Đường dẫn truy cập

Rối loạn chính trị tại Philippin


Tối thứ sáu vừa qua, hàng ngàn người đã xuống đường biểu tình ở Manila để đòi tổng thống Gloria Arroyo từ chức, tuy rằng trước đó vài giờ giới hữu trách đã ra lệnh cấm biểu tình và bà Arroyo tuyên bố tình trạng khẩn trương trong lúc quân đội loan báo việc phá vỡ một âm mưu đảo chánh.

Tình hình rối loạn này diễn ra nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày phát động cuộc cách mạng Sức mạnh Nhân dân, lật đổ lãnh tụ độc tài Ferdinand Marcos năm 1986. Mời quí thính giả theo dõi thêm một số chi tiết về diễn tiến này trong tiết mục Nhìn Về Á Châu do Duy Ái phụ trách:

Quí thính giả vừa nghe một phần lời phát biểu hôm thứ sáu vừa qua của tổng thống Philipin, bà Gloria Arroyo, khi bà tuyên bố đặt đất nước trong tình huống khẩn cấp và nói rằng những đối thủ chính trị của bà đang toa rập với các phần tử cực đoan cả cánh tả lẫn cánh hữu để lật đổ chính phủ dân cử. Tuyên bố được gọi là sắc lệnh tổng thống 1017 này đã được đưa ra trong lúc dân chúng Philipin chuẩn bị tham gia những lễ hội mừng kỷ niệm 20 năm ngày phát động phong trào ‘Sức mạnh Nhân dân”, thường được gọi là cuộc cách mạng EDSA I, lật đổ lãnh tụ độc tài Ferdinand Marcos năm 1986.

Trong cùng ngày bà Arroyo đưa ra tuyên bố này, quân đội Philipin cũng loan báo việc bắt giữ những người âm mưu đảo chánh, kể cả 3 sĩ quan cao cấp -- trong đó có viên tư lệnh lực lượng Thám báo, thiếu tướng Danilo Lim, một viên tư lệnh của lữ đoàn thủy quân lục chiến, đại tá Ariel Querubin, và tổng thanh tra cảnh sát, ông Narzalino Franco.

Một số chi tiết của kế hoạch đảo chánh này đã được tuần báo Time, ấn bản Á châu, loan tải trong bản tin trên mạng hôm thứ sáu. Theo bản tin này, một phái viên của báo Time đã chứng kiến một cuộc họp của những người dự định đảo chánh - tổ chức vào tối thứ năm và kéo dài tới hơn một giờ sáng ngày thứ sáu tại nhà của ông Jose Cojuangco, anh của cựu tổng thống Corazon Aquino.

Theo kế hoạch này, một số binh sĩ sẽ tham gia cuộc tuần hành đến đài tưởng niệm EDSA, để gặp gỡ một phái đoàn của các vị giám mục Công giáo. Sau đó, một viên tướng thủy quân lục chiến sẽ đọc một thông cáo để tuyên bố không ủng hộ cho chính phủ của bà Arroyo. Tại cuộc họp này, một thương gia vẫn thường chỉ trích bà Arroyo, ông Pastor Saycon, đã gọi điện thoại cho một người ở Washington mà ông cho biết là một viên chức chính phủ Mỹ. Trong cuộc điện đàm này, ông Saycon nói rằng tân chính phủ Philipin được thành lập sau cuộc đảo chánh sẽ tiếp tục có lập trường thân thiện với Hoa kỳ chứ không ngã về phe với Trung quốc.

Sau khi tổng thống Arroyo ban bố tình trạng khẩn trương, cảnh sát đã giải tán hai cuộc biểu tình ở Manila hôm thứ sáu, một cuộc biểu tình qui tụ khoảng 5000 người ở trung tâm thương mại Mataki, và cuộc tuần hành của khoảng 5000 người dưới sự hướng dẫn của cựu tổng thống Corazon Aquino đến đài tưởng niệm EDSA. Đây là nơi mà 20 năm trước đây nhiều nữ tu Công giáo đã đứng lần chuỗi mân côi trên đường để ngăn không cho binh lính đàn áp cuộc biểu tình chống tổng thống Marcos.

Trong ngày thứ sáu, giới hữu trách cũng tăng cường công tác phòng vệ phủ tổng thống với việc bố trí xe tăng và nhiều container để phong tỏa các trục lộ chính dẫn tới dinh Malacanang. Sang đến ngày thứ bảy, giới hữu trách đã bắt giữ các cựu viên chức cảnh sát, trong đó có 2 viên cựu tướng lãnh của lực lượng cảnh sát bị bắt tại một sân golf. Ngoài ra, cảnh sát cũng bắt giam một dân biểu đối lập, ông Crispin Beltran, và lục soát nhà in và tòa soạn của tờ The Daily Tribune, một nhật báo vẫn thường chỉ trích bà Arroyo.

Sang đến ngày chúa nhật, tình hình trên bề mặt đã có vẻ lắng dịu và tổng thống Arroyo đã đến nhà thờ dự lễ. Một phát ngôn viên cảnh sát, ông Samuel Pagdilao tuyên bố trên đài phát thanh rằng lệnh khẩn trương chỉ là một biện pháp tạm thời nhằm loại bỏ những kẻ gây rối.

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng vụ khủng hoảng chính trị hiện nay ở Philipin có phần chắc sẽ tiếp tục kéo dài. Hôm thứ bảy, cựu tổng thống Fidel Ramos đã lên tiếng chỉ trích việc bà Arroyo ban bố tình trạng khẩn trương.

Tôi rất sửng sốt trước sắc lệnh 1017 của tổng thống. Quả thật là tôi đã rất đỗi bất mãn khi nghe tuyên bố này ngày hôm qua. Tôi cảm thấy rất thất vọng.

Ông Ramos, người từng ủng hộ cho bà Arroyo khi bà bị quốc hội luận tội hồi tháng 9 năm ngoái vì các cáo giác tham nhũng và gian lận bầu cử, nói thêm rằng hành động của bà Arroyo gây nhiều tổn hại cho tinh thần của cuộc cách mạng EDSA mà bà đã từng tham gia.

Tôi cho rằng việc ban bố sắc lệnh 1017, với một hình thức lộ liễu như thế, đã khiến cho tinh thần EDSA bị tổn hại nhiều hơn là những cuộc biểu tình diễn ra hôm thứ sáu.

Một ký giả nổi tiếng của Philipin, bà Sheila Coronel, cũng tán đồng nhận xét của cựu tổng thống Ramos và cho rằng việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp sẽ làm sút giảm thêm uy tín của chính phủ vốn không được dân chúng ưa thích của bà Arroyo.

Trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho đài VOA, bà Coronel cho biết như sau:

Dân chúng Philipin rất nhạy cảm đối với những gì có dính dấp tới tình trạng thiết quân luật, mà bà Arroyo lại tuyên bố sắc lệnh khẩn trương với một cung cách in hệt như những gì mà lãnh tụ độc tài Marcos từng làm cách đây gần 30 năm, khi ông ấy ban bố lệnh thiết quân luật.

Bà Coronel cho rằng tâm trạng bất an chính là lý do khiến tổng thống Arroyo có hành động như vậy:

Bà ấy cảm thấy mình bị lâm vào tình trạng tứ bề thọ địch. Lúc nào bà cũng cảm thấy không được an toàn. Bà biết rằng bà không được dân chúng ưa thích, mà quân đội thì lúc nào cũng nhấp nhổm, đứng ngồi không yên. Bà Arroyo e rằng nếu bà tỏ lộ dấu hiệu yếu đuối thì bà sẽ mất đi khả năng bám víu vào quyền lực, một quyền lực vốn rất mong manh vào giờ phút này.

Một số nhà quan sát nói rằng 20 năm sau ngày Marcos bị lật đổ, tình hình Philipin chẳng những không được cải thiện mà có thể đã trở nên tệ hơn. Họ cho rằng chính quyền của bà Arroyo cũng thối nát không khác gì những chính phủ tiền nhiệm, và hồi năm ngoái, chồng của bà đã phải ra nước ngoài sinh sống vì bị tố cáo là nhận tiền hối lộ từ những tổ chức cờ bạc bất hợp pháp.

Một chuyên gia về chính trị Philipin của đại học Hawaii, bà Belinda Aquino, cho biết về việc này như sau:

Chỉ có Marcos và phe đảng của ông ấy bị loại bỏ. Những định chế mà ông Marcos lập ra để thi hành lệnh thiết quân luật vẫn tồn tại. Sau khi ông Marcos bị lật đổ thì tình hình lại quay lại với hệ thống thối nát như trước vì những định chế thối nát chưa hề bị tháo dỡ.

Một giáo sư chính trị học của Đại học Philipin, bà Miriam Ferrer, cho rằng hiện nay dân chúng ở đây cảm thấy do dự, không muốn tham gia những cuộc nổi dậy lật đổ chính phủ như trước nữa. Lý do là vì cuộc cách mạng EDSA I, lật đổ tổng thống Marcos năm 1986, và EDSA II, lật đổ ông Joseph Estrada năm 2001, đã không mang lại kết quả mong muốn.

Chính vì dân chúng đã nhận ra rằng: nếu thay đổi giới lãnh đạo chính trị mà không có những bảo đảm khác thì không nhất thiết là sẽ có được những thay đổi có tính chất lâu dài, cho nên họ ngần ngại không muốn áp dụng những phương thức lật đổ chính quyền từng có hiệu quả trước đây.

Một giáo sư khác của Đại học Philipin, ông Prospero de Vera cho rằng tình hình sẽ tiếp tục bất ổn nếu tổng thống Arroyo không ngưng đàn áp phe đối lập. Tường thuật hôm chúa nhật của hãng thông tấn Reuters trích lời ông de Vera nói rằng: tình hình sẽ trở nên tệ hại hơn nếu bà Arroyo tiếp tục sách nhiễu phe đối lập bởi vì trong quân đội hiện nay có nhiều người mà ông gọi là “những thành phần phiêu lưu” và những người này sẽ tiếp tục tiến hành những mưu toan đảo chánh.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG