Thứ năm vừa qua, giới hữu trách ở Jakarta cho biết cuộc họp giữa tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono của Indonesia với tổng thống Xanana Gusmao của Đông Timor, vốn dự trù diễn ra vào ngày thứ sáu, đã bị đình hoãn. Quyết định này được loan báo chưa đầy một tuần sau khi nhà lãnh đạo Đông Timor đệ nạp một bản phúc trình cho Liên hiệp quốc, trong đó nói rằng có tới 180000 đồng bào ông đã thiệt mạng vì những hành vi tàn ác của quân đội Indonesia từ năm 1975 đến năm 1999. Một số chi tiết về vấn đề này sẽ do Duy Ái trình bày trong tiết mục Nhìn Về Á Châu sau đây:
Cuộc họp giữa tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono của Indonesia và tổng thống Xanana Gusmao của Đông Timor vốn dự trù diễn ra thứ 6 vừa qua trên đảo Bali đã bị hoãn lại giữa lúc có tin cho biết nhà lãnh đạo Indonesia không hài lòng đối với bản phúc trình của Liên hiệp quốc về những hành vi tàn ác mà quân đội Indonesia đã thực hiện ở Đông Timor từ năm 1975 đến năm 1999. Lên tiếng tại cuộc họp báo ở Jakarta hôm thứ 5, phát ngôn viên chính phủ Indonesia, ông Dino Patti Djalal nói rằng: tổng thống Yudhoyono “cảm thấy buồn phiền” đối với bản phúc trình mà tổng thống Gusmao đã đệ nạp cho Tổng thư ký Kofi Annan của Liên hiệp quốc hôm 20 tháng giêng vừa qua. Theo ông Djalal, những cáo giác trong văn kiện dài 2 ngàn 500 trang này là “không đúng sự thật” hoặc “hoàn toàn không đúng sự thật”, và chính phủ ở Jakarta không hiểu được lý do gì đã khiến cho Đông Timor muốn mở lại những trang sử cũ. Tuy nhiên, ông Djalal cũng nói thêm rằng việc này không ảnh hưởng gì tới quyết định hoãn lại cuộc họp.
Cũng trong ngày thứ năm, Quốc vụ khanh Yusril Ihza Mahendra của Indonesia cho hay ông Yudhoyono phải hoãn lại cuộc họp để có thể chủ trì tang lễ của phó tổng thống Sudharmono, nguyên là một người phụ tá đắc lực của tổng thống Suharto trong chiến dịch đàn áp phe Cộng sản ở Indonesia trong thập niên 1960. Quốc vụ khanh Mehendra nói rằng cuộc họp thượng đỉnh với Đông Timor sẽ được ấn định lại sau khi tổng thống Yudhoyono duyệt xét bản phúc trình mà bộ ngoại giao Indonesia vừa nhận được.
Bản phúc trình - do Ủy hội Sự thật và Hòa giải thực hiện trong 3 năm qua và dựa trên 8000 cuộc phỏng vấn, hiện chưa được Liên hiệp quốc chính thức công bố, nhưng chi tiết trong văn kiện này đã được tường thuật khá nhiều từ hôm 20 tháng giêng, dựa vào bản sao mà những tờ báo ở Australia đã có được.
Theo phúc trình này, các lực lượng an ninh Indonesia phải chịu trách nhiệm đối với cái chết của 180 ngàn người Đông Timor trong 24 năm phần đất này bị Indonesia chiếm đóng. Những tội ác của binh lính Indonesia và các lực lượng dân quân ở Đông Timor thân Jakarta gồm có giết hại bừa bãi, tra tấn, thủ tiêu, hãm hiếp và áp dụng những chính sách khiến cư dân địa phương bị chết đói.
Những cáo giác tương tự vốn được đưa ra nhiều lần từ bấy lâu nay, nhưng đây là lần đầu tiên toàn bộ những chi tiết về tội diệt chủng này được trình bày đầy đủ trong một văn kiện được đúc kết sau một cuộc điều tra độc lập. Ngoài việc yêu cầu Indonesia bồi thường cho Đông Timor, phúc trình này còn nói rằng Hoa kỳ, Australia và Anh quốc cũng nên có hành động tương tự vì đã hỗ trợ cho quân đội Indonesia trong thời gian Đông Timor nằm dưới sự đô hộ của Jakarta.
Phát biểu tại trụ sở Liên hiệp quốc sau khi nộp bản phúc trình này cho Tổng thư ký Annan, tổng thống Gusmao của Đông Timor nói rằng chính phủ ông muốn dựa vào mô thức hòa giải đã được thực hiện ở Nam Phi để cổ xúy cho nền công lý có tính chất phục hồi chứ không phải để đòi hỏi có được một nền công lý mang tính trừng phạt.
Mục tiêu thiết yếu của phúc trình này là nhắc nhở cho các thế hệ tương lai đừng bao giờ có những hành động như những hành động từng diễn ra ở Đông Timor. Chúng tôi chấp nhận kết quả phúc trình này như một cách để nói lên sự thật về những gì đã xảy ra, và như một cách để chữa lành những vết thương- những vết thương trong tâm trí và ngay cả những vết thương thể xác. Đây là những gì mà chúng tôi đang cần. Nếu chúng ta che giấu sự thật, chúng ta sẽ không có đủ can đảm để nhìn thẳng vào mắt nhau. Đó cũng chính là lý do khiến tôi tin rằng các số liệu trong bản phúc trình không quan trọng bằng những bài học mà mọi người có thể rút tỉa từ văn kiện này.
Tưởng cũng nên nhắc lại là Indonesia đã xâm lăng Đông Timor và sáp nhập phần đất này vào lãnh thổ của mình năm 1975, sau khi chính quyền thực dân Hà Lan rút đi. Một chế độ cai trị bạo ngược đã được áp dụng tại phần đất có khoảng 500 ngàn dân này cho tới năm 1999, trong lúc dân chúng Đông Timor không ngớt tranh đấu để giành độc lập. Dưới áp lực của phong trào kháng chiến Đông Timor và yêu cầu của cộng đồng quốc tế, chính phủ Indonesia đồng ý mở cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề độc lập ở Đông Timor, nhưng bạo động do binh sĩ Indonesia và dân quân thân Jakarta không ngớt diễn ra xoay quanh cuộc đầu phiếu. Khoảng 1 ngàn 500 người đã bị thiệt mạng và nhiều nhà cửa ở Đông Timor đã bị đốt phá trong lúc đại đa số cử tri ở đây bỏ phiếu để quyết định tách khỏi Indonesia. Sau đó, Liên hiệp quốc đã phải đưa lực lượng duy trì hòa bình tới Đông Timor và cai quản phần đất này cho tới khi Đông Timor chính thức độc lập vào năm 2002.
Từ đó đến nay, giới hữu trách Jakarta đã thường xuyên bị cộng đồng quốc tế làm áp lực đòi xét xử những kẻ chịu trách nhiệm đối với những vụ chà đạp nhân quyền ở Đông Timor, đặc biệt là những người gây ra bạo động trong cuộc trưng cầu dân ý năm 1999. Chính phủ Indonesia đã mở một số phiên tòa để xử các viên chỉ huy quân đội và cảnh sát, nhưng hầu hết các viên chức cấp cao đã được tha bỗng.
Trong khi đó, các nhân vật tranh đấu cho nhân quyền ở Indonesia đã lên tiếng chỉ trích chính phủ về thái độ mà họ cho là “chống chế” đối với bản phúc trình của Liên hiệp quốc. Tường thuật hôm thứ tư của tờ The Jakarta Post trích lời ông Abdul Hakim Garuda Nusantara, chủ tịch Uûy ban Nhân quyền Quốc gia, nói rằng thái độ chống chế của chính phủ của tổng thống Yudhoyono có phản tác dụng và làm cho uy tín của Indonesia trên trường quốc tế bị sút giảm thêm.
Ông Ifdhal Kasim, điều hợp viên của Viện Nghiên cứu và Vận động Chính sách ở Jakarta cũng tán đồng nhận định này, và nói thêm rằng hình ảnh của quốc gia đông người Hồi giáo nhất thế giới này đã bị hoen ố khá nhiều vì hệ thống tòa án đã không xét xử nghiêm chỉnh những viên chức cao cấp liên can tới vụ bạo động ở Đông Timor năm 1999. Oâng Kasim nói thêm rằng phản ứng mà tổng thống Yudhoyono nên có đối với bản phúc trình của Liên hiệp quốc là tạ lỗi và bồi thường cho những nạn nhân ở Đông Timor.
Sử gia Taufik Abdullah của Indonesia cũng nói rằng: việc thừa nhận một cách thẳng thắn những hành vi sai trái trong quá khứ chẳng những có lợi cho nỗ lực cải thiện hình ảnh của Indonesia trên thế giới mà còn giúp cho dân chúng thoát khỏi bóng đen của quá khứ để mưu tìm hòa giải với nhân dân Đông Timor.