Đường dẫn truy cập

Việt Nam quyết định tăng 40% mức lương tối thiểu của nhân công làm việc ở những công xưởng do công ty ngoại quốc làm chủ


Nhiều người trong giới lao động ở Việt nam năm nay ăn Tết vui hơn mọi năm vì sắp được tăng lương.

Theo tường thuật hôm chủ nhật của tờ The Economist ở Anh, chính phủ Việt nam mới đây đã quyết định tăng 40% mức lương tối thiểu của nhân công làm việc ở những công xưởng do công ty ngoại quốc làm chủ, bắt đầu từ ngày mồng 1 tháng hai.

Tuy nhiên, những diễn tiến đưa tới quyết định vừa kể đã khiến một số các nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy bất an. Từ cuối tháng 12, hàng vạn công nhân đã tham gia những vụ đình công ở các khu công nghiệp gần thành phố Hồ Chí Minh để đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc.

Qui mô và tính chất có phối hợp của loạt đình công này khiến nhiều người ngạc nhiên vì đảng Cộng sản không cho phép công nhân được thành lập các nghiệp đoàn độc lập. Một số vụ biểu tình biến thành bạo động, và máy móc đã bị đập phá tại một công xưởng của người Đài loan.

Các viên giám đốc người nước ngoài nói rằng những vụ này có sự xúi giục của người bên ngoài vì tại một số công xưởng có nhiều người tới cổng ra vào để phát truyền đơn trong lúc công an cảnh sát khoanh tay đứng nhìn. Sau khi nghị định tăng lương được công bố, phần lớn các công nhân đã quay lại làm việc, nhưng vẫn còn một số người tiếp tục đình công.

Một số các nhà đầu tư đã than phiền về sự gián đoạn trong công tác sản xuất và chi phí lao động cao. Phòng Thương mại Âu châu đã gởi một văn thư cho thủ tướng Phan Văn Khải để yêu cầu chính phủ can thiệp. Văn thư này có đoạn nói đại ý rằng một trong những lý do chính khiến các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt nam làm ăn là lực lượng lao động ở đây không có tệ nạn đình công bừa bãi.

Hầu hết các công xưởng bị ảnh hưởng bởi đợt đình công này là thuộc các công ty của những nước Á châu, và một số người cảnh báo rằng việc này có thể phương hại tới nỗ lực thu hút đầu tư ngoại quốc của Việt nam. Ông Trần Chí Vĩnh, thuộc văn phòng đại diện Đài loan ở thành phố Hồ Chí Minh, nói rằng Việt nam cần phải duy trì sức cạnh tranh bằng cách giữ tiền lương ở mức thấp.

Theo lời ông Vĩnh, tiền lương của nhân công ở Trung quốc cao hơn Việt nam nhưng phẩm chất và hiệu suất lao động của họ cũng cao hơn. Một số nhà quan sát cho rằng những vụ tranh giành quyền lực trong nội bộ đảng Cộng sản Việt nam trước khi diễn ra Đại hội X có thể là lý do khiến giới hữu trách không ra tay trấn áp những vụ đình công bất hợp pháp này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG