Đường dẫn truy cập

Tranh chấp giữa Trung Quốc và tòa thánh Vatican


Tại một buổi lễ ở Nam Kinh hôm thứ sáu vừa qua, ông Lục Tân Bình đã trở thành người thứ tư kể từ đầu tháng 5 được Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc tấn phong giám mục mà không có sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng. Diễn tiến này cho thấy mối căng thẳng ngày càng tăng giữa Tòa thánh Vatican với các nhà lãnh đạo Cộng sản ở Bắc Kinh và gây phương hại đáng kể cho nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa đôi bên. Một số chi tiết về vấn đề này sẽ do Duy Ái trình bày trong tiết mục Nhìn Về Á Châu sau đây. Xin mời quí vị theo dõi:

Cách đây không lâu nhiều người đã tỏ ý tin tưởng là mối quan hệ chính thức giữa Tòa Thánh Vatican với Trung Quốc sẽ được tái lập sau hơn 50 năm bị gián đoạn kể từ khi phe Cộng sản lên nắm quyền ở Hoa Lục. Hồng Y Trần Nhật Quân của giáo phận Hồng kông, người đã được Đức Giáo Hoàng Benedicto 16 bổ nhiệm làm thành viên Thánh bộ Truyền bá Tin Mừng, có nói rằng: quan hệ ngoại giao với Trung Quốc có thể được nối lại vào năm 2008, nếu Tòa thánh Vatican chấp nhận một điều kiện chính là cắt đứt quan hệ với Đài Loan.

Tuy nhiên, những mối căng thẳng giữa Bắc Kinh và Roma đã gia tăng khá nhanh trong vài tuần qua, khi Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc, thường được gọi là giáo hội Quốc doanh, liên tiếp tấn phong nhiều vị giám mục mà không có sự đồng ý của Đức Giáo Hoàng. Tại một buổi lễ ở Nam Kinh hôm thứ 6, ông Lục Tân Bình đã trở thành nhân vật thứ tư ở Trung Quốc được phong chức giám mục mà không có sự chấp thuận của Vatican. Ba người khác được phong chức giám mục trong loạt bổ nhiệm gây nhiều tranh cãi này là các ông Mã Anh Lâm ở Vân Nam, ông Lưu Tân Hồng ở An Huy, và ông Chiêm Tư Lộc ở Phúc Kiến.

Theo lời Hồng Y Trần Nhật Quân, giới hữu trách Trung Quốc vốn dĩ không cần phải hành động như thế vì việc bổ nhiệm giám mục là một việc mà đôi bên có thể thương thảo với nhau.

Vấn đề này có thể giải quyết bằng cách là Tòa thánh Vatican đưa ra một danh sách, rồi phía Trung Quốc cho biết ý kiến của mình đối với danh sách đó. Như thế đôi bên có thể đi tới một thỏa hiệp.

Theo tường thuật do thông tín viên Luiz Ramirez của đài VOA gởi về từ Bắc Kinh, người quyết định những vụ bổ nhiệm này là ông Lưu Bách Niên – một nhân vật có nhiều thế lực và đang giữ chức Phó Chủ tịch Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc. Trong nhiều năm qua, ông Lưu Bách Niên đã hành xử những quyền hạn mà theo giáo luật của Giáo hội Thiên chúa giáo La Mã là thuộc về Đức Giáo Hoàng, như bổ nhiệm giám mục và kiểm soát hoạt động của những người này. Điều này khiến những người chỉ trích ông Lưu đặt cho ông biệt danh là “Hắc Giáo Hoàng” hay “Giáo Hoàng Đen.”

Trong cuộc phỏng vấn mới đây tại Bắc Kinh, ông Lưu Bách Niên cho biết ông ủng hộ việc bình thường hóa quan hệ với Roma, nhưng ông nói thêm rằng Trung Quốc có những lý do chính đáng để khước từ đòi hỏi của Vatican là chỉ có Đức Giáo Hoàng mới được quyền bổ nhiệm các giám mục ở Trung Quốc. Oâng Lưu tuyên bố như sau:

Điều mà dân chúng Trung Quốc lo ngại là Giáo hội Thiên chúa giáo La mã sẽ bổ nhiệm những giám mục có thể mang lại phản tác dụng như trường hợp đã xảy ra ở Ba Lan và Tiệp khắc, hay bổ nhiệm những người can dự quá độ vào các hoạt động chính trị như vị giám mục ở Hồng kông hiện nay.

Vị giám mục ở Hồng kông mà ông Lưu Bách Niên vừa đề cập chính là Hồng Y Trần Nhật Quân, người đã đưa ra những lời tuyên bố ủng hộ dân chủ, khiến giới lãnh đạo ở Bắc Kinh cảm thấy bất an. Theo tường thuật của nhật báo Tinh Đảo ở Hồng kông, số ra ngày thứ ba vừa qua, hai ông Lưu, Trần vốn là bạn bè khá thân nhưng đã trở thành những người kình địch cách đây 6 năm sau khi xảy ra vụ tranh chấp về việc phiên dịch sang Hoa Ngữ một số văn kiện của giáo hội. Hồng Y Trần muốn giữ nguyên một đoạn văn nói rằng Giáo hội Công giáo kiên quyết bác bỏ chủ nghĩa Cộng sản, nhưng ông Lưu thì muốn cắt bỏ đoạn này trong bản dịch với lý do là giáo hội chỉ nên lo việc rao giảng Tin Mừng mà không nên đề cập tới vấn đề chính trị.

Hồng Y Trần Nhật Quân cho biết: ông tin là ông Lưu Bách Niên và Hội Công giáo Yêu nước có thể lo ngại về việc bị mất quyền hành và họ đã lợi dụng việc bổ nhiệm giám mục mà không có sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng để phá hoại cuộc điều đình giữa Bắc Kinh với Roma.

Việc phong chức giám mục như thế là bất trung và bất lịch sự. Điều này khiến cho cuộc thương lượng không thể xúc tiến được. Chúng tôi không rõ là việc này thật sự do chính phủ Trung Quốc quyết định, hay là vì Hội Công giáo Yêu nước lo ngại về tương lai của họ một khi cuộc đối thoại với Tòa Thánh đạt được kết quả và đôi bên quyết định bình thường hóa quan hệ.

Các nhà quan sát cho rằng hiện vẫn chưa rõ ai là người muốn phá hoại cuộc điều đình giữa Bắc Kinh với Roma. Một số người cho rằng: có thể là ông Lưu Bách Niên và giáo hội Quốc doanh của ông tự ý làm như thế, mà cũng có thể là những nhà lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc lo ngại về ảnh hưởng của Tòa thánh Vatican và họ đã lợi dụng Hội Công giáo Yêu nước để gây đình trệ cho tiến trình bình thường hóa quan hệ.

Một số các nhà quan sát cũng cho rằng giới lãnh đạo Trung Quốc có thể cảm thấy bất an trước tình trạng là số người Trung Quốc theo đạo Công giáo tiếp tục gia tăng. Trong khi đó, nhiều tín đồ Công giáo ở Trung Quốc, như người phụ nữ ở Bắc Kinh mà quí vị nghe sau đây, cho rằng: vụ tranh cãi hiện nay giữa Tòa thánh Vatican và chính phủ ở Bắc Kinh mang nhiều tính chất chính trị và khó lòng có thể giải quyết trong một sớm một chiều. Người phụ nữ Công giáo muốn giấu tên này cho biết như sau:

Điều này không ảnh hưởng tới đức tin của tín đồ Công giáo Trung Quốc. Tuy nhiên vấn đề là chính phủ Trung Quốc và Tòa thánh La mã tiếp tục đối đầu với nhau. Việc hòa giải có thể sẽ không thực hiện được, bởi vì Trung Quốc do đảng Cộng sản cai trị mà đảng Cộng sản thì không muốn hòa giải hay thỏa hiệp. Những người theo đạo Công giáo ở Trung Quốc đều nghĩ như vậy, và chúng tôi chỉ biết làm một điều duy nhất mà chúng tôi có thể làm là tới nhà thờ mỗi ngày để cầu nguyện.

Theo các số liệu của chính phủ ở Bắc Kinh, Trung Quốc hiện có khoảng 5 triệu tín đồ Công giáo. Ông Lưu Bách Niên mới đây có cho biết rằng: hiện có hơn 40 giáo phận chưa có giám mục, và giáo hội Quốc doanh của ông sẽ tiếp tục bổ nhiệm giám mục, bất kể là có hay không có sự chấp thuận của Tòa thánh Vatican.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG