Đường dẫn truy cập

Chính sách một con của Trung Quốc và tệ nạn buôn người


Các giới chức Hoa kỳ mới đây đã bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực của chính sách kế hoạch hóa gia đình ở Trung quốc đối với những nỗ lực quốc tế nhằm bài trừ tệ nạn buôn người. Thứ trưởng lao động Mỹ, ông Steven Law cho biết trong số khoảng 600 tới 800 ngàn người bị mua bán ra nước ngoài trên toàn thế giới có đến 250 ngàn nạn nhân là ở Trung quốc. Theo ông Law, sự mất quân bình giới tính ở Trung quốc, phát sinh từ chính sách một con, là một trong những nguyên do gây ra tình trạng này. Mời quí vị theo dõi thêm một số chi tiết về vấn đề này trong tiết mục Nhìn Về Á Châu:

Tại cuộc điều trần ở quốc hội Hoa kỳ hôm thứ hai vừa qua, các nhà lập pháp và các giới chức chính phủ Mỹ đã bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực của chính sách mỗi phụ nữ chỉ sinh một đứa con của Trung quốc, thường được gọi là chính sách “nhất thai hóa”, đối với những nỗ lực quốc tế nhằm bài trừ tệ nạn buôn người. Thứ trưởng bộ Lao động Hoa kỳ, ông Steven Law, cho biết: trong số khoảng 600 tới 800 ngàn người bị mua bán ra nước ngoài trên toàn thế giới có đến 250 ngàn nạn nhân là ở Trung quốc. Theo ông Law, sự mất quân bình giới tính ở Trung quốc, phát sinh từ chính sách một con, là một trong những nguyên do gây ra tình trạng này.

Chúng ta cần phải lưu ý một điều là có rất nhiều yếu tố đã hội tụ với nhau ở Trung quốc để đưa tới tình trạng là quốc gia này rất dễ bị nạn buôn người hoành hành. Trung quốc có một khối dân khổng lồ và sự chuyển dịch dân số trong nước đã gia tăng rất nhanh chóng trong những năm gần đây. Trung quốc còn nằm gần những quốc gia mà nạn buôn người khá phổ biến. Và trong lúc tệ nạn cưỡng bức hôn nhân đang lan tràn trong nước thì chính quyền lại tiếp tục áp dụng chính sách nhất thai hóa, khiến cho tình trạng nam nữ thiếu trở nên nghiêm trọng hơn.

Dân biểu Christopher Smith, chủ tịch tiểu ban nhân quyền thuộc ủy ban quan hệ quốc tế Hạ viện, cũng đề cập đến điều vẫn thường được gọi là 100 triệu bé gái bị mất tích ở Trung quốc. Theo dân biểu Smith, chính sách nhất thai hóa chính là thủ phạm gây ra nạn giết hại những bé gái sơ sinh.

Chính sách mỗi cặp vợ chồng chỉ có một đứa con áp đặt những khoản tiền phạt có thể khiến cho những người vi phạm phải táng gia bại sản: khi có một đứa con nằm ngoài kế hoạch của chính phủ, người dân phải đóng một khoản tiền phạt bằng 10 lần khoản tiền lương hàng năm của cả vợ lẫn chồng. Một hậu quả trực tiếp của những tội ác chống nhân loại này ở Trung quốc hiện nay là những bé gái bị mất tích – những em bé bị giết hại chỉ vì các em là bé gái. Các em này là những nạn nhân của nạn giết trẻ sơ sinh vì giới tính.

Tại cuộc điều trần này, các chuyên gia Trung quốc học cũng cho biết: nhiều phụ nữ ở các nước láng giềng của Trung quốc, như Bắc triều tiên, đã bị mua bán sang Trung quốc để phục vụ tại những địa điểm mại dâm hoặc bị mang đi gả bán trong những vụ hôn nhân cưỡng bách. Các chuyên gia này cho biết thêm rằng tình trạng nam thừa nữ thiếu ở Trung quốc sẽ lên đến cao điểm vào năm 2020, là lúc có tới 40 triệu người đàn ông Trung quốc không tìm ra được người phối ngẫu.

Một ngày trước khi diễn ra cuộc điều trần ở quốc hội Mỹ, một chuyên gia dân số của Trung quốc đã lên tiếng yêu cầu chính quyền áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt để ngăn chận việc những người giàu có lợi dụng tình trạng dư giả tiền bạc để vi phạm chính sách một con. Theo tường thuật của hãng thông tấn Reuters, ông Dương Khôi Phục, phó chủ tịch Ủy ban dân số và môi trường, đã đưa ra yêu cầu vừa kể tại cuộc họp thường niên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Toàn quốc. Theo phái viên của hãng Reuters, việc có những người sẵn sàng đóng 150000 nhân dân tệ tiền phạt, tương đương với 18700 đô la hay 20 lần mức thu nhập bình quân đầu người, để có thể sinh thêm một đứa con là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự chênh lệch giàu nghèo quá độ ở Trung quốc hiện nay.

Chính phủ Trung quốc cho rằng chính sách một con, áp dụng trong gần 30 năm qua, đã giúp cho quốc gia đông dân nhất thế giới này có được tình trạng tương đối phồn vinh ngày hôm nay. Theo ước tính của các chuyên gia ở Bắc kinh, nếu không có chính sách này, dân số Trung quốc hiện nay sẽ ở mức 1 tỉ 700 triệu người thay vì 1 tỉ 300 triệu. Giáo sư Delia Davin của Đại học Leeds ở Anh cũng tán đồng nhận định này. Trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho đài Tiếng nói Hoa kỳ, giáo sư Davin cho biết như sau:

Tôi tin rằng việc hạn chế đà gia tăng dân số đã giúp cho Trung quốc nâng cao trình độ học vấn của người dân, đặc biệt là ở các bé gái. Điều này cũng giúp nâng cao mức sống của các gia đình ít con.

Mặc dầu vậy, bà Davin cũng tán đồng nhận xét của nhiều chuyên gia khác cho rằng: ngoài nạn giết hại bé gái và nạn nam thừa nữ thiếu, chính sách một con của Trung quốc còn tạo ra những vấn đề nghiêm trọng về xã hội và kinh tế. Theo các chuyên gia xã hội, nhiều cặp vợ chồng ở Trung quốc đã nuông chiều quá độ đứa con duy nhất của họ, và điều này khiến cho những đứa trẻ thuộc thế hệ mới, thường được gọi là “tiểu hoàng đế”, dễ lâm vào tình trạng hư đốn, thiếu khả năng giao tế xã hội và thiếu những kỹ năng cần thiết để làm việc chung với người khác.

Tại một cuộc hội thảo về vấn đề dân số và kinh tế do Đại học Bắc kinh tổ chức hồi tháng 12 vừa qua, nhiều chuyên gia kinh tế Trung quốc tỏ ý lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực của sinh suất thấp đối với triển vọng phát triển kinh tế.

Ông Thái Phương, Giám đốc Viện Dân số và Kinh tế của Viện Khoa học Xã hội Trung quốc, cho biết lực lượng lao động Trung quốc sẽ ổn định ở cao điểm vào năm 2013 và sau đó sẽ bắt đầu sút giảm. Theo ông Thái Phương, điều này khiến cho phần đóng góp của lao động đối với GDP, vốn nằm ở mức hơn 25% trong hai thập niên qua, sẽ bị sút giảm và gây nhiều thiệt hại cho tốc độ phát triển kinh tế. Một chuyên gia khác về vấn đề dân số Trung quốc, giáo sư Vương Phong của Đại học California ở Irvine, cũng tán đồng nhận xét của ông Thái Phương. Trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho đài Tiếng Nói Hoa kỳ, ông Vương Phong nói rằng lực lượng lao động bị thu hẹp là “một tai họa” đối với kinh tế Trung quốc.

Nguồn cung ứng lao động sẽ ngưng gia tăng vào năm 2013, và sẽ bắt đầu sút giảm sau đó. Đối với nền kinh tế Trung quốc, tuy vấn đề thất nghiệp vẫn là một điều cần quan tâm, nhưng một trong những yếu tố giúp cho nền kinh tế Trung quốc được thành công trong nền kinh tế toàn cầu chính là việc nước này tiếp tục có được một khối người lao động trẻ trung và có tay nghề cao.

Hiện tượng lão hóa xã hội đã khiến nhiều người trong giới học thuật Trung quốc đề nghị chính phủ thay đổi hẳn hoặc điều chỉnh chính sách dân số hiện nay. Tuy vậy, các giới chức của Bộ Dân số ở Bắc kinh cho biết chính sách nhất thai hóa sẽ tiếp tục được áp dụng với mục tiêu là giữ cho dân số ở mức 1 tỉ 370 triệu người vào năm 2010.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG