Đường dẫn truy cập

Quốc tế tìm cách đáp ứng trước mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên


rung Quốc bác bỏ đòi hỏi của Hoa Kỳ là phải có phản ứng mau chóng của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đối với đe dọa thử nghiệm võ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên và gọi hội nghị sáu nước là biện pháp duy nhất có thể giải quyết được vấn đề.

Nhật Bản và Hoa Kỳ đang gia tăng nỗ lực để thuyết phục Bắc Triều Tiên đừng thực hiện việc thí nghiệm võ khí hạt nhân.

Hôm nay, Chánh văn phòng Phủ Thủ Tướng Nhật, ông Yasuhisa Shiozaki, cho hay Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đang xem xét tới việc gởi một thông điệp mạnh mẽ cho chính phủ Bình Nhưỡng sau khi Bắc Triều Tiên tuyên bố là họ sẽ thực hiện cuộc thí nghiệm một võ khí hạt nhân vào một thời điểm không được xác định trước để tăng cường các biện pháp quốc phòng trước mối đe dọa từ Hoa Kỳ.

Hôm qua, Nhật Bản đã cho luân lưu một bản dự thảo nghị quyết với lời lẽ cứng rắn gởi tới các nước thành viên trong Hội Đồng Bảo An cảnh cáo Bắc Triều Tiên là chớ có thực hiện một cuộc thí nghiệm hạt nhân.

Đồng thời, Trợ lý Ngoại Trưởng Hoa Kỳ, ông Christopher Hill, đặc sứ cao cấp của Hoa Kỳ về vấn đề Bắc Triều Tiên, nói rằng, quốc gia theo đường lối Stalin này sẽ gặp phản ứng mạnh của quốc tế nếu cứ tiếp tục tiến hành kế hoạch thí nghiệm võ khí hạt nhân của họ. Hoa Kỳ đã tuyên bố rằng họ không có ý định tấn công Bắc Triều Tiên.

Các nước thành viên của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đang ra sức tìm cách đáp ứng trước mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Trong khi các giới chức Hoa Kỳ cảnh cáo về hoạt động tại những địa điểm mà Bắc Triều Tiên có thể thí nghiệm võ khí hạt nhân, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, ông John Bolton đã thúc đẩy việc mau chóng đưa ra những biện pháp ngoại giao để gởi tới Bắc Triều Tiên một thông điệp mạnh mẽ.

Tuy nhiên các nước thành viên khác của Hội Đồng Bảo An muốn có một giải pháp thận trọng hơn. Hôm qua, Nhật Bản đưa ra ý kiến về một tuyên bố kêu gọi Bắc Triều Tiên trở lại hội nghị sáu nước đang bị bế tắc để bàn về việc chấm dứt chương trình hạt nhân của họ và cảnh cáo rằng các cuộc thí nghiệm võ khí hạt nhân sẽ gây phương hại cho nền hòa bình trong vùng.

Bắc Triều Tiên đã rời bỏ hội nghị này 13 tháng trước đây, ngoại trừ một cuộc họp ngắn ngủi hồi tháng 11 năm ngoái. Nhưng Đại sứ Nhật Bản tại Liên Hiệp Quốc, ông Kenzo Oshima, người giữ chức chủ tịch hội đồng vào tháng 10 này, nói rằng, chọn lựa duy nhất cho Bắc Triều Tiên là trở lại hội nghị sáu nước.

Tôi nghĩ rằng cách duy nhất để Bắc Triều Tiên tránh khỏi bị quốc tế cô lập là trở lại hội nghị sáu nước.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, ông John Bolton, xuất hiện sau phiên họp đầu tiên trong hai phiên họp ngày hôm qua đã bày tỏ là mất kiên nhẫn trước nhịp độ chậm chạp của các cuộc thảo luận. Ông phàn nàn rằng sự chia rẽ trong các nước thành viên chính của Hội Đồng Bảo An đã làm chậm lại hành động.

Trong lời lẽ thẳng thừng một cách bất thường, ông Bolton đã chỉ trích những nước mà ông gọi là “đỡ đầu cho Bắc Triều Tiên” trong Hội Đồng Bảo An là làm cho hội nghị bị bế tắc. Ông trách cứ Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, ông Vương Quáng Á, là đã không đóng góp được gì đáng kể cho phiên họp buổi sáng.

Đại sứ Vương Quang Á nói rằng, hôm nay ông không nhận được chỉ thị, và vì thế chắc sẽ không có được một đáp ứng ngày hôm nay.

Đặc sứ của Trung Quốc, ông Vương Quang Á, thừa nhận rằng giới lãnh đạo nước ông còn đang nghiên cứu về những đáp ứng có thể đưa ra trước mối đe dọa thí nghiệm hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Nhưng ông bác bỏ đòi hỏi của Hoa Kỳ là phải có các biện pháp ngoại giao cứng rắn và khẳng định sự ủng hộ của chính phủ Bắc Kinh đối với giải pháp hội nghị sáu nước để bàn về chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Ông Vương Quang Á kêu gọi Hoa Kỳ là hãy tỏ ra mềm dẻo hơn trong việc đem chính phủ Bình Nhưỡng trở lại bàn hội nghị. Ông Vương nói:

Nếu có được tiến bộ nào giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên thì có thể bớt đi sự mất tin tưởng lẫn nhau giữa hai nước này và như vậy thì chắc chắn sẽ có được kết quả tốt. Nếu Bắc Triều Tiên chọn một lối giaỉ quyết xây dựng hơn thì có thể có được tiến bộ và nếu Hoa Kỳ cũng bớt cứng rắn hơn trong suy nghĩ của họ thì việc này cũng sẽ giúp giaỉ quyết được vấn đề.

Trước đó, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc cũng bày tỏ nghi ngờ về việc Hội Đồng Bảo An có thể đóng một vai trò trong việc làm dịu bớt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên cho tới khi hội nghị sáu nước được tái tục.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG