Đường dẫn truy cập

AIDS: 25 năm sau


25 năm trước, trong một phúc trình hàng tuần về bệnh tật và tử vong, Trung Tâm Ngăn Ngừa và Kiểm Soát Bệnh của Hoa Kỳ lần đầu tiên đã nhận diện được một chứng bệnh đang giết hại những người đàn ông đồng tính trong khu vực thành phố Los Angeles, bang California của Hoa Kỳ.

Chẳng bao lâu chứng bệnh đó được mọi người biết dưới tên gọi là AIDS, và nó đã hoành hành trên khắp thế giới, lấy đi mạng sống của nhiều người, bất kể khuynh hướng về dục tính, tuổi tác, giới tính và quốc tịch. Các khoa học gia tiếp tục nghiên cứu và tìm hiểu về siêu vi HIV, loại vi rút gây bệnh AIDS. Tuy nhiên với 25 triệu nạn nhân trên toàn thế giới đã nộp mạng cho tử thần vì chứng bệnh này kể từ năm 1981 đến nay, những người cổ võ cho việc phòng chống AIDS nói rằng con đường đi đến chỗ tìm ra được một phương cách để chế ngự hữu hiệu dịch bệnh này vẫn còn rất dài. Mời quí vị nghe bài tường trình sau đây của Jan Sluzer.

Cho đến năm 1985 khi nhà tranh đấu chính trị Cleve Jones được chẩn đoán mang vi rút HIV, thì ông đã mất hàng chục người bạn vì chứng bệnh bí hiểm mang tên là “ung thư của những người đồng tính luyến ái nam”.

Ông bỏ việc làm cho chính phủ và dọn về quê nhà ở thành phố San Francisco., để hoạt động cho điều ông gọi là “những nỗ lực đầu tiên trên thế giới để tổ chức việc phòng chống chứng bệnh mới này”. Ông nhớ lại lúc đó là một khoảng thời gian kinh hoàng.

Lúc đó chẳng có thông tin gì về bệnh này cả, mọi người( trong giới đồng tính ) đều khiếp sợ và đa nghi hơn Tào Tháo,họ nghĩ phải chăng là chính phủ đã gây ra chuyện này cho chúng tôi hay không ? Đây có phải là âm mưu gì của CIA nhắm vào chúng tôi hay không? Thôi thì đủ mọi suy đoán điên khùng và hầu hết đều là sợ hãi.

Những nỗi sợ hãi về việc có bàn tay của chính phủ đang âm mưu nhắm vào giới đồng tính luyến ái chẳng bao lâu đã được hóa giải sau khi các bác sỹ biết được thêm nhiều chi tiết về loại vi rút gây ra chứng bệnh mới này.

Những ca bệnh đầu tiên đều chìm trong bức màn bí ẩn, gây khiếp sợ và bị qui cho đủ mọi thứ xấu xa và luôn luôn đưa đến tử vong.

Bác sỹ Volberding đã khám nghiệm các bệnh nhân đầu tiên nhiễm bệnh AIDS tại San Francisco và từ đó cho đến nay ông vẫn là một trong người đi tiên phong trong cuộc nghiên cứu về chứng bệnh này. Theo bác sỹ Volberding thì trải qua 25 năm, AIDS đã trở thành một chứng bệnh kinh niên có thể điều trị được. Với những chương trình xét nghiệm được đem áp dụng, thêm nhiều người biết được rằng họ bị lây loại vi rút này nhưng vẫn sống khỏe mạnh. Với những thứ thuốc mới, vi rút HIV có thể được chế ngự và giúp cho người bệnh có được đời sống khỏe mạnh, bình thường.

Những thuốc men mà chúng ta có được ngày nay thực sự giúp ích rất nhiều và khá tiện dụng; chúng ta đã ra khỏi thời kỳ mà bệnh nhân phải dùng những liều lượng thật cao của một loaị thuốc đặc trị nào đó gây ra rất nhiều phản ứng phụ cho bệnh nhân như chúng ta đã chứng kiến vào giai đoạn khởi đầu. Nhưng chúng ta vẫn liên tục cần đến những loại thuốc mới vì, tôi xin nhắc lại một lần nữa, loại vi rút này biến thái rất nhanh.

Bác sỹ Volberding cho hay một trong những bài học mà cộng đồng y học đã lãnh hội được trong 25 năm qua là giá trị của việc cộng tác với các nhóm bệnh nhân và các tổ chức cộng đồng. Một trong những tổ chức đó là viện tiếp nhận người bệnh AIDS có tên là Maitri. Viện này được thành lập năm 1984 khi một nhóm những phật tử tu tập theo phương pháp thiền đã mở cửa nơi tu học của họ để đón nhận 8 bệnh nhân bệnh AIDS bị gia đình, chủ nhà và người thuê chung phòng của họ ruồng bỏ. Ngày nay nơi này đã được mở rộng hơn trong một căn nhà kiểu Victoria được tân trang với 15 giường bệnh và có một ban nhân viên với một ít người và những tình nguyện viên đến giúp quản trị.

Trước hết chỗ này coi như là một mái nhà cho họ nương tựa, và sau là một phương tiện chăm sóc cho họ. Và điều tế nhị này thực sự đã tạo nên sự khác biệt mà tôi nhận thấy được, hiểu theo nghĩa là người bệnh cảm thấy được chăm sóc vào những ngày tháng cuối của cuộc đời.

Cựu giám đốc chấp hành Bill Musick của cơ sở tiếp nhận bệnh nhân Mairi nói rắng người bệnh nặng tìm đến Mairi ví họ biết rằng họ sẽ được chăm sóc tử tế cho đến lúc lâm chung.

Một trong những câu ngạn ngữ của viện tiếp dưỡng này là "không ai phải chết trong cô đơn", và chúng tôi phải biết chắc rằng điều đó không xảy ra nơi viện tiếp dưỡng này. Đó là điều thực sự tạo cho chúng tôi uy tín, một sứ mạng mang đầy tính nhân ái, và đức từ bi là tôn chỉ của viện tiếp đưỡng Maitri.

Lòng từ bi dành cho bệnh nhân vaò những năm đầu khi dịch bệnh mới xuất hiện rất thiếu thốn. Những người đồng tính luyến ái nam chết vì bệnh thường không được một chút thương cảm gì từ lớp người thường trung bình ở Mỹ. Nhưng ông Cleve Jones đã tìm cách để chứng tỏ cho thế giới biết là bệnh AIDS ảnh hưởng đến tất cả mọi người ra sao qua điều được gọi là một dự án nghệ thuật cộng đồng. Tại một cuộc mít tinh lớn trong đêm thắp nến canh thức, Ông đưa ra sáng kiến may một tấm tranh lớn trên có thêu tên hàng trăm người thân và bè bạn đã chết vì bệnh AIDS của những người đến tham dự.

Khi nhìn thấy tấm tranh vải này tôi tự nhủ” trông nó giống như một tấm khăn trải giường thật đẹp mà bà nội và bà cố tôi từng may cho tôi vậy. Tôi chợt nghĩ “ đây quả thật là một biểu tượng thật đẹp, một tiêu biểu toàn bích cho những giá trị gia đình của giới trung lưu tại nước Mỹ và đó chẳng là điều hay sao khi những giá trị này được đem ra áp dụng vào tấm tranh vải này ?

Giờ đây tấm tranh vải này mang tên của hơn 83000 người và nó đã được đưa đến rất nhiều cộng đồng trên thế giới; hơn 15 triệu người đã được xem.

Đối với những ai vẫn còn đang sống với bệnh AIDS, ông Jones muốn thấy lòng từ bi từ các công ty dược phẩm, để hạ giá thuốc chữa bệnh AIDS xuống.

Những thứ thuốc giúp cho tôi còn sống đến ngày nay ở Mỹ vào khoảng 2400 đô la một tháng. Cũng những thứ thuốc tượng tự, tức là thuốc phiên bản nếu được sản xuất thì giá chỉ bằng một phần rất nhỏ mà thôi. Vì vậy đây là trở ngại lớn nhất trong việc chữa trị cho bệnh nhân ở những phần còn lại trên thế giới.

Theo ước tính, hiện nay có chừng 39 triệu người trên toàn thế giới đang mang trong người vi rút HIV hoặc bệnh AIDS. Những người vận động cho cuộc đấu tranh chống bệnh AIDS như ông Cleve Jones hy vọng rằng khi mà những thứ thuốc mới được phát minh, có thêm được ngân quĩ cho cuộc vận động phòng chống và có những chính sách mới được thực thi thì cuối cùng chứng bệnh AIDS sẽ được chế ngự.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG