Đường dẫn truy cập

Câu chuyện về USS Kirk 1087, chiến hạm đưa những người Việt di tản năm 1975


Khu Trục Hạm Kirk 1087 là một trong những chiến hạm thuộc Hạm Đội 7 của Hoa Kỳ từng bỏ neo trong hải phận Việt Nam để đưa những người Việt di tản ra khỏi nước sau ngày Saigon thất thủ vào cuối tháng Tư năm 1975. Trong những năm qua, các thủy thủ trên chiến hạm này đã tổ chức những cuộc hội ngộ giữa các bạn đồng đội để thắt chặt mối dây thân hữu và nhắc lại những kỷ niệm cũ trong những ngày vẫy vùng trên biển cả.

Tuy nhiên trong vài năm gần đây Hội USS Kirk 1087 đã mời những người Việt mà họ đã giúp di tản cách đây hơn 30 năm tham dự những cuộc hội ngộ của thủy thủ đoàn. Đặc biệt trong cuộc hội ngộ hồi năm ngoái, họ đã mời được một người con gái ra đời trong lúc di tản mà bà mẹ của cô đã lấy tên chiếc tàu Kirk đặt tên cho đứa con. Mời quí vị nghe thêm một số chi tiết về câu chuyện này và những gì mà thủy thủ đoàn của chiếc tàu này đã thực hiện cách đây hơn 30 năm, do Trần Nam ghi nhận qua lời kể của những người trong cuộc:

Cuối tháng Tư năm 1975, khu trục hạm Kirk 1087, một tàu hộ tống và chống tàu ngầm để bảo vệ các chiến hạm trong Hạm Đội 7 của Hoa Kỳ, đã có mặt trong hải phận Việt Nam. Theo lời của Hạm Trưởng Paul Jacobs thì nhiệm vụ của chiến hạm này là hỗ trợ hỏa lực cho Tòa Đại Sứ Mỹ tại Saigon trong trường hợp cần thiết. Tuy nhiên sau ngày 30 tháng Tư khi Saigon thất thủ, khu trục hạm này đã trở thành một chiếc tàu cứu trợ nhân đạo, giúp đỡ những người Việt di tản ra khỏi nước đi tìm tự do. Trong sứ mạng đón nhận và giúp di chuyển hơn 18,000 người trong số hàng trăm ngàn người tị nạn từ những nơi trong vùng đảo Côn Sơn đến Subic Bay, đảo Wake, và đảo Guam, các thủy thủ trẻ tuổi trên khu trục hạm Kirk đã có cơ hội gặp gỡ nhiều người Việt và nghe họ kể lại những câu chuyện đầy thương tâm của những người phải rời bỏ quê hương đi lánh nạn.

Trong những năm qua hầu hết những cuộc họp mặt hàng năm của thủy thủ đoàn trên tàu USS Kirk, cũng như các chiến hạm khác, đều nhằm mục đích chính là duy trì tình thân hữu giữa các bạn đồng đội và nhắc lại những kỷ niệm vui buồn trong những ngày lênh đênh trên biển cả. Tuy nhiên trong vài năm gần đây các thủy thủ cũng như các Hạm Trưởng từng phục vụ trên chiến hạm này trong hơn 30 năm qua đã tổ chức những cuộc hội ngộ chẳng những giữa các chiến hữu mà họ còn mời cả những người từng được họ giúp di tản ra khỏi miền Nam Việt Nam sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Trong cuộc hội ngộ đầu tiên của chiến hạm Kirk vào tháng 6 năm 2004 tại San Diego, nhiều cựu thủy thủ đã nhắc lại những việc làm của họ trong vùng biển Việt Nam trong cuộc di tản vào thời điểm dầu sôi lửa bỏng đó. Một đề tài đã được các thủy thủ nhắc đến nhiều nhất là câu chuyện về một trong số những phụ nữ mang thai đi trên tàu USS Kird 1087, đã dùng tên của chiếc tàu Kirk để đặt tên cho đứa con gái của bà sau khi bé gái này ra đời trong thời gian di tản. Và câu hỏi được nêu lên là mẹ con người đó hiện nay đang ở đâu?

Nhờ các nỗ lực không ngừng của một nhóm cựu thủy thủ do ông Jame Bongard cầm đầu, 2 mẹ con của người tị nạn này đã được tìm thấy tại một thành phố biển ở miền Nam Tiểu Bang California.

Ông Adam Koltz, một người từng phục vụ trên tàu Kird cho biết một vài chi tiết về sự kiện này:

Khi khu trục hạm USS Kirk có mặt tại vùng biển Saigon ở miền nam Việt Nam vào năm 1975, nhiều người Việt đã rời khỏi Saigon và đến được tàu của chúng tôi. Trong số này có 9 phụ nữ mang thai đang ở trên tàu chúng tôi để chờ đi Philippin để từ đó họ đến đảo Guam. Tôi tin rằng có 2 sản phụ đã lâm bồn trong thời gian này.

Trong khi đó, ông James Bongaard, Chủ Tịch Hội USS Kirk 1087, cho biết thêm một số chi tiết về chuyện một bé gái, con của một trong 2 phụ nữ này đã ra đời trong thời gian di tản và có mang tên chiếc tàu Kirk:

Vâng đứa con gái đó tên là Trần Nguyễn Kirk Giáng Tiên và mẹ của nó tên là Lan Trần, tất cả hiện đang sống tại Long Beach, Tiểu Bang California. Họ là những người khách đặc biệt của chúng tôi trong cuộc hội ngộ được tổ chức tại Orlando trong năm ngoái. Nhiều người Việt vẫn tiếp tục liên lạc với chúng tôi và chúng tôi vẫn duy trì các mối liên hệ tốt đẹp này.

Trong năm nay, 2006, cuộc hội ngộ của các cựu thủy thủ tàu Kirk với sự tham dự của những người Việt tị nạn đã được tổ chức tại Renton, Tiểu Bang Washington. Ông Bongaard nói về ý nghĩa của cuộc hội ngộ này và kể lại câu chuyện gặp lại gia đình của một phụ nữ cũng có một trường hợp tương tự như gia đình cô Trần Nguyễn Kirk Giáng Tiên:

Thật ra thì đây là lần hội ngộ thứ ba, và mỗi cuộc hội ngộ đều mang mộtý nghĩa đặc biệt khi chúng tôi gặp lại những người bạn mà chúng tôi đã gặp nhau cách đây 30 năm. Đặc biệt trong năm nay chúng tôi có dịp gặp lại một gia đình người Việt là ông Joseph Phạm. Ông Phạm và gia đình đã có mặt trên chiến hạm Kirk trong cuộc di tản ra khỏi Saigon. Lúc đó vợ của ông đang mang thai. Hai tuần lễ sau đó bà đã hạ sinh một bé gái trên đảo Guam và đặt tên cho con là Rose. Dù cháu gái này không ra đời trên tàu của chúng tôi như chúng tôi đã từng hy vọng nhưng chúng tôi cũng thấy đây là một sự kiện quan trọng vì toàn thể gia đình cha mẹ của em đã đi trên tàu của chúng tôi, do đó chúng tôi rất vui mừng khi thấy trong cuộc hội ngộ vừa rồi có sự tham gia của gia đình họ Phạm.

Ngoài ra ông Koltz, người đã có mặt trong cuộc hội ngộ năm nay đã cho biết thêm một số chi tiết về người con gái tên Rose và mẹ của cô trong thời gian di tản năm 1975:

Và trong năm nay chúng tôi đã tìm được một phụ nữ khác và gia đình của phụ nữ này. Chắn chắn đây là cô gái đã ra đời trong thời gian tàu Kirk di tản những người Việt cách đây hơn 30 năm mà bây giờ cô tên là Rose Brown. Hiện nay phụ nữ này có một đứa con trai 2 tuổi và cũng có mặt trong buổi hội ngộ này. Các anh em cựu thủy thủ chúng tôi đã tổ chức ngày sinh nhật thứ hai của em với một chiếc bánh sinh nhật đặc biệt.

Còn theo lời ông Bongaard thì các thủy thủ của tàu Kirk đã xem 2 bé gái ra đời trong lúc di tản này là 2 đứa con tinh thần của họ, và nay với bé Brown 2 tuổi, tàu này lại có thêm một đứa cháu trai. Các cựu thủy thủ đã rất vui mừng khi thấy có nhiều người Việt rời khỏi Saigon vào năm 1975 đã có mặt trong cuộc hội ngộ năm nay và dùng buổi họp mặt này để bày tỏ lòng biết ơn của họ đối với Hải Quân Hoa Kỳ nói chung và đặc biệt là khu trục hạm Kirk, về những giúp đỡ mà các tàu này đã thực hiện. Ông Bongaard nói rằng ngoài những người từng có mặt trên chiến hạm USS Kirk, nhóm của ông còn mời tất cả những người di tản vào lúc đó không phân biệt là đi trên những tàu nào đến tham dự những cuộc hội ngộ hàng năm:

Không phải tất cả những người tham dự cuộc hội ngộ này là những người đã đi tị nạn trên chiếc tàu Kirk mà chúng tôi còn mời tất cả những người tị nạn đã di tản trên những chiếc tàu khác của Hoa Kỳ trong thời gian đó, vì trong số những người Việt tị nạn, ai cũng có những mẩu truyện độc đáo, và chúng tôi rất hãnh diện về họ. Như tôi đã nói, những câu chuyện của họ thật là khủng khiếp, và những thủy thủ trẻ của chúng tôi đã bất kể những nguy hiểm đến tính mạng để làm tất cả những gì mà chúng tôi có thể làm được để giúp đỡ những người Việt trên đường đi tìm tự do, và bây giờ chúng tôi lại càng hãnh diện hơn về những gì mà những người Việt đó đã thực hiện tại Hoa Kỳ.

Hơn 30 năm đã trôi qua kể từ ngày khu trục hạm USS Kirk 1087 có mặt trong vùng biển Việt Nam, hầu như mọi chuyện đều thay đổi. Con tàu chiến của Hoa Kỳ ngày nào từng vùng vẫy như một kình ngư trên biển cả, nay đã thay tên đổi họ để hoạt động trong vùng biển của một lãnh thổ khác ở Châu Á. Và những người trên chiến hạm này, từ Hạm Trưởng cho đến những người trong thủy đoàn, đã giã từ biển khơi để trở thành các công dân hồi hưu. Duy chỉ có những điều không thay đổi, đó là niềm hãnh diện về những gì mà họ đã thực hiện trong những ngày còn thanh xuân, và những cảm tình sâu đậm giữa họ với những người Việt tị nạn, những người đã được họ tận tình giúp đỡ để có thể vượt ra khỏi một hoàn cảnh đen tối nhất cách đây hơn 30 năm để đến được bến bờ tự do.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG