Vào chiều thứ tư ngày 19 tháng 7, một phái đoàn gồm các chuyên gia trong ngành y tế Việt Nam đã đến nói chuyện tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế ở thủ đô Washington về tình hình HIV/AIDS và bệnh cúm gia cầm tại Việt nam. Mời quí vị theo dõi các chi tiết sau đây với Lan Phương:
Bác sỹ Nguyễn Huy Nga, Giám Đốc Ủy Ban Quốc Gia Phòng Chống HIV/AIDS cho biết tính đến năm 2006, con số người nhiễm HIV tại Việt Nam đã lên tới 280 ngàn, với chừng 60 ngàn ca bệnh AIDS và 54 ngàn tử vong.
Đại đa số những người lây nhiễm HIV/ AIDS là những người chích ma túy và gái mãi dâm. Trong số này giới trẻ từ 20 đến 29 tuổi chiếm đến hơn 54%.
Trước tình thế này, theo bác sỹ Nga, chính phủ Việt Nam đã đáp ứng bằng một sách lược toàn quốc, với quyền lãnh đạo chặt chẽ của đảng nên Việt Nam đã tổ chức được một màng lưới kiểm soát dịch bệnh từ trung ương đến các cấp tỉnh, quận, địa phương giữa các bộ, các ban ngành, và hợp tác chặt chẽ với các đoàn thể quần chúng, các tổ chức phi chính phủ trong việc kiểm soát dịch bệnh. Bác sỹ Nga cho biết tháng trước, quốc hội Việt Nam đã chấp thuận một dự luật về HIV/ AIDS có tính cách rất tiến bộ.
Luật này coi hành động kỳ thị và thành kiến đối với những người lây nhiễm HIV/ AIDS là phạm luật và bị luật pháp nghiêm cấm. Luật này chấp nhận việc giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh bằng cách sử dụng bao cao su, chương trình trao đổi lấy kim chích sạch và phương thức trị liệu thay thế.
Theo chỗ được biết luật này sẽ có hiệu lực vào tháng giêng năm tới. Giám đốc Ủy Ban Quốc Gia Phòng Chống HIV/AIDS của Việt Nam cũng nêu lên những thách thức mà Việt Nam phải đối phó. Trước tiên là thiếu ngân quĩ. Tính chung chỉ có 30% nhu cầu toàn quốc được tài trợ. Ngoài vấn đề ngân sách, Việt Nam hiện còn đang rất thiếu chuyên gia và các nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân, thiếu thốn các phương tiện chữa trị như tiếp liệu và các phòng thí nghiệm, các thông tin về sách lược cũng như các hạ tầng cơ sơ cần thiết khác.
Nói chuyện với trưởng ban Việt Ngữ đài TNHK Michael Mathes về đạo luật sẽ được Việt Nam đem áp dụng vào đầu năm tới, ông Phillip Nieburg, một cộng tác viên cao cấp của Hội Đồng Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế, đồng tác giả của bản phúc trình của Trung Tâm này về lực lượng đặc nhiệm phòng chống HIV/AIDS được gửi tới Việt Nam, cho biết:
Họ còn đang vất vả định hướng. Đạo luật mới, một khi được đem thực thi, sẽ tiêu biểu cho một tiến bộ lớn. Đạo luật này sẽ hợp pháp hóa việc sử dụng các thứ thuốc thay thế, mà các chất thuốc này hiện nay có hợp pháp hay không thì chúng ta chưa rõ. Đạo luật cũng sẽ hợp thức hóa các chương trình trao đổi lấy kim tiêm sạch để ngăn chặn sự lan tràn của vi rút HIV trong giới người nghiện ngập. Vì vậy luật này cho thấy có nhiều tiến bộ tại Việt Nam.
Quay sang dịch bệnh cúm gia cầm tại Việt Nam, bác sỹ Nguyễn Trần Hiển, viện trưởng viện Vệ Sinh Dịch Tễ trình bày về diễn tiến của dịch bệnh này qua 3 đợt bùng phát kể từ tháng 12 năm 2003 đến tháng 11 năm 2005. Trong khoảng thời gian này hầu như tất cả mọi tỉnh đều báo cáo về các trường hợp gia cầm của họ bị nhiễm và tất cả đã có khoảng 15 triệu gia cầm bị đem giết bỏ.
Tuy nhiên chỉ có 32 tỉnh báo cáo về các trường hợp bệnh lây sang người. Tính tổng cộng có 93 ca bệnh nơi người và 42 ca tử vong. Căn cứ theo con số này tỉ lệ tử vong của người nhiễm bệnh là 45%.
Qua 3 đợt bùng phát này, các nông dân nghèo và giới người nghèo là giới chịu ảnh hưởng tai hại nhất, và thiệt hại lên tới mức 0,5% tổng sản phẩm quốc nội. Nhưng kể từ tháng 11 năm 2005 đến nay, dịch bệnh này coi như đã được khống chế.
Bác sỹ Hiển dưa ra những bài học mà Việt Nam đã rút tỉa được qua dịch bệnh cúm gia cầm:
Bài học thứ nhất mà chúng tôi đã rút tỉa được là sự cam kết cao độ về chính trị. Chúng tôi đưa ra rất nhiều nghị quyết và sắc lệnh nhắm mục đích ngăn chặn sự lây lan của bệnh, tổ chức các cuộc họp nội các hàng tuần, và chính phủ tích cực huy động hệ thống chính trị cùng tất các nguồn lực để kiểm soát bệnh. Theo tôi, tính cho đến bây giờ, đây là một yếu tố thật quan trọng đã đóng góp vào sự thành công của chúng tôi.
Cũng theo viện trưởng viện Vệ Sinh Dịch Tễ thì bài học thứ nhì là Việt Nam đã thiết lập các ủy ban kết hợp từ nhiều lãnh vực để đối phó, từ trung ương đến các cộng đồng. Và bài học thứ ba là sự phối hợp chặt chẽ giữa bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, bộ Y Tế và các bộ khác cũng như những tổ chức quần chúng để phòng chống dịch bệnh.
Về điểm này, đồng tác giả bản phúc trình của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế về lực lượng đặc nhiệm phòng chống AIDS được phái tới Việt Nam, ông Phillip Nieburg, đưa nhận xét:
Việt Nam đã đối phó rất hay trong trường hợp bệnh SARS và cho tới giờ là bệnh cúm gia cầm, vì thế rõ ràng là khi hệ thống chính trị được huy động, nó có thể rất hữu hiệu trong việc ngăn ngừa sự lan tràn của dịch bệnh. Tuy nhiên vì lý do nào đó mà chúng ta chưa rõ, sự hữu hiệu đó chưa đến với việc kiểm soát sự lây lan của vi rút HIV. Một phần của sự kiện là do bản chất của chứng bệnh cũng như cách nó lây nhiễm qua đường tính dục. Vì vậy có rất nhiều những điểm hết sức tế nhị khi phải đối phó với vấn đề lan tràn của HIV/AIDS.
Nhưng dường như thực sự là hệ thống này có thể vươn tới được tận cấp địa phương tương đối dễ dàng, theo một phương cách mà hệ thống của Hoa Kỳ không thể làm được. Và sự hữu hiệu này cũng đã thấy trong trường hợp ngăn chặn bệnh SARS. Có rất nhiều sự động viên ở cấp cao để ngăn chặn sự lan tràn của dịch bệnh. Theo tôi thì trong trường hợp của HIV, họ chưa đạt tới cùng mức độ cam kết về chính trị như vậy.