Đường dẫn truy cập

Chính sách Nhìn Về Hướng Ðông và chuyến viếng thăm Miến Ðiện của tổng thống Ấn Ðộ


Tin tức báo chí Ấn độ hôm thứ năm vừa qua cho hay tổng thống Abdul Kalam sẽ đến thăm Miến điện vào tháng tới và sẽ trở thành nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Ấn độ đến thăm Rangoon kể từ năm 1987. Các nhà quan sát cho rằng diễn tiến này nằm trong khuôn khổ của chính sách ‘Nhìn về hướng đông’ mà New Dehli đưa ra hồi cuối thập niên 1990, với một mục tiêu chính là cân bằng ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung quốc trong vùng Đông Nam Á.

Hôm thứ năm vừa qua, nhật báo The Hindu ở Ấn độ loan tin rằng tổng thống Abdul Kalam sẽ thực hiện chuyến viếng thăm chính thức Miến điện trong tháng ba và sẽ trở thành viên chức cao cấp nhất của New Dehli đến thăm quốc gia Đông Nam Á này kể từ năm 1987, khi thủ tướng Rajiv Gandhi đến thăm Rangoon. Tuy ngày giờ chưa được ấn định nhưng loan báo về chuyến viếng thăm của tổng thống Abdul Kalam đã đánh dấu tiến bộ mới nhất trong mối quan hệ giữa Ấn độ với chính quyền quân nhân ở Rangoon, vốn là một mối quan hệ không mấy thân thiện vì sự hậu thuẫn của Ấn độ – quốc gia dân chủ lớn nhất thế giới - đối với những nỗ lực dân chủ hóa Miến điện – là nước nằm dưới sự cai trị của các chính phủ độc tài từ năm 1962 cho đến nay.

Theo các nhà quan sát, quan hệ giữa New Dehli với Rangoon đã bắt đầu được cải thiện từ cuối thập niên 1990 sau khi Ấn độ đề xuất chính sách ‘Nhìn về hướng đông’, với một mục tiêu chính là cân bằng ảnh hưởng của Trung quốc trong vùng Đông Nam Á. Trong khuôn khổ của chính sách này, những chuyến viếng thăm cấp cao giữa hai nước đã được thực hiện song song với những chương trình hợp tác về biên mậu, giao thông và cơ sở hạ tầng viễn thông. Nhân vật đứng hàng thứ nhì trong hội đồng quân nhân cầm quyền ở Miến điện, tướng Maung Aye, đã đến thăm Ấn độ vào tháng 11 năm 2000; và người đứng đầu chính phủ Miến điện, tướng Than Shwe đã hội kiến tổng thống Abdul Kalam và thủ tướng Manmohan Singh tại New Dehli hồi tháng 10 năm 2004.

Tường thuật hôm thứ sáu của nhật báo Irrawaddy của những người Miến điện lưu vong ở Thái lan cho biết Tư lệnh Không quân Ấn độ, tướng S Krisnaswamy, đã đi thăm Miến điện hồi năm ngoái và đôi bên đã thảo luận về việc mua bán các loại chiến đấu cơ MIG 29.

Tháng giêng vừa qua, tư lệnh hải quân Ấn độ, Đô đốc Arun Pradesh, cũng đã hướng dẫn một phái đoàn hải quân đi thăm Rangoon để bàn với các nhà lãnh đạo cao cấp của Miến điện, kể cả tướng Than Shwe, về việc Ấn độ hỗ trợ kỹ thuật cho kế hoạch hiện đại hóa hải quân Miến điện. Trong dịp này, chính quyền quân nhân ở Rangoon đã đề nghị thành lập những căn cứ tại Miến điện để hải quân Ấn độ tiến hành công tác huấn luyện cho binh sĩ Miến điện.

Về mặt kinh tế, quan hệ giữa Ấn độ và Miến điện cũng được tăng cường đáng kể. Các số liệu của chính phủ ở New Dehli cho thấy kim ngạch mậu dịch song phương trong năm ngoái đã lên tới mức 1 tỉ đô la và đôi bên đã đề ra chỉ tiêu là tăng gấp đôi con số này trong năm 2007. Các công ty Ấn độ đang tham gia vào nhiều dự án khai thác dầu lửa và khí đốt ở Miến điện và chính phủ New Dehli cũng cung cấp một số tín dụng cho các dự án viễn thông và công nghệ thông tin ở Miến điện.

Nhiều nhà phân tích tình hình Á châu cho rằng sự cải thiện quan hệ giữa Ấn độ với Miến điện, cộng với sự hợp tác về mặt kinh tế của một số quốc gia khác ở Á châu với chính quyền Rangoon, đã khiến cho thái độ của tập đoàn quân nhân cầm quyền Miến điện trở nên ương ngạnh hơn, bất chấp những áp lực ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế đòi họ thực hiện các biện pháp cải cách để tiến tới dân chủ. Tường thuật hôm 22 tháng giêng của tuần báo Time cho biết lượng mậu dịch chính thức giữa Miến điện với Trung quốc đã lên tới mức 1 tỉ 100 triệu đô la trong năm 2004.

Trong khi đó, Thái lan cũng nhập khẩu từ Miến điện một số lượng hàng hóa trị giá gần 1 tỉ 500 triệu đô la trong 10 tháng đầu của năm 2005. Ngay cả một số nước đồng minh thân thiết nhất của Hoa kỳ, như Nam Triều tiên, cũng không hoàn toàn hỗ trợ cho những biện pháp chế tài kinh tế mà Washington áp đặt lên Miến điện từ hơn 10 năm nay. Nhiều công ty Nam Triều tiên đã đầu tư vào ngành dệt may ở Miến điện, tuy có khoảng 40% trong số các công ty này đã rút lui từ năm 2003, khi Hoa kỳ áp đặt lệnh cấm nhập khẩu toàn bộ hàng hóa từ Miến điện.

Các hoạt động kinh tế này đã giúp cho quĩ dự trữ ngoại tệ của Miến điện gia tăng từ con số 89 triệu đô la vào năm 1988 lên tới 685 triệu đô la trong năm 2004. Tường thuật của tuần báo Time trích lời ông Robert Templer, giám đốc bộ phận Á châu của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, nói rằng: “mối quan tâm chính của các tướng lãnh trong tập đoàn quân nhân Miến điện là làm thế nào để tiếp tục nắm quyền và hiện nay họ có đủ tiền bạc để làm như thế.”

Theo hầu hết các nhà quan sát, thái độ ù lỳ của chính quyền quân nhân Miến điện đã được thể hiện một cách rõ ràng trong vài tháng qua khi họ không chịu tiếp đón một đặc sứ của khối Asean, là ngoại trưởng Syed Hamid Albar của Malaysia. Hiệp hội của các quốc gia Đông Nam Á mà Miến điện là quốc gia hội viên này đã đưa ra một thông cáo hồi tháng 12 năm ngoái để hối thúc chính quyền Rangoon áp dụng các biện pháp cụ thể nhằm cải cách hệ thống chính trị.

Khối Asean cũng cho biết là họ muốn phái ngoại trưởng Albar đến Rangoon để thảo luận về vấn đề này. Tuy ngoại trưởng Albar nói rằng ông đã chuẩn bị sẵn sàng để đi thăm Miến điện vào tháng giêng, nhưng cho đến nay chính phủ ở Rangoon vẫn một mực nói rằng vì quá bận rộn với công tác dời thủ đô từ Rangoon đến Pyinmana cho nên họ chưa thể tiếp đón vị đặc sứ của Asean.

Trong khi đó, chuyến viếng thăm Miến điện của tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono của Indonesia vốn dự trù diễn ra vào tháng giêng cũng đã bị đình hoãn cho tới sớm nhất là cuối tháng này. Giới hữu trách Rangoon chưa cho biết lý do, nhưng một số các nhà quan sát nói rằng sự trì hoãn đó có thể phát sinh từ lời chỉ trích hiếm có của chính phủ ở Jakarta đối với tiến trình dân chủ hóa của Miến điện.

Tháng giêng vừa qua, ngoại trưởng Hassan Wirajuda của Indonesia tố cáo rằng chính quyền Rangoon đang gây phương hại cho điều mà ông gọi là ‘tình trạng quân bình’ trong nội bộ Asean. Cũng theo các nhà phân tích, tập đoàn quân nhân Miến điện có lẽ không mấy hứng thú đối với việc tiếp đón tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono, là người mà họ cho là có phần chắc là sẽ “chia sẻ” những kinh nghiệm dân chủ hóa của Indonesia.

Mới đây, các giới chức Miến điện cho biết chính quyền quân nhân ở Rangoon hy vọng sẽ hoàn tất việc di dời toàn bộ công chức đến thủ đô hành chánh mới trong tháng này. Kế hoạch di dời, bắt đầu được thực hiện một cách bất ngờ cách nay khoảng 3 tháng, sẽ chuyển hầu hết các văn phòng chính phủ từ Rangoon đến Pyinmana, cách Rangoon khoảng 400 cây số về hướng bắc. Chính phủ Miến điện nói rằng địa điểm mới, nằm sâu hơn trong nội địa, sẽ giúp cho guồng máy hành chánh hoạt động có hiệu quả hơn và họ sẽ chính thức tuyên bố Pyinmana là thủ đô mới sau khi hoàn tất công tác di dời.

Có nhiều lời đồn đoán về quyết định dời đô của Miến điện. Một số người cho rằng giới hữu trách ở đây lo sợ là Hoa kỳ đang chuẩn bị thực hiện một cuộc xâm lăng. Cũng có người nói rằng các tướng lãnh cầm quyền đã nghe theo lời “cố vấn” của các thầy địa lý người Hoa. Theo dự liệu, chính phủ Miến điện sẽ bắt đầu điều hành guồng máy chính quyền từ thủ đô mới vào ngày mồng 6 tháng 2, mặc dù nhiều văn phòng ở đây vẫn chưa có điện thoại.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG