Đường dẫn truy cập

Kết thúc Thế Vận Hội Mùa Ðông Torino 2006


Kết thúc Olympic Mùa Đông Torino 2006, thứ tự các nước giành được huy chương vàng nhiều nhất xếp từ 1 tới 5 là:

• Thứ nhất là Đức, được 11 chiếc huy chương vàng;
• Thứ nhì là Mỹ và Áo, mỗi nước được 9 chiếc;
• Thứ ba là Nga được 8 chiếc;
• Thứ tư là Canada và Thụy Điển, mỗi nước được 7 chiếc;
• Thứ năm là Nam Triều Tiên, được 6 chiếc.

Tính theo tổng số huy chương các loại xếp theo thứ tự từ 1 tới 5 là:

• Đứng đầu vẫn là Đức với 29 chiếc các loại;
• Thứ nhì là Mỹ, 25 chiếc;
• Thứ 3 là Canda, 24 chiếc;
• Thứ tư là Áo, 23 chiếc;
• Thứ năm là Nga, 22 chiếc.

Tại Olympic Mùa Đông lần trước tổ chức tại Salt Lake City ở Mỹ, Đức cũng là nước đứng đầu về tổng số huy chương đoạt được.

Nước chủ nhà Italy trong Olympic này xếp thứ 9 trên bảng tổng sắp với 5 huy chương vàng và 6 huy chương đồng mà không có huy chương bạc nào.

Nếu ở 2 kỳ Olympic trước, vào năm 1998 và 2002, tổng số các nước đoạt được ít nhất là 1 huy chương bất cứ loại nào là 24 nước, thì Olympic Torino này có đến 26 nước, tức là tăng lên thêm hai nước.

Trong thời gian Olympic vừa qua, có nhiều thính giả yêu chuộng thể thao đã không dấu được băn khoăn, lo lắng rằng liệu các vận động viên tham dự Olympic có “bán độ” hoặc dàn xếp kết quả hay không; nhiều người nêu lên thắc mắc rằng ngoài các phần thưởng về vật chất cũng như tinh thần mà Ủy Ban Olympic Quốc Tế chính thức trao tặng cho các vận động viên đoạt giải, mỗi nước riêng lẻõ có hình thức tưởng thưởng nào cho các vận động viên xuất sắc của nước mình trong quá trình tranh tài hay không.

Cho đến giờ này chúng tôi chưa nhận được một tin tức “bán độ” nào, chúng tôi cũng không dám tự khẳng định rằng có hay không có bán độ, song cùng với những lo lắng của quý vị, chúng tôi tìm hiểu được rằng mỗi nước có một hình thức tưởng thưởng khác nhau cho các vận động viên xuất sắc, và có những nước hoàn toàn không trao một giải thưởng vật chất nào cho các vận động viên đoạt huy chương Olympic.

Được biết Mỹ thưởng 25 ngàn đôla cho mỗi chiếc huy chương vàng. Phần Lan thưởng khoảng 25 ngàn đôla cho một huy chương vàng cá nhân, và 6 ngàn đôla cho một huy chương đồng đội. Pháp thưởng đến gần 50 ngàn đôla. Phần thưởng bằng hiện kim của Trung Quốc cũng rất cao.

Trong khi đó bộ trưởng thể thao của Nga trong một cuộc họp báo mới đây cho biết Nga treo giải thưởng bằng hiện kim cho các chiếc huy chương còn cao hơn tất cả những con số vừa nêu, nhưng ông nói là không thể thể tiết lộ con số thực tế.

Canada và Anh Quốc là những nước nằm trong số ít không tặng thưởng vật chất cho các vận động viên đoạt huy chương. Jeffrey Buttle, vận động viên Canada vừa đoạt huy chương đồng môn trượt băng nghệ thuật nam, nói rằng “chúng tôi không mơ tưởng giá trị vật chất đi kèm với những chiếc huy chương. Không phải sáng ra thức giấc là chúng tôi lo tính toán đến việc chiếc huy chương sẽ mang về cho mình bao nhiêu tiền; ngược lại chúng tôi chỉ tập trung nghĩ đến làm thể nào để giành được chiếc huy chương. Chúng tôi muốn đạt được thành tích xuất sắc nhất trong thể thao chứ không phải đạt được sự giàu có nhất trong thể thao.”

Không hiểu giá trị tặng thưởng của Nam Triều Tiên là bao nhiêu; song 5 nhà vô địch Nam Triều Tiên ở nội dung trượt băng tốc độ 5000 mét tiếp sức nam, đã thể hiện một hình ảnh rất cảm động.

5000 mét tiếp sức nam đòi hỏi khả năng về tốc độc, thể lực, kỹ thuật cá nhân và chiến thuật đồng đội có thể nói là cao nhất trong môn đua tốc độ này. Hôm thứ bảy vừa qua 5 thành viên của đội Nam Triều Tiên đã xuất sắc vượt qua các đối thủ sừng sỏ thế giới là Mỹ và Canada để về nhất trong một cuộc đua hết sức gây cấn. Thế nhưng trước khi hân hoan với chiến thắng của chính mình, năm vận động viên này đã xếp hàng ngang, đồng loạt quỳ lạy cảm tạ ban huấn luyện và khán giả mang theo quốc kỳ Nam Triều Tiên đang cổ vũ trên khán đài.

Trước lễ bế mạc, ông Valentino Castellani, Chủ Tịch Ủy Ban Tổ Chức Olympic Torino 2006 nói rằng Olympic này đã thành công ngoài sự mong chờ của ban tổ chức, và những nhà tổ chức đã tự hào là nước chủ nhà Italy đã tạo ra một ảnh hướng lớn cho các kỳ Olympic Mùa Đông trong tương lai.

Thế Vận Hội Mùa Đông lần thứ 20 đã chính thức bế mạc bằng những lễ hội hoành tráng. Ngọn đuốc Olympic cháy suốt tại Torino từ ngày 10 tây cho đến lễ bế mạc đã được tắt đi - để các vận động viên và những người hâm mộ cùng hướng về kỳ Thế Vận Hội mùa hè sắp tới sẽ diễn ra tại Bắc Kinh vào năm 2008, và Thế Vận Hội Mùa đông kế tiếp tại Vancouver, Canada năm 2010.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG