Đường dẫn truy cập

Lễ ghi nhớ ơn Cha tại Hoa Kỳ


Hoa Kỳ là một trong số các quốc gia hiếm hoi trên thế giới có được một ngày chính thức dành để tôn vinh người cha trong gia đình. Đây là một ngày đặc biệt trong đó các ông bố được con cái biếu quà hay mời đến họp mặt trong bữa cơm gia đình hoặc ở nhà hàng để bày tỏ lòng biết ơn và yêu kính đối với đấng sinh thành. Tuy nhiên, người ta không biết rõ lắm về nguồn gốc của ngày lễ này, có người thì nghĩ là sở dĩ có ngày lễ này chỉ vì giới con buôn muốn bày vẽ để bán hàng. Những người khác thì cho rằng nguồn gốc ngày này mang một ý nghĩa cao cả hơn. Nhưng cho dù nguồn gốc có như thế nào đi chăng nữa, trong năm nay người dân Mỹ vẫn cử hành lễ này vào ngày 18, tháng 6. Lá Thư Mỹ Quốc mời quí vị theo dõi thêm các chi tiết sau đây:

Làm một ông bố có nghĩa là phải gánh vác nhiều trách nhiệm nặng nề, nhưng đồng thời cũng là một niềm vui lớn. Kể từ giây phút một đứa bé được sinh ra đời, người cha phải gánh vác ngay lấy trách nhiệm hướng dẫn tinh thần, một người che chở, kiếm tiền nuôi nấng và vừa là người bạn của đứa con. Thế nhưng không ai đoan chắc được về nguồn gốc của ngày lễ đặc biệt dành để ghi nhớ công ơn của người cha ra sao. Có những người đa nghi cho rằng giới thương gia lý tài bày ra ngày lễ này để bán thiệp, bán quà tặng kiếm lời mà thôi. Tuy nhiên cũng có những người nêu lên rằng nó bắt nguồn từ một buổi lễ nhà thờ trong bang West Virginia năm 1908. Một số khác thì lại cho rằng nó bắt đầu sau dó 1 năm, do sáng kiến của một phụ nữ sống trong bang Washington. Bà muốn ghi nhớ công ơn của thân phụ đã chịu cảnh gà trống nuôi con kể từ khi mẹ bà mất trong lúc sinh nở, để chăm sóc cho 6 đứa con nên người.

Nhưng cho dù nguồn gốc của nó có thế nào đi chăng nữa, đến năm 1966, tổng thống Lyndon Johnson đã định ngày chủ nhật thứ ba của tháng 6 là ngày Nhớ Ơn Cha trên toàn quốc.

Tôi nghĩ đây là ngày quan trọng để ghi nhớ tình cha con.

Đó là lời bà Jacqueline Coffman, một giáo sư chuyên nghiên cứu về gia đình của đại học California. Theo bà, dành ra một ngày để ghi nhớ công ơn của cha là một điều rất có ý nghĩa.

Trong cái thế giới mà ngày nào cũng đầu tắt mặt tối như thế này thì chúng ta thường quên đi mất, và thường không dành thời giờ để bày tỏ lòng trân trọng biết ơn đối với ảnh hưởng và những hy sinh mà những người thân yêu của chúng ta đã dành cho chúng ta, giúp chúng ta nên người như ngày nay.

Vì vậy khi chúng ta có một dịp để ghi nhớ công ơn đấng sinh thành như thế này thì đây thật là một ngày quan trọng.

Giáo sư Coffman tin rằng vì Hoa Kỳ là một quốc gia của di dân đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau nên điều này cũng có ảnh hưỡng đến đặc tính của những ông bố tại Hoa Kỳ.

Chúng ta đã trở thành một xã hội đa văn hóa nên không thể có một định nghĩa duy nhất xứng hợp cho vai trò của tất cả các ông bố. Nhưng là một xã hội, tôi cho là chúng ta đều hy vọng rằng những người cha của chúng ta sẽ dành thời giờ để tìm hiểu con cái, khẳng định rõ cho con cái biết rằng học vấn là một bước sinh tử trong việc có được cơ hội trorng tương lai. Nếu người cha biết chăm sóc chuyện học hành cho con cái, theo dõi xem thày cô trong trường của chúng ra sao và tham gia vào các hoạt động học đường nếu có thể được, thì điều đó thật tuyệt diệu.

Theo bà Coffman thì hành động can dự vào việc chăm sóc, dạy dỗ con cái là điều then chốt. Trong khoảng 50 năm đầu của thế kỷ 20, các ông bố ở nước Mỹ bận rộn với công việc kiếm tiền nuôi gia đình và chỉ có một khoảng thời gian duy nhất để thực sự gần gũi con cái là bữa ăn tối. Nhưng theo giáo sư Jacqueline Coffman thì mô thức này đã thay đổi dần:

Khi mà chúng ta xét đến thế hệ của thập niên 1960 thì chúng ta bắt đầu thấy có sự tham gia của cả người mẹ lẫn người cha vào trong sinh hoạt gia đình. Đã có những thúc đẩy để người cha phải tỏ ra mềm dịu hơn và bộc lộ tình cảm, và để cho phụ nữ trong gia đình quả quyết hơn và trong cuộc đời ho ïkhông phải đi theo một lối mòn vạch sẵn theo truyền thống. Vì vậy từ bấy giờ đến nay, chúng ta thấy có một thay đổi trong cách chúng ta trông chờ xem người đàn ông trong gia đình có thể làm được gì trong việc chăm nom con cái. Và có lẽ vì vậy mà một cánh cửa đã mở ra cho họ, nơi đó họ có cơ hội nhận lãnh vai trò chăm sóc con cái nhiều hơn.

Theo giáo sư Coffman, những ông bố Mỹ đã tiến được một bước dài trong việc dành thời giờ quí báu cho con cái.

Khi chúng ta yêu cầu các ông bố cho biết về sồ thời giờ mà họ dùng để chăm sóc con cái, cả thời giờ giải trí lẫn thời giờ dành cho các hoạt động của con cái họ trong trường học thì cả những ông bố lẫn các bà mẹ đều nói rằng họ tham dự vào đời sống của con trẻ nhiều hơn là chúng nghĩ.

Ngày nay, khi càng lúc càng có nhiều người đàn ông trong gia đình chia sẻ nhiệm vụ chăm sóc con cái hơn thì các cặp vợ chồng thường điều chỉnh lại thời biểu làm việc để sắp xếp sao cho lúc nào ít nhất cũng có 1 người hoặc bố, hoặc mẹ, có mặt ở nhà với con cái. Vì thế, trong năm nay người Mỹ đã mừng lễ hiền mẫu trong tháng 5 vừa rồi thì chủ nhật tuần này sẽ đến lượt các ông bố được con cái ghi ơn.

Chúc các ông một ngày thật vui.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG