Đường dẫn truy cập

Ngân hàng Phát triển Châu Á: Ðồng đôla Mỹ có thể bị phá giá


Ngân hàng Phát triển Châu Á cảnh báo các chính phủ Châu Á về việc đồng đôla Mỹ có thể bị phá giá trong khi khoản thâm hụt mậu dịch ngày càng tăng giữa các nước Á Đông và các đối tác thương mại phương Tây. Từ Hồng Kông, TTV Heda Bayron của đài VOA tường thuật rằng các chính phủ trong khu vực đang đứng trước một công tác khó khăn. Huyền Trang trình bày chi tiết:

Khoản thâm hụt mậu dịch ngày càng tăng của Hoa Kỳ là một mối quan tâm của toàn thế giới trong mấy năm gần đây, nhưng khi mà số dự trữ ngoại tệ của các nước Châu Á tăng lên khoảng 2000 tỷ đôla thì các kinh tế gia đã vội vàng lên tiếng hối thúc phải có hành động ngay tức khắc trước khi có thể xảy ra một cuộc khủng hoảng. Trong một bản phúc trình mới đây, Ngân hàng Phát triển Châu Á cảnh báo rằng đồng đôla đang có nguy cơ sụt giá rất nhanh, nếu các nhà đầu tư không còn tin tưởng vào nền kinh tế của Hoa Kỳ.

Ông Ifzal Ali, kinh tế gia trưởng của Ngân hàng Phát triển Châu Á, cho rằng nếu đồng đô la sụt giá nhanh thì điều đó sẽ đưa tới hai trường hợp bất lợi cho Châu Á, vốn coi Hoa Kỳ là một đối tác thương mại quan trọng. Ông Ali nói rằng nếu đồng đô la sụt giá thì hàng xuất khẩu từ Châu Á sang Hoa Kỳ sẽ mắc hơn.

Đồng thời, vì đồng đôla sụt giá, Hoa Kỳ có thể sẽ tăng lãi suất; điều này sẽ khiến cho mức cầu và mức tiêu thụ hàng hóa Á Đông giảm xuống tại Hoa Kỳ. Ngoài ra, bởi vì nhiều nước Châu Á đang giữ một số rất lớn tích sản của Hoa Kỳ, trị giá các tích sản đó sẽ sụt giảm nếu đồng đôla suy yếu đi. Ông Ali nói thêm rằng hiện nay không có một phương cách dễ dàng nào để thoát khỏi tình trạng tiến thoái lưỡng nan này. Tuy nhiên, ông cho rằng Châu Á nên bắt đầu chi tiêu số hiện kim thặng dư của mình. Nếu giới tiêu dùng, các doanh nghiệp và các chính phủ chi tiêu nhiều hơn thì điều đó sẽ giúp các nước Châu Á giảm bớt hàng xuất khẩu và gia tăng hàng nhập khẩu. Ông Ali giải thích:

Châu Á sẽ phải khắc phục tình trạng khó khăn này. Số cầu quốc nội tại Châu Á, về cả tiêu thụ lẫn đầu tư, sẽ phải tăng lên thì mới có thể vượt qua tình trạng khó khăn này. Nhưng muốn tiêu thụ nhiều hơn thì cũng phải mất một thời gian khá lâu.

Ngân hàng Phát triển Châu Á ghi nhận rằng các chính phủ Đông Nam Á đang cố gắng chi tiêu nhiều hơn nhưng cho tới nay vẫn chưa thay đổi được gì trong số thặng dư mậu dịch của họ. Ngân hàng Phát triển Châu Á là một cơ chế cho vay tiền bất vụ lợi trong khu vực; lâu nay Ngân hàng Phát triển Châu Á vẫn tìm cách đẩy mạnh đà phát triển các thị trường vốn của Châu Á, nơi số hiện kim thặng dư có thể đem đầu tư vào trái khoán hoặc các loại chứng khoán khác.

Số ngoại tệ dự trữ của Trung Quốc đã tăng vọt lên tới 853 tỷ đôla hồi tháng hai, qua mặt Nhật bản và trở thành quốc gia có nhiều ngoại tệ nhất Châu Á. Khoản thâm hụt mậu dịch của Hoa Kỳ đã tăng hơn 5% hồi tháng giêng vừa qua, lên tới 68 tỷ rưỡi đô la, so với một tháng trước đó.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG