Đường dẫn truy cập

Sáng kiến giảm đói nghèo cho Phi Châu của quĩ từ thiện Gates và Rockefeller


Trong tuần qua, Quĩ từ thiện Bill và Melinda Gates và Quĩ Rockefeller, tức là 2 sáng hội từ thiện lớn nhất Hoa Kỳ, đã loan báo một sáng kiến sẽ được thực hiện trong 5 năm trị giá 150 triệu đôla, được đề ra để thực hiện một cuộc cách mạng trong ngành sản xuất lương thực và giảm đói nghèo cho hàng chục triệu người tại Châu Phi. Kế hoạch được gọi là Liên Minh cho Cuộc Cách Mạng Xanh được mô phỏng theo cuộc Cách Mạng Xanh về nông nghiệp do Quĩ Rockefeller từng hỗ trợ trong thập niên 1950 và được ghi công là đã giúp chuyển đổi các phương pháp canh tác và sản xuất ở nhiều nơi khắp trên thế giới.

Trong 50 năm qua các nông gia tại Á Châu, Châu Mỹ Latin và Trung Đông đã có thể gia tăng gấp 3 sản lượng lương thực, trong khi giá cả các loại ngũ cốc như lúa mì, lúa gạo và bắp hạ giảm đến 76%. Những thành quả này đã giúp thế giới tránh được bất cứ một nạn đói lan rộng nào.

Tuy nhiên, cuộc Cách Mạng Xanh chưa hề bén rễ được ở Châu Phi. Lá thư Mỹ Quốc hôm nay xin gửi đến quí thính giả bài nói chuyện của TTV Rosanne Skirble với ông Pedro Sanchez, chuyên gia về đất đai canh tác, người được trao giải Lương Thực thế giới năm 2002, về lý do của sự kiện này.

Theo ông Pedro Sanchez có 2 lý do để Châu Phi vẫn còn nghèo đói, một là lý do kỹ thuật, và hai là lý do chính sách. Tại những nông trại nhỏ ở Châu Phi, lớp đất màu đã bị cạn kiệt hết các chất dinh dưỡng là nitrogen và Phosphorus và việc quản trị các nguồn nước để canh tác thì rất yếu kém. Những chuyện như thế không xảy ra tại Châu Á và Châu Mỹ Latin. Đất đai trong những khu vực đó khá màu mỡ. Chính phủ tại các nước Á Châu và Châu Mỹ Latin và các cơ quan viện trợ như USAID trợ giá rất nhiều cho phân bón và hầu hết các khu vực này đều có hệ thống thủy lợi khá tốt. Cái lỗi lầm mà cộng đồng viện trợ phát triển đã làm tại Phi Châu trong 50 năm qua là đã làm ngơ cùi vấn đề hiển nhiên như thế mà cho rằng nếu chỉ cải thiện được các giống lúa gạo và các loại ngũ cốc khác thì tình hình sẽ khá hơn. Nhưng không một giống cây thực phẩm nào, không một thứ hoa màu gì có thể tươi tốt được trên lớp đất không đủ Nitrogen hay phosphorus.

Về vấn đề sinh lý học thì đây là điều bất khả thực hiện. Chuyên gia Pedro Sanchez giải thích là chúng ta cần có nitrogen để cung cấp protein cho cây và cần nitrogen cho cơ bắp trong cơ thể của chúng ta khi chúng ta ăn những loại thực phẩm từ các cây lương thực đó, và chúng ta cần đến Phosphorus để tổng hợp diệp lục tố trong cây cỏ và chúng ta cần đến phosphorus cho xương cốt trong cơ thể chúng ta. Thế nhưng người ta đã bỏ qua không tính đến yếu tố này nên ảnh hưởng của mọi cải thiện trong nông nghiệp chỉ tăng chừng 28% trong suốt 40 năm qua tại khu vực dưới sa mạc Sahara ở Châu Phi, tương phản hẳn với mức từ 79 đến 90% tại Châu Á, Châu Mỹ Latin và Trung đông.

Mời quí vị nghe tiếp ý kiến của chuyên gia Pedro Sanchez qua câu chuyện sau đây:

H. Thưa ông, trong bối cảnh như thế thì sáng kiến mà Quĩ từ thiện Gates và Rockefeller đưa ra sẽ khác lề lối cũ như thế nào ? Làm sao mà sáng kiến này có thể đạt được mục tiêu giảm đói nghèo cho Phi Châu ?

Ð: Sáng kiến của Quĩ từ thiện Gates và Rockefeller đi tiếp theo sau một sự thay đổi mà cơ bản là do Lực Lượng Đặc Nhiệm Dự Án Thiên Niên Kỷ của LHQ đề xướng., và nó đòi hỏi một cuộc cách mạng xanh khác cho Phi Châu mà ông tổng thư ký Kofi Annan đã đưa ra năm 2004. Điều mà những người trong dự án Thiên Niên Kỷ và điều mà ông tổng thư ký LHQ nói là chúng ta phải chú ý đến yếu tố đất và nước cũng như cải thiện các loại hoa màu, cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em, làm sao để cho các thị trường đem lại lợi ích cho giới nghèo, và quí vị cần phải thực hiện tất cả những điều này trong một cách thế sao cho lành mạnh đối với môi trường.

H: Làm thế nào để sáng kiến này có thể phối hợp nhịp nhàng được với những sáng kiến khác đang được thi hành trong lãnh vực lương thực, nông nghiệp và chăm sóc sức khỏe?

Ð. Theo tôi thì nó phù hợp tuyệt diệu, khuyến khích mọi người làm những điều để đạt tới được những mục tiêu của kế hoạch Thiên Niên Kỷ của LHQ, không những chỉ xóa đói, mà còn lật ngược lại chiều hướng của những chứng bệnh HIV / AIDS, sốt rét, lao và để cho mọi người có cơ hội tiếp cận được với các thuốc men tối cần thiết cho việc chữa trị. Nó rất phù hợp với những sáng kiến về chăm sóc sức khỏe mà quĩ từ thiện của ông bà Gates và ïcác sáng hội khác đã làm. Và nó đã nhận chân được một mâu thuẫn. Có nghĩa lý gì khi mà chúng ta giúp cho mọi người khỏe mạnh, không mắc bệnh sốt rét nếu họ lại sắp chết đói ? Rõ ràng là quí cần phải gia tăng sản lượng lương thực, gia tăng dinh dưỡng và cải thiện sức khỏe, những yếu tố này phải đi cùng với nhau và rằng một sự phối hợp nhịp nhàng như thế thì thật là tuyệt diệu.

H: Làm sao mà các tổ chức bất vụ lợi có thể tiến hành công việc của họ mà lại tránh được điều có thể bị coi là tham nhũng chính trị ? Nói cách khác, làm sao mà người ta có thể đưa sự trợ giúp đến tận tay những nông dân cần được giúp ?

Ð: Vâng, trước tiên là không chuyển giao tiền mặt. Chỉ chuyển nhượng những thứ như các bao phân bón và các loại hạt giống. Những thứ này khó chuyên chở hơn và khó bán cho ai khác. Đó là một đường lối rất rõ ràng để thực hiện sáng kiến. Quí vị sẽ làm việc thẳng với những người trong cuộc, cho dù là nông dân, những nhà trung gian buôn bán nông sản, hay những cơ sở tài chính, chứ không thông qua chính phủ. Điều rất không may là nếu qua chính phủ thì cơ nguy tham nhũng càng cao.

H: Cuối cùng ông trông đợi là sáng kiến của Quĩ từ thiện Gates/Rockefeller sẽ thực hiện được những gì và 150 triệu đô la liệu có đủ hay không ?

Ð: Chắc chắn là không, nhưng nó là một bước tiến lớn. Một bước tiến rất dài. Những tổ chức khác như “Lời Hứa Thiên Niên Kỷ “ trong 6 tháng qua đã gây quĩ được 130 triệu đô la để cho cùng những mục tiêu như thế. Vì vậy mọi chuyện tốt đẹp đang bắt đầu xảy ra. Theo tôi thì với tiếng tăm của Rockefeller, quĩ này đã từng làm rất được việc trước đây và có thể sẽ làm được nữa. Cái tiếng tăm của quĩ Bill và Melinda Gates trong tư cách là một quĩ từ thiện lớn nhất thế giới giờ đây lại đang mang sự giúp đỡ vào trong lãnh vực nông nghiệp thì thật quá tốt. Xin thượng đế phù hộ cho họ. Đây thật là một bước tiến lớn và tôi cho là tất cả chúng ta đều vui mừng hoan hỉ.

Chuyên gia Pedro Sanchez được trao giải Lương Thực Thế Giới năm 2002 và là giám đốc Chương Trình Nông Nghiệp Nhiệt Đới và Dự án Các Làng Mạc Thiên Niên Kỷ thuộc đại học Columbia tại New York.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG