Đường dẫn truy cập

Tình hình HIV/AIDS tại Việt Nam - Báo cáo của phái đoàn Trung Tâm Nghiên Cựu Chiến Lược và Quốc Tế Hoa Kỳ


Thưa quý thính giả, vào tháng Giêng năm nay, một toán đặc nhiệm HIV-AIDS thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế của Hoa Kỳ đã trở về nước, sau một chuyến đi thăm Việt Nam kéo dài một tuần lễ, mục đích của sứ mạng này là để thẩm định tình hình bệnh AIDS tại Việt Nam, và thăm dò cách thức phối hợp các nỗ lực chống AIDS quốc tế và tiếp tay với Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống HIV- AIDS. Sứ mạng này được sự giúp đỡ của Hội Từ Thiện Bill & Melinda Gates, và do hai thượng nghị sĩ Mỹ bảo trợ: Thượng Nghị Sĩ Richard Lugar thuộc đảng Cộng Hòa và Thượng Nghị Sĩ John Kerry, đảng Dân Chủ.

Hôm thứ Năm tại Washington, phái đoàn này đã cho công bố một phúc trình sơ khởi về chuyến tham quan Việt Nam, đồng thời đưa ra một số đề nghị tại một cuộc họp diễn ra tại trụ sở Thượng Viện Hoa Kỳ. Hoài Hương của ban Việt Ngữ có mặt trong buổi họp và tường trình như sau:

Phái đoàn Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế do cựu Bộ Trưởng Y Tế Hoa Kỳ, ông Tommy Thompson, dẫn đầu, có mặt tại Việt Nam từ ngày 8 tháng Giêng cho đến ngày 13 tháng Giêng năm 2006.

Hiện diện trong phiên họp để báo cáo kết quả chuyến đi Việt Nam, có 3 diễn giả chính, đó là ông Peter Piot, Tổng Giám Đốc Cơ Quan chống AIDS Liên Hiệp Quốc, cựu Bộ Trưởng Y Tế Hoa Kỳ Tommy Thompson trong vai trò chủ tịch phái đoàn Mỹ, và ông Stephen Morrison, Giám Đốc toán đặc nhiệm Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế.

Mở đầu cuộc họp, Tổng Giám Đốc UNAIDS Peter Piot nhận xét Việt Nam là một nước tiêu biểu cho những phức tạp của dịch bệnh AIDS, nhưng đồng thời Việt Nam cũng cung cấp một cơ hội để có thể chận đứng dịch bệnh AIDS, trước khi nó lây lan đến mức khó có thể kiểm soát.

Việt Nam vẫn còn triển vọng có thể ngăn chận một dịch bệnh lan rộng trong công chúng. Đó là một điểm tích cực, thế nhưng Việt Nam cũng tiêu biểu cho những khó khăn và thử thách mà HIV/AIDS đặt ra cho các xã hội tại Châu Á.

Theo ông Peter Piot, nói chung bệnh AIDS vẫn bị coi là một tệ nạn xã hội tại Việt Nam và giới có nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS vẫn bị liệt vào thành phần tội phạm hoặc có hành động bất hợp pháp, như giới chích ma túy và giới hành nghề mại dâm.

Tại Việt Nam, sự lãnh đạo của chính quyền là một yếu tố thiết yếu, nhưng theo tôi, tại Hoa Kỳ này, sự lãnh đạo của chính phủ Mỹ cũng vô cùng quan trọng trong công cuộc chống AIDS tại một nước như Việt Nam, xét quan hệ đặc biệt giữa hai nước.

Chủ Tịch phái đoàn CSIS, cựu Bộ Trưởng Y Tế Tommy Thompson nói ông có ấn tượng tốt về Việt Nam liên quan tới nỗ lực chống HIV/AIDS:

Riêng về vấn đề HIV/AIDS, tôi có ấn tượng tốt về sự kiện tại cả hai miền Nam và Bắc Việt Nam, giới lãnh đạo sẵn sàng tham dự, họ muốn làm một điều gì, tuy có lẽ họ chưa biết rõ rệt sẽ làm gì, và làm cách nào, và đôi khi còn có vẻ nghi ngại về HIV/AIDS.

Ông Thompson nhận xét tại Việt Nam thái độ kỳ thị đối với người mắc bệnh AIDS vẫn phổ biến và vẫn xảy ra một số hành động vi phạm nhân quyền, mà theo ông, cần phải được sửa đổi:

Những người nhiễm HIV/AIDS vẫn còn bị xa lánh, và có nhiều hành động vi phạm nhân quyền xảy ra, và điều này phải được giải quyết, thế nhưng tôi rất lấy làm ấn tượng về sự kiện Việt Nam có những bác sĩ rất giỏi, một hệ thống y tế tốt, và chính phủ Việt Nam đã bỏ 200 triệu đôla một năm vào lĩnh vực chăm sóc y tế.

Theo Bộ Trưởng Thompson, nếu có một nước nơi triển vọng chận đứng dịch bệnh AIDS có thể khả thi, thì đó chính là Việt Nam. Ông giải thích như sau:

Nếu có một quốc gia trên thế giới mà chúng ta thực sự có thể kiểm soát được dịch bệnh AIDS, giảm thiểu nguy cơ của nó, và giảm các ca nhiễm HIV/AIDS, thì đó là Việt Nam, với điều kiện chúng ta phải sát cánh và phối hợp với nhau trong cuộc đấu tranh ấy.

Ông Stephen Morrison, Giám Đốc Toán Đặc Nhiệm HIV/AIDS của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế cũng đồng ý với ông Thompson, ông Morrison cho rằng Việt Nam phải sửa đổi luật pháp để tránh các trường hợp kỳ thị người nhiễm HIV/AIDS xảy ra, vì đây, theo ông, là một trong những trở ngại nghiêm trọng trong cuộc đấu tranh chống HIV/AIDS.

Kết luận: Từ Việt Nam trở về, Phái đoàn CSIS bày tỏ thái độ tương đối lạc quan về triển vọng có thể kiểm soát được sự lây lan của dịch HIV/AIDS tại Việt Nam. Nhưng theo lời các đại diện phái đoàn Hoa Kỳ, thì niềm hy vọng đó, một phần nào cũng bị tác động bởi nhận thức về một số vấn đề nghiêm trọng mà cả Việt Nam lẫn các đối tác quốc tế phải đối đầu, giữa lúc hai bên đang đẩy mạnh các nỗ lực chống HIV/AIDS.

Phái đoàn CSIS kết luận rằng muốn chận đứng dịch bệnh này, Việt Nam phải vượt qua được một số chướng ngại nghiêm trọng, như thái độ kỳ thị của xã hội đối với các nạn nhân HIV/AIDS, Việt Nam phải đề xuất một kế hoạch toàn diện để chữa trị và ngăn chận việc sử dụng ma túy, sửa đổi luật pháp để ngăn chận các hành động kỳ thị và bảo đảm quyền riêng tư của các bệnh nhân, đồng thời cải thiện cách chữa trị cho giới chích ma túy bằng những phương pháp thoáng hơn, như cung cấp tiêm chích. Toán đặc nhiệm cảnh giác nếu không hành động, thì các tiến bộ chống HIV/AIDS sẽ khựng lại và dịch HIV/AIDS sẽ tiếp tục lây lan nhanh chóng tại Việt Nam.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG