Đường dẫn truy cập

Phúc trình thường niên về nhân quyền của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ


Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ phổ biến phúc trình thường niên về tình hình nhân quyền trên toàn thế giới, trong đó đã chỉ trích thành tích nhân quyền của một số nước, kể cả một số nước Ả rập đồng minh của Hoa Kỳ, như là Iraq. Sau đây là những ý chính của tập phúc trình và một số điểm liên quan đến một vài nước Châu Á, đặc biệt là Việt Nam.

Tập phúc trình dày cộm, được soạn ra hằng năm theo quy định của Quốc Hội, đã đưa ra những đánh giá vui buồn về tình hình nhân quyền trên toàn thế giới.

Phúc trình ghi nhận có tiến bộ dân chủ tại một vài quốc gia Trung Đông và Liberia.

Nhưng phúc trình nhắc lại những chỉ trích đối với những quốc gia từng có thành tích vi phạm nhân quyền, trong đó có Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Iran và Zimbabwe. Phúc trình cho rằng có những xu hướng vi phạm mới nổi lên, chẳng hạn hạn như nhiều quốc gia đang ra sức hạn chế truy cập và kiểm soát nội dung của Internet.

Phúc trình đã được mang ra giới thiệu trong buổi họp báo trưa thứ Tư của Ngoại Trưởng Hoa Kỳ bà Condoleezza Rice. Bà Rice Ngoại Trưởng việc phát huy nhân quyền và dân chủ của Hoa Kỳ nằm trong những nguyên tắc mà người Hoa Kỳ quý trọng nhất, và điều đó đang giúp xây dựng một thế giới hòa bình hơn. Ngoại Trưởng Hoa Kỳ nói tiếp:

Cách thức mà một quốc gia đối xử với chính nhân dân của họ là một chỉ dấu mạnh mẽ cho thấy quốc gia đó sẽ đối xử ra sao với các quốc gia lân bang. Đòi hỏi ngày càng tăng đối với một chính quyền, buộc chính quyền phải hành xử một cách dân chủ, phản ánh một sự nhìn nhận rằng bảo đảm tốt nhất cho nhân quyền, là phải có một nền dân chủ với những định chế chính quyền minh bạch, có trách nhiệm, có các quyền bình đẳng trước pháp luật, một xã hội dân sự mạnh, đa nguyên về chính trị và truyền thông độc lập.

Phúc trình cho rằng thành tích nhân quyền của Trung Quốc vẫn còn kém, và trong năm vừa qua, Chính phủ Bắc Kinh đã đưa ra những biện pháp nghiêm ngặt hơn để kiểm soát báo chí, cùng lúc với việc kiểm duyệt nội dung của Internet.

Phúc trình nói rằng chính phủ quân sự tại Miến Điện cai trị quốc gia bằng chỉ thị và kiểm soát với bàn tay sắt, những ai được xem là đối lập , thông qua các biện pháp như theo dõi, sách nhiễu và cầm tù những người hoạt động chính trị, đáng chú ý nhất là các biện pháp nhắm vào bà Aung San Suu Kyi.

Liên quan đến Việt Nam, phúc trình của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nói rằng thành tích nhân quyền của Chính phủ Việt Nam vẫn chưa đạt yêu cầu.

Các quan chức Việt Nam, đặc biệt là quan chức cấp cơ sở, tiếp tục có những vụ lạm quyền nghiêm trọng, mặc dù có tiến bộ trong năm qua.

Công an vượt quá quyền hạn của mình khi xử lý nghi can bị tạm giam, điều kiện khắc nghiệt tại nhà giam, bỏ tù nhiều người hoạt động chính trị và tôn giáo, hạn chế quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp và lập hội, hạn chế tự do tôn giáo, hạn chề tự do di chuyển, buôn bán phụ nữ và trẻ em, phân biệt đối xử với một số nhóm sắc tộc thiểu số.

Trong năm vừa qua, Chính phủ Việt Nam có đưa ra những biện pháp cải thiện vấn đề tôn trọng nhân quyền, trong đó có quyền của các công nhân.

Chính phủ Việt Nam đã thực thi một thỏa thuận với Chính phủ Kampuchia và Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc để tạo điều kiện thuận lợi nhằm hồi hương gần 200 người sắc tộc thiểu số ở vùng Tây Nguyên. Chính quyền Việt Nam đã tạo một khung pháp lý mới và tương đối cởi mở về tự do tôn giáo, kết quả là các giáo hội tại gia của người Tin Lành ở một số khu vực miền Nam và miền Trung được thoáng hơn.

Không giống như những năm trước đây, năm vừa qua không có báo cáo đáng tin cậy nào cho biết là tại Việt Nam có những vụ mất tích vì lý do chính trị.

Trong năm vừa qua, chính quyền Việt Nam không cho phép hội Chữ Thập Đỏ Quốc Tế, các tổ chức phi chính phủ hoặc các nhà quan sát ngoại giao quốc tế đến thăm các nhà tù.

Dù luật pháp cấm đoán chuyện bắt bớ và giam giữ tùy tiện, nhà chức trách vẫn tiếp tục bắt giữ những công dân bày tỏ ý kiến của mình một cách ôn hòa.

Lực lượng công an nói chung là có hiệu quả để giữ ổn định chính trị và trật tự công cộng; nhưng trình độ chuyên môn vẫn còn thấp, đặc biệt là tay nghề về điều tra. Tham nhũng là một vấn đề lớn trong lực lượng công an ở mọi cấp.

Công dân Việt Nam muốn hành xử quyền tự do tôn giáo, hội họp, và bày tỏ tư tưởng của mình nhiều khi đã bị lực lượng an ninh giam giữ trong nhiều ngày.

Cũng trong năm ngoái, chính quyền đã đặc xá cho 26688 tù nhân, chia làm 3 nhóm.

Hồi tháng 2 năm ngoái, bác sĩ Nguyễn Đan Quế, một nhà hoạt động dân chủ đã được đặc xá sau khi bị kêu án vào năm 2004 về tội gọi là “lạm dụng quyền tự do dân chủ để làm hại những lợi ích của nhà nước”. Nhưng nhà báo Nguyễn Vũ Bình và bác sĩ Phạm Hồng Sơn vẫn còn bị giam vì bản án gọi là “gián điệp” vào năm 2003.

Chính phủ Việt Nam khẳng định là họ không hề giam giữ bất kỳ người nào vì lý do tôn giáo hoặc chính trị, những người thuộc diện này thường bị kêu án về tội vi phạm an ninh quốc gia và tội hình sự nói chung.

Luật pháp nói rằng người dân có quyền riêng tư đối với nhà cửa và trao đổi thư tín, nhưng chính quyền thường hạn chế đáng kể với các thứ quyền này.

Chính quyền tìm cách kiểm soát chặt chẽ Internet bằng các quy định buộc các đại lý Internet, ví dụ như các quán cà phê Internet, phải lưu trữ thông tin cá nhân của khách hàng và ghi nhận những trang web mà khách hàng đã truy cập.

Chính quyền Việt Nam tiếp tục cấm đoán những phát biểu có tính cách chất vấn vai trò của đảng cộng sản.

Vào tháng 6 năm 2004, Việt Nam giảm 5 năm tù đã áp đặt lên linh mục Ta-đê-ô Nguyễn Văn Lý nhưng vẫn giữ nguyên lệnh quản chế hành chánh trong 5 năm, sau khi linh mục được trả tự do vào tháng 2.

Chính quyền Việt Nam nói không cấm người dân nghe các đài phát thanh quốc tế, ngoại trừ Ðài Á Châu Tự Do. Chính quyền dùng tường lửa để ngăn chận những trang web được đánh giá là độc hại về mặt chính trị hoặc văn hóa, trong đó có những trang web do người Việt ở nước ngoài làm ra.

Dù sao chăng nữa, khung luật pháp mới, vẫn duy trì sự kiểm soát tổng quát của chính quyền đối với các tổ chức tôn giáo và giữ nguyên những hạn chế đối với các hoạt động giáo dục, y tế, và từ thiện của các tổ chức tôn giáo.

Trong nhiều năm qua, có những tố giác cho rằng người Thượng theo đạo Tin Lành phải ký chứng từ hoặc thực hiện một nghi thức để chính thức bỏ đạo, nếu không sẽ bị đánh đập hoặc tịch thu tài sản.

Nhà nước đặc xá cho 3 chức sắc Hòa Hảo trong năm 2004, nhưng vẫn còn có ít nhất 10 tín đồ Hòa Hảo còn bị giam.

Người dân muốn có hộ chiếu để du hành ra nước ngoài nhiều khi gặp khó khăn bởi các lý do như hối lộ hoặc tham nhũng.

Nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em nhằm mục đích khai thác tình dục vẫn còn là một vấn đề nghiêm trọng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG