gia Sáng kiến An ninh Cấm phổ biến Vũ khí hạt nhân cho đến khi nước này xem xét bản thảo nghị quyết cuối cùng của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhằm đáp trả các cuộc thử nghiệm của Bắc Triều Tiên.

Hoa Kỳ dự kiến sẽ đề xuất một bản nghị quyết áp đặt các biện pháp cấm vận vũ khí nghiêm ngặt, trừng phạt tài chính và cấm nhập khẩu hàng hóa cao cấp đối với Bắc Triều Tiên.

Ông Kim Hyong-oh, thành viên cao cấp của đảng đối lập chính ở Nam Triều Tiên nói rằng Hán Thành nên ủng hộ Sáng kiến An ninh Cấm phổ biến Vũ khí hạt nhân càng sớm càng tốt.

Ông Kim nói rằng khó có thể kết hợp cả đối thoại và áp lực, và rằng Nam Triều Tiên cần chọn một trong hai giải pháp. Ông nói, trong điều kiện như vậy, Nam Triều Tiên nên chọn áp lực đối với miền Bắc.

Ông Kim và các lãnh đạo khác thuộc đảng đối lập cho rằng chính sách quan hệ với miền Bắc của Tổng thống Roh quá khoan dung. Tuần này, ông Roh cũng nói chính sách đó cần phải thay đổi.

Hồi đầu tuần ông Alexander Vershbow, đại sứ Hoa Kỳ tại Nam Triều Tiên nói rằng Washington tán thành việc Nam Triều Tiên đóng vai trò tích cực hơn trong việc ngăn chặn các hoạt động của miền Bắc.

Đối với Sáng kiến An ninh Cấm phổ biến Vũ khí hạt nhân, chúng tôi hy vọng rằng việc hợp tác của Nam Triều Tiên có thể trở nên sâu rộng hơn nữa.

Bắc Triều Tiên cảnh báo rằng họ sẽ coi các biện pháp trừng phạt quốc tế là một tuyên bố chiến tranh.

Trong lúc này, ngày hôm nay, thứ Năm, quốc hội Nam Triều Tiên đã thông qua một bản nghị quyết lên án tuyên bố thử nghiệm hạt nhân của miền Bắc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG