Đường dẫn truy cập

Cuộc triển lãm Thời Bao Cấp tại Viện Bảo Tàng Hà Nội


Cuộc triển lãm tại Viện Bảo Tàng Hà Nội, nhắc lại những gian khổ trong cuộc sống dưới thời kỳ kinh tế chỉ huy của Cộng Sản đã chứng tỏ là thành công. Qua cuộc triển lãm hiếm có, trình bày cuộc sống của người dân trước khi Việt Nam bước vào thị trường tự do cách đây 20 năm, người dân Việt đã hồi tưởng lại những ngày nghèo khổ trước đây mà họ hoặc cha mẹ của họ đã trải qua. Từ Hà Nội, Thông tín viên Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ Matt Steinglass có bài tường trình chi tiết về cuộc triển lãm này như sau:

Đó là thời kỳ được gọi là “Thời Bao Cấp” hay là thời kỳ kinh tế được bao cấp, tức là thời gian nghèo khổ từ năm 1975 đến năm 1986, khi mà nền kinh tế chỉ huy theo kiểu Sô Viết đang ngự trị trên khắp Việt Nam.

Trong thời kỳ đó Việt Nam đã bị cô lập, các hoạt động kinh tế đều bị bế tắc. Tất cả mọi thứ, từ gạo cho đến vải vóc, đều bị hạn chế theo chế độ phân phối. Một gia đình có thể phải hy sinh mọi thứ để có được một tài sản được xem là rất quí giá lúc bấy giờ, chẳng hạn như một chiếc máy may hay là một con heo.

Đây không phải là một con heo thật mà là tiếng của một con heo được thu thanh như là một phần của sự dàn dựng nhằm trình bày lại cuộc sống của giới trung lưu trong một căn chung cư tại Hà Nội vào đầu thập niên 1980

Tất cả những người thuộc 4 thế hệ trong gia đình của bác sĩ Phạm Trang đã sống trong một căn chung cư nhỏ bé, và những con heo này đã được nuôi trong phòng tắm của họ.

Sự dàn dựng này là một phần trong cuộc triển lãm thu hút khá nhiều người xem về thời kỳ bao cấp tại Viện Bảo Tàng Dân Tộc Học tại Hà Nội. Cuộc triển lãm đã thu hút khoảng 900 du khách mỗi ngày, tức là hơn gấp đôi con số bình thường về những người đến thăm Viện Bảo Tàng này.

Cuộc triển lãm cũng trưng bày rất nhiều kỷ vật được thu thập từ những năm gian khổ này. Một hộp kính đựng một viên đá với cái tên Mai Hải và con số 127 được sơn ở phía trên.

Tại một khu vực khác, cuộc triển lãm đã tập trung vào các vật dụng mà những người dân bình thường đã làm ra để kiếm sống trong thời buổi khó khăn. Bà Nguyễn Thị Tuấn Linh , nhân viên của Viện Bảo Tàng đã giới thiệu nơi trưng bày những con búp bê làm bằng tay và một chiếc áo ấm được thêu bằng những sợi dây ni lông phế thải từ các nhà máy.

Bà Linh nói rằng lương của Nhà Nước quá thấp nên không đủ sống. Người dân đã phải làm thêm những công việc được gọi là nghề tay trái để sống, thường thường là bằng cách bán những món hàng làm tại nhà trên thị trường chợ đen.

Màn ảnh trên các máy chạy băng Video cho thấy những người dân bình thường nhớ lại những khó khăn và nguyện vọng của họ trong đời sống hàng ngày trong thời kỳ bao cấp. Một người đàn ông, khi được phỏng vấn nói rằng lúc đó anh rất cần một cái quạt máy nhưng chỉ được thấy nó trong những giấc mơ.

Cuộc triển lãm một cách thành thật và cởi mở này là điều hiếm thấy tại Việt Nam, nơi mà hầu hết các Viện Bảo Tàng đều trưng bày những sản phẩm tuyên truyền một chiều, không hề thay đổi.

Tuy nhiên Viện Bảo Tàng Dân Tộc Học thì khác. Viện đã được thành lập vào năm 1995 nhằm trình bày các nền văn hóa truyền thống của Việt Nam, nhất là các phong tục tập quán của các cộng đồng sắc tộc thiểu số.

Ông Nguyễn Văn Huy, Giám Đốc Viện Bảo Tàng này đã bước vào ngành dân tộc học từ lúc còn nhỏ. Thân phụ của ông, một người đã được huấn luyện tại Pháp trong thập niên 1930, là một nhân vật sáng lập ngành dân tộc học Việt Nam. Ông Huy cũng đã bị ảnh hưởng về những gì mà ông đã chứng kiến qua những lần cộng tác với các viện bảo tàng nước ngoài như Viện Bảo Tàng Nhân Loại tại Paris, và Viện Bảo Tàng Smithsonian tại thủ đô Washington.

Ông Huy vẫn còn nhớ một cuộc triển lãm mà ông đã nhịn thấy tại Viện Bảo Tàng Smithsonian. Một toa xe lửa, được ngăn ra nhiều chỗ riêng biệt dành cho hành khách người da trắng và da đen, đã cho thấy một thực tế phũ phàng trong thời kỳ phân biệt chủng tộc tại một số Tiểu Bang ở Hoa Kỳ cho đến cuối thập niên 1960.

Cuộc triển làm về thời kỳ bao cấp tại Việt Nam cũng có một mục tiêu nói lên những sự thật tương tự.

Hầu hết những lời tuyên bố trong thời gian qua của Nhà Nước đều nói rằng những khó khăn này là hậu quả của những cuộc chiến tranh với Mỹ và Pháp. Tuy nhiên cuộc triển làm này cho thấy rằng những khó khăn đó là hậu quả của một nền kinh tế do Nhà Nước điều hành, một nền kinh tế bị xem là một hệ thống sản xuất chậm chạp và không hữu hiệu, bóp nghẹt óc sáng tạo của người dân.

Vào cuối thập niên 1980, Việt Nam bắt đầu tự do hóa nền kinh tế của mình, cho phép các hoạt động thương mại tư nhân. Việt Nam cũng bắt đầu mở cửa với thế giới bên ngoài, kể cả nước cựu thù là Hoa Kỳ.

Vietnam, tuy vẫn còn nghèo, nhưng bây giờ là một nền kinh tế tăng trương nhannh vào hàng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc.

Ngày nay Hà Nội là một thành phố có nhiều ngôi nhà mới, nhiều xe gắn máy và điện thoại di động, khác hẳn với ngày xưa.

Đối với các sinh viên Nguyễn Thanh Tùng và Trần Thị Kỷ Hà thì đời sống như vậy là ngoài sức tưởng tượng của họ. Anh Tùng nói rằng anh đã biết được cuộc triển lãm này qua Internet.

Tôi được biết về cuộc triển lãm này qua một người bạn của tôi, anh ấy có một trang Web cá nhân.

Người bạn của anh, cô Hà nói rằng cha mẹ của cô đã không nhắc lại những chuyện trong quá khứ nhiều như họ đã từng nói trước đây. Những gì khiến cô ngạc nhiên là quan niệm của cuộc triển lãm tại viện bảo tàng về những chuyện xảy ra không lâu lắm và rất thực.

Vì tại Việt Nam chúng tôi thường có những cuộc triển lãm về nghệ thuật, chiến tranh và lịch sử. Tuy nhiên những gì rất gần gũi với cuộc sống thì chúng tôi vẫn chưa có. Và cuộc triển làm này là thuộc loại đó.

Cuộc triển lãm sẽ kết thúc với một ít tuyên truyền, ca ngợi các chính sách kinh tế thị trường của chính phủ trong 2 thập niên qua. Tuy nhiên đó không phải là điểm chính. Điều đã khiến cho cuộc triển lãm về những cực khổ trong quá khứ tại Viện Bảo Tàng Dân Tộc Học thành công là tiếng nói của những người dân bình thường, nhằm nói với thế hệ của Internet ngày nay rằng những gì xảy ra trong quá khứ đã giống như nuôi một con heo trong phòng tắm.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG