Đường dẫn truy cập

Công tác chuẩn bị cho World Cup 2010 của nước chủ nhà Nam Phi


Cùng với Phi Châu giành chiến thắng tại Châu Phi” là khẩu hiệu của giải vô địch bóng đá thế giới, FIFA World Cup 2010. Đây sẽ là World Cup đầu tiên được tổ chức tại lục địa Phi Châu, do đó nuớc chủ nhà Nam Phi không những hết sức náo nức để chuẩn bị cho đại hội thể thao lớn nhất hành tinh này, mà còn nuôi tham vọng sẽ giữ lại chiếc cúp vàng của FIFA trên đất Châu Phi.

Vào ngày 15 tháng 5 năm 2004, cả đất nuớc Nam Phi lẫn lục địa Phi châu đã hân hoan đón nhận một tin mừng trọng đại: FIFA công bố quyết định chọn Nam Phi làm nuớc đăng cai tổ chức World Cup 2010.

Cuộc đua tranh để giành được vinh dự tổ chức lễ hội bóng đá cứ bốn năm mới diễn ra một lần này đòi hỏi nước dự tranh phải có những nỗ lực vuợt bậc. Thế nhưng khi giành được thắng lợi trong cụôc đua tranh quyền đăng cai đó rồi, thì hình như cả nước Nam Phi mới nhận ra rằng họ chỉ mới thực sự bắt đầu một cuộc chạy đua mới có tính toàn diện và cam go hơn rất nhiều; đó là chưa kể đến việc nếu những ngừơi có trách nhiệm lẫn nguời dân Nam Phi quan sát các nuớc đã đăng cai những kỳ world cup trước, cụ thể như nước Đức các đây vài tháng, chắc chắn họ sẽ cảm thấy chóang ngợp, và tự hỏi làm thế nào để trong một thời gian ngắn họ có thể đạt được những điều kiện thuận lợi như vậy về nhiều mặt.

Một trong những công tác chuẩn bị cho đại hội thể thao này là việc quảng bá về nuớc chủ nhà. World Cup 2006 vừa diễn ra tại Đức hồi tháng 6 và tháng 7 vừa qua là một cơ hội quan trọng và quý giá nhất để khởi sự cho chiến dịch quảng bá đó, và tất nhiên Nam Phi hầu như đã không bỏ sót bất cứ một cơ hội nào trong suốt thời gian World Cup 2006 để chào mời thế giới đến với đất nước của họ trong 4 năm nữa.

Sự kiện có thể nói là nổi bật nhất trong chiến dịch quảng bá này có lẽ là lễ “ra mắt” biểu tượng của FIFA World Cup 2010 được tổ chức tại Berlin 2 ngày trước khi diễn ra trận thư hùng giữa Ý và Pháp vào tháng 7 vừa qua.

Các nhà tổ chức của Nam Phi đã dàn xếp thật khéo cho buổi lễ ra mắt biểu tượng của World Cup 2010. Ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, Kofi Annan, đã bay từ New York sang Berlin để cùng xuất hiện trên lễ đài với chủ tịch FIFA-Joseph S Blatter, chủ tịch ban tổ chức World Cup 2006 của Đức-Franz Beckenbauer, huyền thoại bóng đá Châu Phi và là quả bóng vàng thế giới năm 1995-George Weah, và nhiều vị khách danh dự nổi tiếng khác dường như để tạo thêm ấn tượng cho lời mời “Nam Phi đón chào” trong bài diễn văn của tổng thống nước này, ông Thabo Mbeki. Kết thúc bài diễn văn, Tổng Thống Nam Phi không ngần ngại bày tỏ rằng “Thưa ông chủ tịch Blatter của Liên Đoàn Bóng Đá Thế Giới, chiếc cúp vàng của FIFA sẽ ở lại trên đất Châu Phi vào năm 2010. Lục địa này đã sẵn sàng đón chào cả thế giới.”

Ngoài buổi lễ chính thức để ra mắt biểu tượng World Cup 2010, Nam Phi còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa khác tại các địa điểm công cộng trong chiến dịch quảng bá này. Nếu một vị khách nào muốn biết đôi nét về đất nước Nam Phi, vì nghe ra nó chưa thật quen thuộc trong làng bóng đá thế giới, vị khách đó sẽ nhanh chóng nhận được các thông tin đại khái như:

·Cộng Hòa Nam Phi nằm ở mũi cực nam của Châu Phi với số dân hơn 46 triệu người. Mặc dù có đến 11 ngôn ngữ chính thức trên đất nước này, tiếng Zulu chiếm tỉ lệ cao nhất – 24%. Ngoài ra đa số dân chúng ở các thành phố lớn đều sử dụng tiếng Anh rất thành thạo.

·Nền dân chủ của Nam Phi còn khá trẻ. Cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên được tổ chức tại quốc gia này vào năm 1994, chấm dứt tình trạng người da đen tại đây bị đàn áp kéo dài hơn cả 100 năm trước đó, mặc dù nạn phân biệt chủng tộc Apartheid ở nước này chỉ thực sự xuất hiện từ năm 1948.

·Nam Phi có nền kinh tế lớn nhất châu lục đồng thời là nước xuất khẩu vàng và platinum lớn nhất thế giới. Cơ sở hạ tầng nghành giao thông vận tải của nước này rất tốt, hệ thống vô tuyến viễn thông rất hiện đại và thị trường chứng khoán của Nam Phi lớn hàng thứ 10 trên thế giới. Đơn vị tiền tệ của nước này là “rand,” 1 đôla Mỹ đổi được khoảng 7 rand Nam Phi.

Còn nói về bóng đá thì nền bóng đá của nước này cũng khá non trẻ như nền dân chủ của họ. Cũng như tại các đất nước khác trên toàn lục địa này, sự đam mê môn “thể thao vua” trong dân chúng là hoàn toàn có thừa, trong đó phải kể đến cựu Tổng Thống Nelson Mandela. Thế nhưng đội tuyển quốc gia của họ đã không vào được vòng chung kết World Cup 2006 vừa rồi khiến cho nhiều người đặt thắc mắc về khả năng “trình diễn” của đội bóng nước chủ nhà năm 2010 sẽ ra sao.

Mới đây các giới chức của FIFA cho biết tính từ World Cup đầu tiên cách đây 76 năm thì World Cup 2010 tại Nam Phi sẽ là giải đạt được thành tựu cao nhất về mặt thương mại.

Chủ tịch Sepp Blatter cho biết đến nay trị giá của các hợp đồng thương mại mà FIFA đã ký với các đối tác đã lên đến trên 800 triệu đôla, cao hơn 25% so với tổng trị giá hợp đồng thương mại của World Cup 2006 vừa rồi. Từ đây cho tới năm 2010 con số này sẽ còn nhiều thay đổi, mà chắc chắn là theo chiếu hướng gia tăng.

Tuy nhiên để tổ chức một đại hội thể thao lớn nhất hành tinh như thế này không phải là một chuyện đơn giản. Nước chủ nhà cũng đang đối mặt với rất nhiều thử thách, từ cơ sở hạ tầng cho đến phương tiện giao thông công cộng, những biến động mà nền kinh tế có thể gặp phải, và khâu bảo đảm an ninh.

Một báo cáo mới đây khiến cho dư luận lo ngại rằng các cơ sở hạ tầng ngành viễn thông của nước này nay đã 30 “tuổi” có thể không đáp ứng được nhu cầu truyền thông của một World Cup như chúng ta vừa được chứng kiến tại Đức.

Hệ thống giao thông công cộng trong 4 năm nữa khó có thể đạt được mức phát triển như tại các nước Tây Âu.

Và trong 4 năm nữa liệu đội tuyển bóng đá Nam Phi có đạt đến đẳng cấp mà giới hâm mộ mong chờ ở một đội bóng của nước chủ nhà World Cup hay không.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG